Nhập nhèm" lê Hàn và lê Trung Quốc trên thị trường
Gần đây, trên thị trường xuất hiện khá nhiều loại hoa quả có xuất xứ từ Hàn Quốc như: quýt, hồng giòn, nho, cam, dưa vàng,... Đặc biệt là loại lê nâu Hàn Quốc đang được bày bán tràn lan tại các cửa hàng hoa quả từ bình dân đến cao cấp, tại các siêu thị và trên “chợ mạng”. Tuy nhiên, hiện trên thị trường lại có tới 2 loại lê nâu Hàn Quốc. Loại thứ nhất được trồng ở Hàn Quốc, loại thứ 2 là lê nâu Hàn Quốc được trồng ở Trung Quốc.
Thực tế, giống lê Hàn Quốc được trồng khá nhiều ở Trung Quốc, đến lúc thu hoạch, các nhà sản xuất Trung Quốc đóng thùng lê theo kiểu dáng rất giống với kiểu dáng thùng lê Hàn Quốc và ở dưới ghi dòng chữ “Made in China” rất nhỏ. Đặc biệt, khi đưa ra thị trường, họ chỉ ghi lê Hàn Quốc chứ không ghi lê Hàn Quốc được trồng tại Trung Quốc khiến rất nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn.
|
Báo điện tử Wonyesanup của xứ Kim chi cũng nhắc tới việc Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu đầy hứa hẹn của loại trái cây này với lượng nhập trung bình khoảng 7000 tấn/năm. Dù vậy, trong bối cảnh lê Trung Quốc dán mác Hàn Quốc đang tràn lan tại đây, nguy cơ sụt giảm xuất khẩu của lê Hàn là có thật. Dẫn lời ông Choi Hyungsoo, Giám đốc Evergood, công ty cung cấp phần lớn lượng lê Hàn tại Việt Nam: Những trái lê Trung Quốc sang Việt Nam bằng xe tải nên thuận tiện và có số lượng nhiều hơn hẳn sản lượng lê nhập qua đường hàng không tại Hàn Quốc. Để rồi, khi vào Việt Nam, chúng được sử dụng toàn bộ mẫu mã của Evergood kể từ giấy gói, tem mác, thùng carton cho tới hình lá cờ Hàn Quốc in bên ngoài.
Đặc biệt, nếu như lê Hàn Quốc vốn rất giàu vitamin A, C, D, E và pectin (chất giúp làm tăng độ xốp và men vi sinh giúp hệ tiêu hóa ổn định) thì lê Trung Quốc không chỉ là câu chuyện về sự thua kém trong giá trị dinh dưỡng. Xa hơn thế, từ nhiều năm qua, những loại hoa quả Trung Quốc có sự nhập nhèm, thiếu minh bạch về xuất xứ cũng luôn là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng về việc lạm dụng hóa chất bảo quản hoặc còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng.
Đáng nói, theo các quy định hiện có, trái cây nhập khẩu vào Việt Nam phải có thông tin về cơ sở xuất khẩu, xuất xứ giấy chứng nhận kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trái cây kinh doanh trong cửa hàng phải đảm bảo rõ ràng và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, khi một lượng lớn lê "nhái" Hàn Quốc được bán tại các sạp hàng trong chợ truyền thống hoặc qua các cửa hàng bán hoa quả online, việc tuân thủ các yêu cầu này trở nên rất mơ hồ.
Cách nhận biết lê Trung Quốc đội lốt lê Hàn Quốc
Do cùng một giống nên mẫu mã của lê nâu Hàn Quốc và lê nâu Trung Quốc giống hệt nhau. Tuy nhiên, lê nâu trồng ở Hàn Quốc có giá đắt hơn nhiều lần loại trồng ở Trung Quốc cho nên dân buôn bán nhỏ lẻ thường đánh tráo hai loại này với nhau.
Để nhận biết lê Hàn Quốc với lê Trung Quốc, người mua có thể dựa vào 1 số đặc điểm sau:
- Hình dáng, màu sắc: Loại lê nâu Hàn Quốc quả có hình tròn, vỏ màu vàng nhạt, nhẵn bóng. Trọng lượng mỗi quả đạt từ 6-8 lạng.
- Hương vị: Nếu so về hình dáng thì hai loại lê này gần như giống nhau. Nhưng, nếu ăn thử mọi người vẫn có thể phân biệt được bởi do trồng ở hai nước có khí hậu khác nhau nên khi ăn người tiêu dùng sẽ thấy lê Hàn Quốc khi ăn có vị ngọt, giòn, thơm. Nếu đem ngâm với mật ong rồi cho vào hấp cách thủy là vị thuốc chữa ho cực tốt cho trẻ nhỏ, còn lê Hàn Quốc trồng tại Trung Quốc ăn xốp, vị ngọt ít hơn.
Thời gian bảo quản: Lê Trung Quốc do chứa nhiều hóa chất bảo quản nên có thời gian bảo quản lâu hơn, thường là 2 tháng, thậm chí có thể để được 5 tháng.