Lừa đảo theo một "công thức chung"
Bạn đã từng là nạn nhân của những shop online "treo đầu dê bán thịt chó?", bạn đã từng bỏ tiền triệu để mua mỹ phẩm qua mạng nhưng nhận lại hàng nhái? Bạn đã từng nhận một bộ quần áo không phải món đồ đã trao đổi với chủ shop qua inbox, nhưng sau đó không liên hệ lại được với shop? Đó có thể là câu chuyện mà bạn hay rất nhiều người đã gặp phải.
Thực ra, những chiêu lừa đảo này là không hiếm gặp trong hoạt động kinh doanh online. Chiêu lừa đảo "quen thuộc" mà rất nhiều người gặp phải thường ở hình thức như sau:
Chủ shop lập ra những trang Fanpage bán hàng chuyên nghiệp, mua lượng like, comment, đánh giá tốt cho rầm rộ tạo sự tin cậy cho người mua. Các sản phẩm được đăng bán đều có hình ảnh rất đẹp, giá tốt.
Những trang này có điểm chung là sử dụng kỹ xảo mua lượt yêu thích Facebook ảo để tăng số lượng yêu thích trang lên hàng nghìn người, đánh vào tâm lý tin tưởng số đông.
|
Một trường hợp mua hàng trên mạng và thực tế. |
Thực tế những hình ảnh này được lấy trên mạng từ nhiều nguồn khác nhau. Sau khi giao dịch xong, chuyển tiền đầy đủ, người mua sẽ nhận được những món đồ có chất lượng rất kém, phản hồi thì không được trả lời, lên bình luận trên trang thì phát hiện đã bị chặn.
Những cách thức lừa đảo tương tự xảy ra rất nhiều. Người mua bỏ số tiền không nhỏ để mua món hàng chất lượng, nhưng đến khi nhận là là sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng... Phản hồi thì người bán quanh co, bảo là “giống y chang, nhưng do chụp lên hình có đèn nên màu sắc khác”.
Hơn nữa, với lý do không liên kết được với đơn vị giao hàng và cam kết đổi trả hàng hóa hoàn toàn miễn phí từ 3 - 10 ngày nếu xảy ra lỗi, đa số các chủ trang Facebook lừa đảo đã đưa ra chính sách không cho kiểm tra hàng trước khi thanh toán.
Bên cạnh đó, nhiều trang Facebook lừa đảo còn sử dụng chiêu thức không sử dụng tính năng đánh giá Facebook. Điều này đồng nghĩa trang Facebook đó không cho người khác nhận xét về chất lượng sản phẩm, dịch vụ sản phẩm của mình.
Chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt
Khó có thể thống kê hết lượng người tiêu dùng bị những cú lừa từ người bán hàng online. Tuy nhiên, lý do để những người bán online này vẫn tiếp tục lộng hành, lừa đảo mà hầu như không phải chịu một hậu quả nào là do việc kinh doanh buôn bán trên mạng hầu như chỉ bằng niềm tin, không có ràng buộc pháp lý rõ ràng.
Nếu như chủ shop không bồi thường lại cho khách hàng sau những cú lừa như vậy, thì cũng rất khó để bắt chủ shop chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Vì thực tế fanpage chỉ cần "Vô hiệu hóa", hoặc đổi tên, thay đổi thông tin "Cửa hàng" trên facebook thì tất cả những thông tin cửa hàng sẽ "bốc hơi" nhanh chóng.
Cạnh đó, những kẻ lừa đảo cũng ẩn thân rất kĩ, dùng nick giả, tạo ra nhiều tương tác lẫn mối quan hệ ảo để tạo độ tin cậy để thuyết phục người dùng.
Sau cùng, chỉ có khách hàng là người chịu thiệt. Số tiền bị lừa với mỗi người không đủ lớn để phải tố cáo đến cơ quan công an, vậy nên hầu hết khách hàng cũng chỉ "Ngậm bồ hòn làm ngọt", tự rút ra baì học kinh nghiệm khi mua hàng online, cùng lắm cũng chỉ "tố" lên mạng xã hội Facebook với những bài viết "Bóc phốt", "Cảnh giác".
|
Hầu hết khách hàng cũng chỉ "Ngậm bồ hòn làm ngọt", tự rút ra baì học kinh nghiệm khi mua hàng online, cùng lắm cũng chỉ "tố" lên mạng xã hội Facebook với những bài viết "Bóc phốt", "Cảnh giác". |
Điểm chung của các nạn nhân là sau khi đăng tải việc mình bị lừa đảo lên Facebook, họ mới phát hiện mình không phải là nạn nhân duy nhất của những trang Facebook lừa đảo này.
Môi trường kinh doanh online tràn lan, thiếu sự quản lý chính là mảnh đất vàng của những kẻ lừa đảo. Đây cũng là một câu chuyện khó giải quyết, khi mà mạng xã hội thì ảo và mênh mông, còn người tiêu dùng, không thể bỏ thói quen mua bán qua mạng, một xu thế kinh doanh trao đổi tiện lợi, hợp thời.
Vẫn tiếp tục mua hàng online, người tiêu dùng cần phải làm gì? Mua hàng online đã trở thành thói quen, vì tiện lợi, đáp ứng được nhu cầu mua sắm mà không mất nhiều thời gian, vì vậy, nếu vẫn tiếp tục duy trì thói quen mua sắm này mà không trở thành nạn nhân của các shop online lừa đảo, người tiêu dùng nên nhớ 3 nguyên tắc sau: - Mua hàng ở những địa chỉ thực sự uy tín, có thời gian kinh doanh lâu dài. - Yêu cầu xem ảnh thật của hàng hóa, ảnh không qua chỉnh sửa, chụp dưới ánh sáng thường. - Yêu cầu được xem hàng trước khi thanh toán. |
Theo Vietq