Thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt hình thức livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến vì sự tiện lợi cho khách hàng và thu nhập “khủng” cho người bán. Hình thức livestream bán hàng tại Việt Nam bùng nổ vào khoảng đầu năm 2019 và càng được ưa chuộng trong giai đoạn dịch Covid-19, khi người tiêu dùng ưu tiên mua sắm trực tuyến.
Sức hấp dẫn của livestream như một dạng truyền hình trực tiếp mang tính tương tác cao giữa người bán với người xem. Người mua có thể chủ động thắc mắc về sản phẩm và được trả lời. Chỉ cần để lại số điện thoại, ngay lập tức sẽ có người liên hệ chốt đơn hàng. Thao tác mua bán diễn ra rất nhanh cùng mức giá “ưu đãi” chỉ có trong giờ livestream.
|
Giữa đại dịch covid-19, bùng nổ livestream bán hàng giả hàng nhái |
Từ những mặt hàng bình dân như quần áo, hoa quả, đồ dùng trong gia đình, đồ ăn… đến những sản phẩm xa xỉ như đồng hồ, đồ nội thất… cũng đang được bán rầm rộ qua phương thức phát trực tiếp.
Không thể phủ nhận hiệu quả tích cực mà hình thức bán hàng trực tiếp mang lại. Tuy nhiên, song hành với tiềm năng là nhiều thách thức dành cho cả người mua và người bán.
Chỉ cần dạo một vòng trên mạng xã hội như Facebook, Tik Tok… có thể bắt gặp hàng loạt thương hiệu nổi tiếng, xa xỉ đang được rao bán với mức giá “bèo”.
Hầu hết các sản phẩm đủ loại “thượng vàng hạ cám” bán qua livestream đều được quảng quảng cáo là “siêu rẻ”, “chất lượng tốt nhất”, “chỉ dành cho những người nhanh tay nhất”, song đó chỉ là những chiêu dụ, phỉnh khách hàng. Đến khi nhận hàng nhiều người không khỏi thất vọng khi quảng cáo một đằng, hàng giao một nẻo. Trong “rừng” kênh kinh doanh, mua bán dạng này, hàng thật, hàng giả lẫn lộn, khiến người tiêu dùng như rơi vào ma trận và chịu không ít tổn thất khi mua hàng, công tác quản lý, kiểm soát cũng vô cùng khó khăn.
Cùng với đó là sự phát triển của dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế, dịch vụ giao nhận hàng tại nhà với đội ngũ shipper (người giao hàng) đông đảo, các đối tượng đã lợi dụng để đưa hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả vào các kho chứa bưu kiện, bưu phẩm. Đây là ranh giới không rõ ràng cho việc xác định trách nhiệm của chủ thể đối với hàng hóa vi phạm, đối tượng thường lợi dụng để tiêu thụ, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng gây khó khăn cho kiểm soát, kiểm tra, xử lý.
Vì vậy người dùng cũng cần tự bảo vệ chính mình khi mua bán thông qua mạng xã hội. “Khách hàng nên chọn những cửa hàng được đánh giá tốt, có sản phẩm chứng minh được nguồn gốc rõ ràng. Không nên theo tâm lý đám đông để tiếp tay cho những hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, một chuyên gia chia sẻ.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo