Trắng đêm 'ăn cắp' tài nguyên
Những năm gần đây, trên dòng sông Chảy và một số địa điểm ở hồ Thác Bà (Yên Bái) đang bị nhiều đối tượng, cá nhân trên địa bàn tỉnh Yên Bái khai thác trái phép nguồn tài nguyên một cách vô tội vạ. Việc này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến dòng chảy, đê bao, đến cuộc sống của người dân vùng hai bên bờ, cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự và an toàn giao thông đường thủy.
|
Điểm tập kết cát "khủng" tại thị trấn Yên Bình (Bãi cai nghiện) thuộc Công ty Cổ phần Khoáng sản Đức Thịnh quản lý. |
Việc khai thác khoáng sản không được cấp phép khiến cho một lượng lớn tiền thuế không được nộp vào ngân sách, làm cho tình hình phát triển kinh tế địa phương không mang tính bền vững. Hoạt động khai thác khoáng sản (cát- PV) chưa tuân thủ các quy định pháp luật diễn ra một thời gian nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý một cách nghiêm minh.
Phản ánh tới Toà soạn Kinh tế Môi trường, một số người dân tại các xã Trung Tâm và xã Phan Thanh (huyện Lục Yên), người dân tại tổ 13, 14 thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đề cập về hoạt động khai thác cát trái phép, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống sinh hoạt thường nhật của nhân dân. Ngoài ra xe chở cát từ các bãi tập kết di chuyển tốc độ cao, có dấu hiệu quá khổ, không che chắn phủ bạt rơi vãi cát ra đường gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
|
Những chiếc sà lan chở đầy cát xếp thành hàng từ những điểm khai thác gần đó và trên sông Chảy đưa về điểm tập kết của Công ty Đức Thịnh. |
|
Tại cảng Hương Lý, những chiếc sà lan chở đầy cát cũng rầm rộ về điểm tập kết của Công TNHH Vĩnh Thành Yên Bái. |
Ngay sau khi nhận được phản ánh, PV đã có thời gian dài ghi nhận thực tế những địa điểm nêu trên. Qua ghi nhận thực tế cho thấy, toàn bộ phản ánh của người dân là có cơ sở.
23h30, PV có mặt tại Km 38 trên sông Chảy thuộc địa phận huyện Lục Yên để ghi nhận tình trạng khai thác cát. Tại đây, có nhiều tàu cuốc, sà lan đang có hoạt động khai thác cát. Tiếng máy móc và ánh điện khuấy động một khoảng sông. Nhiều ngày sau đó, PV tiếp tục ghi nhận hiện trạng có hoạt động khai thác cát dưới lòng sông vào các đêm muộn.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định "Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm".
|
Những chiếc xe có trọng tải "khủng" cũng xếp thành hàng đợi và bãi lấy cát đưa về Đoan Hùng (Phú Thọ). |
|
Tại km số 75 (Lục Yên) vừa là điểm tập kết vừa là điểm khai thác của Công ty Cổ phần khoáng sản Đức Thịnh. |
Theo tìm hiểu của PV, khu vực hồ Thác Bà nằm trên địa bàn thị trấn Yên bình có 2 bãi tập kết cát “khủng”, như bãi cát cảng Hương Lý của Công ty TNHH Vĩnh Thành Yên Bái (có địa chỉ tổ 13 thị trấn Yên Bình do ông Lương Quang Điện là người đại diện pháp luật).
Cách cảng Hương Lý một đoạn, bãi tập kết tại Km 12 (Bãi cai nghiện thuộc Công ty Cổ phần Khoáng sản Đức Thịnh, có địa chỉ số nhà 1160, đường Yên Ninh, tổ 2, phường Minh Tân, TP. Yên Bái) do ông Nguyễn Xuân Hùng là người đại điện pháp luật, quản lý và điều hành. Thêm nữa bãi tập kết tại Km 15, xã Thịnh Hưng nay cũng dưới sự quản lý của Công ty Đức Thịnh quản lý và vận hành. Toàn bộ cát ở địa điểm tập kết nêu trên đều được vận chuyển bằng xà lan ở một địa điểm khai thác gần đó và trên sông Chảy đưa về.
