vẫn nghiễm nhiên có mặt trong danh sách các thuốc, dược liệu 'phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19”.
Sản phẩm hoạt huyết không phải là thuốc điều trị Covid-19
Dư luận vẫn chưa hết "nóng" kể từ khi Bộ Y tế ra công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu. Kèm theo công văn này là hướng dẫn, danh mục về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 và 9 sản phẩm sát khuẩn không khí, sát khuẩn tay và xịt họng.
|
Trong danh mục 12 loại thuốc, sản phẩm cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 có cả sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất của Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất khiến cho dư luận không khỏi ngạc nhiên và đặt dấu hỏi về công dụng của sản phẩm này. Nhiều người thậm chí còn cho rằng văn bản của Bộ Y tế đưa ra danh mục sản phẩm như vậy có phần thiếu tính khoa học và tạo nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị dược phẩm. Và, trong động thái mới nhất nhằm giải quyết những 'lùm xùm' xoay quanh công văn số 5944/BYT-YDCT, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký văn bản thu hồi công văn số 5944/BYT-YDCT với lý do công văn này "có một số nội dung chưa phù hợp".
Trả lời báo chí về danh mục 12 sản phẩm kể trên, PGS. TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết 12 sản phẩm nêu trên không phải là danh mục thuốc, sản phẩm chỉ định cho dự phòng, điều trị, mà là danh mục sản phẩm do các đơn vị tài trợ, ủng hộ cho phòng dịch Covid-19.
"Các đơn vị sản xuất sản phẩm trên đây đã và đang đồng hành, ủng hộ ngành y tế và một số tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM... để sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ và vừa, cho các thầy thuốc tuyến đầu chống dịch và các F1 đang cách ly", PGS Thịnh giải thích.
Cũng theo ông Thịnh, căn cứ danh mục, tùy theo thực tiễn các bệnh viện, cơ sở y tế khi được tài trợ để phát cho bệnh nhân. Các sản phẩm cũng cần được đánh giá về hiệu quả khi sử dụng. Đối với nhóm thuốc phòng và hỗ trợ điều trị có thể đồng thời sử dụng 2-3 loại, kết hợp uống thuốc dạng sắc trên cơ sở các bài thuốc được đề cập trong hướng dẫn kèm công văn số 5944/BYT-YDCT. Điều đó có nghĩa là không phải bệnh nhân Covid-19 nào cũng giống nhau, mà từng bệnh nhân, tùy từng tình trạng, mức độ bệnh bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc phù hợp.
Về sản phẩm thuốc hoạt huyết (phòng và điều trị thiểu năng tuần hoàn não, mất thăng bằng, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay...) được đưa vào danh mục 12 thuốc nêu trên, trong khi Covid-19 là bệnh do SARS-CoV-2, lây qua đường hô hấp, PGS Thịnh giải thích thêm: "Sản phẩm hoạt huyết không phải là thuốc điều trị Covid-19 mà là sản phẩm trong danh sách đơn vị tài trợ, nên chúng tôi hướng dẫn sử dụng".
PGS Thịnh cũng cho biết tất cả sản phẩm đều đang trong giai đoạn nghiên cứu. "Hiện Bộ Y tế không công bố sản phẩm có tác dụng dự phòng, điều trị ca nhiễm SARS-CoV-2", ông khẳng định.
Ông Thịnh cho rằng người dân thường có tâm lý thích tự đi mua thuốc. Nhưng thuốc khi sử dụng phải theo hướng dẫn của bác sĩ vì thuốc bao giờ cũng có 2 mặt, lợi và hại. "Người dân cần hiểu đúng. Chỉ nên dùng thuốc theo đơn, tư vấn của bác sĩ, không nên đổ xô đi mua, tích trữ thuốc", PGS Thịnh khuyến cáo.
Qua những câu trả lời của đại diện Cục Quản lý y, dược cổ truyền có thể thấy, trên thực tế, sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất không phải là sản phẩm có thể phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19. Tuy nhiên, công văn mà Bộ Y tế đưa ra lại dễ khiến nhiều người hiểu lầm về công dụng, chất lượng thật sự của sản phẩm này. Đương nhiên, việc ban hành công văn như vậy cũng khiến dư luận đặt dấu hỏi về việc tại sao Hoạt huyết Nhất Nhất lại có trong danh sách "phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19" do Bộ Y tế ban hành? Nếu chỉ đơn thuần là sản phẩm được "tài trợ" như khẳng định của ông Nguyễn Thế Thịnh thì tại sao Bộ Y tế lại hướng dẫn sử dụng sản phẩm này trong phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19?
Giá tăng chóng mặt, quảng cáo quá tầm
Sau khi công văn số 5944/BYT-YDCT được ban hành, hàng loạt sản phẩm trong danh sách này đã được người dân đổ xô đi mua sử dụng, tích trữ. Giá nhiều sản phẩm trong danh mục, bao gồm cả sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất lập tức tăng vùn vụt. Cụ thể, Hoạt huyết Nhất Nhất đã tăng từ 94.000 đồng/hộp lên 99.000 đồng, thậm chí chạm mức 103.000 đồng/hộp.
