Công cụ tài chính được tập đoàn tư nhân hàng đầu của Việt Nam hết sức ưa thích sử dụng trong việc huy động vốn đó chính là phát hành và bán trái phiếu chuyển đổi, trong đó Vingroup phát hành 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi đầu tiên từ năm 2009 (khi đó còn là CTCP Vincom).
Mới đây, CTCP Vinpearl đã chào bán thành công 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Tập đoàn Vingrooup (mã VIC). Theo các tổ chức đồng tư vấn và phát hành, gồm Credit Suisse, the Hongkong and Shanghai Banking Corporation (HSBC) và BNP Paribas, đây là trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu đầu tiên trên thế giới và ghi nhận lượng đăng ký từ nhà đầu tư gần gấp đôi quy mô trái phiếu phát hành. Trái phiếu đáo hạn vào năm 2026, lãi suất 3,25%/năm.
|
Trong vai trò Ngân hàng Tư vấn cơ cấu Bền vững cho giao dịch, HSBC hỗ trợ Vingroup xây dựng Khung Tài chính Bền vững (Khung), bao gồm 6 hạng mục dự án xanh và 2 hạng mục dự án xã hội thuộc các mảng kinh doanh của Tập đoàn. Các hạng mục dự án tiềm năng bao gồm giao thông sạch, công trình xanh, quản lý nước và nước thải bền vững, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm, sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, tiếp cận các dịch vụ thiết yếu – chăm sóc sức khỏe và nhà ở giá cả hợp lý.
Sustainalytics, công ty chuyên đánh giá độc lập tính bền vững của doanh nghiệp niêm yết – nhận xét Khung Tài chính Bền vững của giao dịch ảnh hưởng tích cực đến môi trường và xã hội.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, lượng đặt mua Trái phiếu bền vững kèm quyền chọn nhận cổ phiếu của Vinpearl cao hơn so với quy mô phát hành cho thấy quan điểm tích cực của nhà đầu tư đối với sản phẩm trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu mà Vingroup và các công ty thành viên đang tiên phong thực hiện. Giao dịch cũng khẳng định uy tín, hoạt động kinh doanh bền vững của Vingroup và các công ty thành viên, cũng như vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế.
Vinpearl là công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup, đồng thời là nhà phát triển và vận hành dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng – giải trí hàng đầu Việt Nam, với 35 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, 3 công viên chủ đề và 2 khu vui chơi giải trí, 2 công viên bảo tồn và chăm sóc động vật bán hoang dã, 4 sân gôn tại 16 thành phố lớn và các điểm du lịch nổi tiếng.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup – CTCP vừa công bố quyết định của Tổng giám đốc phê duyệt một số nội dung liên quan đến Trái phiếu phát hành bởi Tập đoàn Vingroup ra thị trường quốc tế.
Cụ thể, Vingroup sẽ phát hành 500 triệu USD trái phiếu ký hạn 5 năm (đáo hạn vào năm 2026), Lãi suất danh nghĩa trái phiếu (coupon) 3%/năm. Mệnh giá 200.000 USD/trái phiếu. Giá chào bán bằng 100% giá trị phát hành trái phiếu.
Đây là loại trái phiếu có thể thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu CTCP Vinhomes niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (cổ phiếu VHM). Giá thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu tại ngày phát hành là 123.000 đồng/cp VHM (xác định bằng 120% giá đóng cửa cổ phiếu VHM vào ngày phát hành 13/4/2021).
Tỷ lệ thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu tại ngày phát hành: 37.515,82 cổ phiếu VHM tương ứng với 1 trái phiếu có mệnh giá 200.000 USD.
Trái phiếu sẽ được niêm yết trên Sở GDCK Singapore.
Đại lý chính, đại lý thanh toán và bên nhận uỷ thác trái phiếu là The Bank of New York Mellon, London Branch, đại lý đăng ký và chuyển nhượng là The Bank of New York Mellon SA/NV, Dublin Branch. Thương vụ phát hành có sự tham gia của Credit Suisse (Singapore), HSBC, Morgan Stanley Asia (Singapore).
Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của Vingroup đạt 422.503 tỷ đồng, tăng gần 20.000 tỷ so với đầu năm. Tập đoàn vay ngắn hạn 25.972 tỷ đồng, vay nợ dài hạn 98.309 tỷ đồng, trong đó 34.594 tỷ đồng là trái phiếu dài hạn và 14.265 tỷ đồng là trái phiếu dài hạn đến hạn trả.
Tháng 5, Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố thông tin cho biết, tập đoàn này dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển công nghệ cao, các sản phẩm điện tử và các tính năng về “Infotainment” cho ô tô VinFast.
Đây là bước đi được Vingroup giải thích là “chiến lược” nhằm đưa VinFast tiến đến mục tiêu trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới.
Chia sẻ thêm về hoạt động kinh doanh năm nay, tập đoàn Vingroup sẽ đẩy mạnh các hoạt động nhằm củng cố ba trụ cột chính Công nghệ - Công nghiệp - Thương mại Dịch vụ. Công ty dự kiến đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ ̣của mỗi ngành dọc.
