Mới đây, Chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu gồm Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) vừa đồng loạt ký tên kiến nghị gửi Chính phủ đề xuất chiến lược "Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực" nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.
"Điều quan trọng là Việt Nam phải hành động ngay bây giờ để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế", kiến nghị được mở đầu bằng nhận xét hết sức thẳng thắn khi tình hình giãn cách càng trở nên mở rộng, kéo dài.
Cần lộ trình mở cửa ngay từ bây giờ
Các hiệp hội cam kết hỗ trợ các mục tiêu kép Covid-19 của Chính phủ là bảo vệ cuộc sống và sinh kế, bảo đảm sức khỏe và sự an toàn của người dân, thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế. Đồng thời, ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Chính phủ là thích ứng để "sống chung với virus một cách an toàn".
Đại diện các doanh nghiệp nước ngoài cũng mong muốn chung tay cùng với Chính phủ và chính quyền các tỉnh, thành khắp cả nước, đặc biệt là TP.HCM, vùng kinh tế phía Nam và Đà Nẵng tái mở cửa nền kinh tế một cách an toàn, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi và thiết lập trạng thái "bình thường mới".
Theo các hiệp hội, doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ. "Khảo sát gần đây của các hiệp hội cho thấy ít nhất 20% thành viên sản xuất của chúng tôi đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác", nhiều thành viên của các hiệp hội cho hay nhà đặt hàng thay đổi phương thức sản xuất sẽ rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác.
Nêu quan điểm "Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại", các hiệp hội nhận định đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi khi các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn, do những bất ổn hiện tại. Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài.
Chính vì vậy, không chỉ khẩn thiết đề nghị sản xuất cần phải tái mở cửa thiết lập trạng thái "bình thường mới" ngay bây giờ, các hiệp hội đề xuất những doanh nghiệp có hồ sơ theo dõi đã được chứng minh và kế hoạch rõ ràng cần được "kích hoạt" để đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn đối với hoạt động và an toàn của người lao động, mở cửa trở lại khi họ có thể, với sự giám sát sau khi thực hiện.
Giới đầu tư nước ngoài cũng cảnh báo Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy. Và để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, "Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ".
Phủ vaccine để mở cửa
Nhóm hiệp hội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine, yếu tố then chốt, là chìa khóa để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế. "Chúng tôi rất biết ơn vì Chính phủ đã ưu tiên TP.HCM và Khu vực kinh tế phía Nam là khu vực ưu tiên về vaccine và ngày càng có nhiều thành viên của chúng tôi được tiêm cả liều thứ nhất và thứ hai, bao gồm cả giáo viên của con em chúng tôi"- văn bản viết.
Hệ thống “thẻ xanh và thẻ vàng” được đề xuất có thể là một phần hữu ích của chiến lược tái mở cửa, nhưng đặt ra rất nhiều câu hỏi. Chủ yếu trong số đó là các câu hỏi về ứng dụng hoặc hệ thống theo dõi là gì và nó sẽ được điều phối như thế nào giữa các ban hoặc bộ ngành và các tỉnh để cho phép việc nhận dạng, tiếp cận và đi lại một cách nhất quán. Cũng cần có một cơ chế để nhập liệu các lần tiêm chủng và cấp “thẻ xanh” cho người nước ngoài, nhiều người trong số họ đã được tiêm chủng đầy đủ ở nước ngoài.
"Chúng tôi hy vọng rằng các thủ tục hải quan có thể được đẩy nhanh vừa để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu vào sản xuất và xuất khẩu, vừa để đảm bảo các sản phẩm dược phẩm và thiết bị y tế cứu sinh được đến kịp thời"- văn bản viết.
Song song đó, hệ thống quản lý hành chính cần chấp nhận nhiều hơn các tài liệu kỹ thuật số của doanh nghiệp, vừa tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong thời gian COVID, vừa cho phép đổi mới và tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số.
Tái khẳng định an ninh lương thực là tối quan trọng, các hiệp hội khẳng định những biện pháp giãn cách gần đây đã làm gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng còn lại, gây khó khăn cho ngay cả những người có phương tiện tìm kiếm lương thực.
Do đó Chính phủ cần xem xét các nhà hàng cũng là một đối tác quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực cũng như việc làm. Việc "tái mở cửa ngay lập tức" đối với hệ thống cửa hàng, chợ ẩm thực, chuỗi cung ứng thực phẩm phải được ưu tiên tiếp cận vaccine nhằm phục vụ cho những người có nhu cầu vì "không ai nên bị đói".
Vốn FDI 7 tháng đầu năm giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 19,12 tỷ USD, bằng gần 98% so với cùng kỳ năm 2020.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, vốn thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trong tháng 8/2021 giảm 12,2% so với tháng 8/2020 và giảm 14,3% so với tháng 7/2021.
Theo ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn FDI 7 tháng đầu năm giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó giảm chủ yếu ở mảng vốn về các dự án điều chỉnh (giảm 3,7%), giảm ở mảng góp vốn mua cổ phẩn (giảm 55,8%)… Tuy nhiên vốn thực hiện thì vẫn tăng (tăng gần 4%), cùng với đó là quy mô trung bình của dự án tăng lên - trung bình 10 triệu USD/dự án (so với 5,8 triệu USD/dự án trong năm ngoái).
“Đánh giá chung xu hướng giảm sẽ tiếp tục giảm do tác động từ dịch bệnh. Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc di chuyển của các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, phân tích về doanh nghiệp trước khi đưa ra các quyết định mua bán, sáp nhập, làm cho dòng vốn M&A giảm”, ông Trần Toàn Thắng nhận định về việc số lượng dự án FDI cấp mới và điều chỉnh góp vốn mua cổ phần ở Việt Nam đang có xu hướng giảm.
Cũng theo ông Thắng, nếu Covid-19 kéo dài hơn thì đương nhiên ảnh hưởng là dài hạn. Sức mua trong nước giảm, chuỗi cung ứng trong nước thay đổi, vấn đề mất lao động, tuyển dụng lại lao động… đều làm tăng chi phí đầu tư, từ đó làm giảm triển vọng của nhà đầu tư.