Có thể số tiền tăng trên mỗi hộp thuốc không nhiều nhưng việc điều chỉnh giá trong bối cảnh này rõ ràng có thể khiến người tiêu dùng hoài nghi về việc đơn vị phân phối sản phẩm đang cố ý trục lợi từ dịch Covid-19, nhất là khi lại có thông tin thuốc này có tác dụng "hỗ trợ điều trị Covid-19".
Không chỉ dừng lại ở câu chuyện tăng giá, sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất thời gian gần đây còn được quảng cáo với những nội dung thiếu xác thực. Theo thông tin trên báo chí, khi trao đổi cụ thể về tác dụng của sản phẩm này, qua số hotline của Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất, tư vấn viên cho biết với người trẻ tuổi, sự tuần hoàn máu trong cơ thể rất tốt, không nhất thiết phải sử dụng sản phẩm này.
Với người cao tuổi, Hoạt huyết Nhất Nhất có công dụng bổ huyết, hoạt huyết, giúp tuần hoàn lưu thông máu. Thuốc điều trị các triệu chứng của thiểu năng tuần hoàn như đau đầu, mất ngủ, hoa mắt, chóng mặt, từ đó sức đề kháng được cải thiện. Khi sức đề kháng được cải thiện thì cơ thể có thể chống lại bệnh tốt hơn.
"Ngoài ra, trong trường hợp có nguy cơ bị COVID-19, virus gây nên tình trạng đông đặc máu ở vùng phổi, thuốc sẽ có tác dụng hỗ trợ giảm thiểu tình trạng cục máu đông", tư vấn viên của Dược phẩm Nhất Nhất nói.
Trước câu hỏi Hoạt huyết Nhất Nhất có thể hỗ trợ điều trị COVID-19 hay không, tư vấn viên cho biết thuốc có thể hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên, tư vấn viên cũng khẳng định chưa có nghiên cứu nào chứng minh Hoạt huyết Nhất Nhất có tác dụng điều trị COVID-19. "Thuốc có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, tăng cường tuần hoàn, lưu thông máu, từ đó tăng sức đề kháng. Khi sức đề kháng tốt thì có thể phòng ngừa nguy cơ bị nhiễm khuẩn hoặc bị virus xâm nhập", tư vấn viên nhắc lại.
Hoạt huyết Nhất Nhất từng dính “tai tiếng”
Hoạt huyết Nhất Nhất là sản phẩm thuốc có số đăng ký VD-256-96-16 do Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất là đơn vị đăng ký thông tin quảng cáo tại Cục Quản lý Dược từ năm 2010. Được biết, sản phẩm này được Cục Quản lý Dược cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 0476/2017/XNQC/QLC với công dụng: Bổ huyết, hoạt huyết. Chỉ định dùng để trị các chứng huyết hư, ứ trệ. Phòng ngừa và điều trị thiểu năng tuần hoàn não, thiểu năng tuần hoàn ngoại vi. Hỗ trợ phòng ngừa và điều trị xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, nghẽn mạch, tai biến mạch máu não.
Hồi tháng 2/2021, sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất của Công ty TNHH Nhất Nhất được quảng cáo với những ngôn từ phản cảm gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể, một đoạn clip quảng cáo thuốc Hoạt huyết Nhất Nhất kéo dài 58 giây ghi lại cuộc trò chuyện của hai người đàn ông lớn tuổi về tình hình bệnh của những người trong gia đình. Người đàn ông mặc áo hồng tâm sự, ông và mẹ nhờ sử dụng sản phẩm hoạt huyết này thường xuyên nên ngủ rất ngon, dù trước đó đã sử dụng nhiều loại thuốc. Ngược lại, vợ ông không chịu sử dụng nên lâm cảnh mất ngủ kinh niên. Người đàn ông mặc áo hồng cũng bày tỏ sự bất lực khi không thuyết phục được vợ sử dụng sản phẩm.
Lúc này, người đàn ông áo trắng ngồi đối diện mới tiếp lời: "Vợ anh cũng trí thức, cũng tiến sĩ như anh, đáng lẽ phải uống ngay. Nhưng lại không chịu uống thì chỉ có thể là do nghiệp chướng nặng từ kiếp trước, trời đày không cho chị ấy tin tưởng vào thuốc hoạt huyết, để phải chịu nỗi khổ mất ngủ kinh niên suốt đời. Nếu vậy, có mà trời khuyên”.
Xuyên suốt cuộc trò chuyện của hai người đàn ông này liên tục xuất hiện những lời lẽ, ngôn từ được cho rằng đang xúc phạm những người không dùng sản phẩm mà họ đang quảng cáo.
Đoạn quảng cáo được lan truyền, khiến không ít người bất bình. Một người xem bình luận ngay dưới đoạn video: “Nội dung quảng cáo rất phản cảm và dường như đang xúc phạm những người không dùng sản phẩm này của họ”. Một người khác cũng bày tỏ bức xúc: “Không hiểu vì sao các đơn vị quản lý có thể duyệt được nội dung như thế. Chẳng khác nào nói những người không dùng sản phẩm của họ là vô học”.