Trong lĩnh vực Công nghệ - Công nghiệp, VinFast dự kiến ra mắt năm mẫu xe máy điện và ba mẫu xe ô tô thông minh VF e34, VF35 và VF36. Các mẫu xe mới giúp VinFast tiếp tục giữ vững vị thế tại thị trường nội địa, đồng thời đưa VinFast ra thị trường quốc tế.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng nói rằng: “Câu chuyện xe điện, cả thế giới lo lắng, có tư duy tương tự. Đương nhiên xe điện là những thứ không dễ dàng. Xe điện thực ra là cơ hội để Vingroup cũng như Việt Nam thay đổi được tầm vóc của mình. Nếu tôi nói con số chúng tôi dự định bán tại các thị trường nước ngoài có lẽ các anh còn thấy lo lắng hơn. Ví dụ tại Mỹ, năm 2026 chúng tôi lên kế hoạch bán hàng trăm nghìn xe”.
Nói về lý do tự tin đưa ra con số lớn như vậy, vị Chủ tịch tập đoàn nhấn mạnh: Thứ nhất là chúng ta cạnh tranh với xe xăng chứ không cạnh tranh với xe điện. Tại sao cạnh tranh với xe xăng? Với concept kinh doanh chuyển pin từ người mua phải sở hữu sang sở hữu của VinFast, chính xác là sở hữu của Vingroup do công ty Vinsmart. Vinsmart tập trung sản xuất pin và làm dịch vụ cho thuê này.
Khi chuyển sang cho thuê, với concept cho thuê pin, tính tiền thuê pin cộng với tiền nạp điện, chúng tôi thu bằng đúng phí khách hàng phải trả cho xăng. Ví dụ, con xe hạng B, 1km phải trả 2.000 đồng. Chúng tôi tính tiền thuê pin cộng với tiền nạp điện cũng là 2.000 đồng/km.
“Như vậy, câu chuyện khách hàng thay vì câu chuyện mua pin, cũng giống như xe xăng, họ sẽ mua một cái xe có bình xăng rỗng, đổ xăng đến đâu chạy đến đấy. Xe điện cũng vậy, chạy đến đâu, trả tiền đến đấy, đúng theo số km, với đúng chi phí như là xe xăng. Câu chuyện của chúng ta là xe điện cạnh tranh với xe xăng”, ông nhấn mạnh.
Đối với tập đoàn Vingroup, đây có lẽ là tập đoàn hiếm hoi trong nước có các chỉ số tài chính đẹp để nhà đầu tư an tâm trong việc đầu tư trái phiếu. Còn đối với nhiều doanh nghiệp khác, việc không minh bạch chỉ số tài chính, các báo cáo khác là điều khiến cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều điều cần lưu tâm.
Trong khi Vingroup xem đó là một kênh huy động vốn nhanh, hiệu quả để dồn lực cho các mục tiêu rõ ràng thì phần lớn các DN trong nước hiện nay lại đang khá rối trong việc huy động vốn để tập trung cho đúng mục tiêu của mình đề ra. Thậm chí, nhiều DN có tình hình tài chính bết bát vẫn cố để phát hành trái phiếu và huy động vốn với những thông tin hết sức mơ hồ.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, về cơ cấu mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp chủ yếu thuộc về công ty chứng khoán, ngân hàng và số ít nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.
“Tại Mỹ, hệ thống ngân hàng chia làm hai phân khúc gồm ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Trong đó, chỉ có ngân hàng đầu tư mới được phép hỗ trợ phát hành trái phiếu. Trái lại, tại Việt Nam, các ngân hàng rất đa chức năng, đồng thời vừa là ngân hàng thương mại vừa là ngân hàng đầu tư”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Theo ông Hiếu, chỉ số ít trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, tức nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà phát hành, trong trường hợp rủi ro, nhà phát hành không trả được nợ, thì ngân hàng sẽ trả thay. Như vậy, phần lớn số trái phiếu còn lại chỉ được bảo lãnh phát hành. Nghĩa là, nếu phát hành không hết, ngân hàng sẽ cam kết mua toàn bộ số trái phiếu còn lại.
“Các ngân hàng chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Điều này đồng nghĩa, rủi ro với nhà đầu tư rất lớn nếu doanh nghiệp phát hành vỡ nợ. Nhìn chung, thị trường TPDN đang tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh Covid-19 khiến doanh nghiệp không thể hoạt động nhưng vẫn đi vay vốn. Và các rủi ro đều đổ dồn vào trái chủ", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có công văn gửi các công ty chứng khoán nhắc nhở về việc tuân thủ Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã xuất hiện một số hiện tượng chào bán, phân phối, chuyển quyền sở hữu chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Do vậy, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, đồng thời ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn của thị trường này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định tại Nghị 153 ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trong việc thực hiện dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu; dịch vụ xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu; dịch vụ đăng ký, lưu ký và chuyển nhượng trái phiếu.
Đồng thời, các công ty chứng khoán phải tuân thủ nghiêm quy định về chế độ báo cáo tại Thông tư 122/2020/TT-BTC và các chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định 153.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra về việc cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.