Trong đoạn quảng cáo, người đàn ông lớn tuổi, mặc áo hồng nói: “Từ nhiều năm nay, anh, mẹ anh và vợ anh đều bị mất ngủ kinh niên thức trắng cả đêm dùng Ginkgo Biloba của Pháp không ăn thua, bọn anh phải mua thuốc ngủ Diazepam do bác sĩ kê nhưng sáng ra thì người mệt rũ như chưa hề ngủ. May có người giới thiệu anh và mẹ uống thuốc hoạt huyết thường xuyên đến nay đã ngủ ngon. Nhưng vợ anh vẫn mất ngủ vì không chịu uống, không biết phải làm như thế nào?”.
Trước nội dung trên, người dùng không khỏi đặt nghi vấn về việc liệu quảng cáo thuốc Hoạt huyết Nhất Nhất có đang vi phạm Luật Cạnh tranh năm 2004?. Bởi, Luật Cạnh tranh năm 2004 coi quảng cáo so sánh trực tiếp là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và cấm thực hiện tại khoản 1 Điều 45: “Cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động quảng cáo sau đây: 1. So sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác…”.
Theo tìm hiểu được biết sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất do Công ty TNHH Nhất Nhất (địa chỉ tại: 6A/508 Đường Láng, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội) sản xuất. Đây cũng không phải lần đầu tiên sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất vướng vào lùm xùm về việc vi phạm quảng cáo. Đơn cử, giữa năm 2016, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ra Quyết định số 198/QĐ-XPHC xử phạt hành chính Công ty TNHH Nhất Nhất 30 triệu đồng vì có hành vi quảng cáo thuốc Hoạt huyết Nhất Nhất không đúng với nội dung đã đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo Cục Quản lý Dược, hành vi quảng cáo của Công ty TNHH Nhất Nhất đã vi phạm quy định tại Điểm a, khoản 3, điều 68 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Vào tháng 8/2020, Công ty TNHH Nhất Nhất đã phải dừng phát quảng cáo dược phẩm Tonka do bị Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phản ánh gây ảnh hưởng ngành tôm. Cụ thể, VASEP có văn bản gửi Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Giám đốc Công ty TNHH Nhất Nhất về đoạn quảng cáo dược phẩm Tonka của đơn vị này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh ngành tôm Việt Nam.
Liên quan đến sự việc trên, cuối tháng 8/2020 phía Công ty này đã cho dừng quảng cáo sản phẩm để thực hiện khắc phục việc sử dụng tôm tươi minh họa “thực phẩm bẩn” trong clip quảng cáo thuốc.
Dược phẩm Nhất Nhất làm ăn ra sao?
Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất được thành lập tháng 6/2006. Vốn điều lệ doanh nghiệp tính đến tháng 8/2020 là 3 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm các cá nhân Trần Đăng Dũng (50%) và Nguyễn Kim Giang (50%). Người đại diện theo pháp luật, kiêm Giám đốc là ông Lê Đức Lộc.
Năm 2015, Nhất Nhất đưa vào vận hành nhà máy sản xuất nguyên liệu và thành lập thuốc dược liệu theo chuẩn GMP - WHO diện tích 10.000 m2.
Nhất Nhất từng sở hữu Công ty con là Công ty CP Dược phẩm Nhất Nhất (thành lập vào tháng 9/2011) có trụ sở chính tại Cụm công nghiệp Liên Hưng, ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, Long An. Hiện tại, Công ty con này không còn quan hệ với Nhất Nhất.
Về tình hình kinh doanh, trong giai đoạn 2016-2019 doanh thu của Nhất Nhất tăng mạnh gấp đôi, lên 333,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trừ đi các chi phí, lãi sau thuế năm 2019 của Nhất Nhất chỉ còn 2 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu cũng khá thấp, chỉ 0,6%. Thời điểm các năm 2016-2018, Công ty chỉ thu về lãi từ 624 triệu đồng đến 2,1 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Nhất Nhất đạt 41 tỷ đồng, giảm 22,6% so với số đầu kỳ. Trong đó, nợ phải trả 28,6 tỷ đồng (chiếm gần 69,7%). Vốn chủ sở hữu đạt 12,4 tỷ đồng, tăng 19,2%.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi đầu cơ hàng hóa là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt theo Điều 31, Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 28-8-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt tiền từ 5-100 triệu đồng (tùy vào hành vi vi phạm). Hình phạt bổ sung tịch thu tang vật, tước giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động… Ngoài ra, đối với các cơ sở bán hàng, siêu thị nếu có hành vi găm hàng sẽ bị xử phạt lên tới 30 triệu đồng.
Nghiêm khắc hơn, theo các chuyên gia pháp lý, hành vi đầu cơ, gom các mặt hàng thiết yếu để bán với giá cao trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay rất đáng lên án và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đầu cơ theo Điều 196, Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Nhằm xử lý nghiêm các hành vi trục lợi bất chính lúc dịch bệnh phức tạp, các cơ quan chức năng rất cần điều tra, xử lý rốt ráo những trường hợp gây bức xúc trong dư luận nhân dân.