Ghi nhận vào đầu tháng 9/2020, tại bãi tập kết cảng Hương Lý của Công ty TNHH Vĩnh Thành Yên Bái hàng ngày sà lan lớn, nhỏ chở khoảng hơn 100 m3 - 180 m3 cát, ra vào cảng như một đoàn nối đuôi nhau, số lượng cát trong bãi chất lên từng đống, bãi rộng hàng nghìn m2, xe đầu kéo, xe tải có trọng lượng khủng xếp hàng dài đợi vào lấy cát và di chuyển về Phú Thọ phân phối…
Theo quan sát của PV trong khoảng 10 phút, có gần 20 xe tải có kích cỡ khác nhau ra vào bãi để chờ lấy cát. Đặc biệt những xe kéo 12 chân trọng tải lớn cũng được sử dụng để vận chuyển cát. Tinh vi hơn, để tăng khối lượng vận chuyển mỗi chuyến các xe đầu kéo "hoán cải" thùng Container bằng việc cắt phần nóc. Việc này có dấu hiệu vi phạm về phương tiện chuyên chở, tải trọng. Các xe này đều nhắm hướng về Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
|
Điểm hút cát vào ban đêm tại xã Trung Tâm và xã Phan Thanh (Lục Yên). |
Bãi tập kết cát của Công ty Đức Thịnh nằm ngay tại địa điểm bãi cai nghiện cũ, thuộc địa phận thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái), rộng khoảng 1ha, số lượng cát được tập kết có thể lên đến hàng triệu khối. Địa điểm này, cũng là nơi bán cát nhanh nhất, những xe đầu kéo và container chở khoảng 35 – 55 khối hàng ngày ra vào liên tục.
Ông Thuỷ (đề nghị thay đổi tên - PV) cho biết, Công Ty Đức Thịnh có khoảng 22 – 24 tàu tải trọng từ 100 đến 180 m3, ngày nào cũng có trên 20 sà lan chở cát về đây tập kết. Đa số cát đều dược hút ở các địa điểm trong hồ Thác Bà, và km số 38 sông Chảy. Mùa này nước đang dâng cao nên các địa điểm khai thác ở hồ ít, còn mùa nước xuống đa số họ hút ở hồ. Bây giờ nước dâng cao vì thế nên những con tàu của công ty đã di chuyển lên sông Chảy cách bãi khoảng vài chục km. Toàn bộ đều khai thác trái phép không được cơ quan chức năng cấp phép, duy nhất ở khu vực này chỉ có một địa điểm được cấp phép.
Khi được hỏi về việc hoạt động khai thác trái phép nhưng không có lực lượng chức năng kiểm tra, ông Thuỷ thở dài: “Từ trước đến nay, tôi chưa thấy cơ quan chức năng xuống kiểm tra bao giờ. Các tàu lớn chạy trên hồ liên tục tạo nên cuồng sóng khổng lồ cực kì nguy hiểm. Nghe nói công ty Đức Thịnh có mối quan hệ rộng nên...".
Cơ quan chức năng có biết?
Theo tìm hiểu và ghi nhận của PV, tại km số 75 thuộc địa phận xã An Lạc, huyện Lục Yên bãi tập kết, đồng thời cũng là địa điểm khai thác cát của Công ty Đức Thịnh. Tại đây, hàng chục tàu hút cát ngày đêm hút gây sụt lún cả 2 bên bờ sông ranh giới giữa huyện Bảo Yên, Lào Cai và huyện Lục Yên, Yên Bái.
Tại nơi tập kết này, PV ghi nhận thấy tình trạng tương tự giống như bãi tập kết ở thị trấn Yên Bình. Hàng loạt xe đầu kéo ben chở 35m3, container đã cắt phần nóc chở 55 m3 xếp hàng dài từ cổng bãi chờ đến lượt lấy cát, có lúc tắc đoạn đường dài.
Theo tìm hiểu, số cát của Công ty Cổ phần khoáng sản Đức Thịnh đa số khai chưa tuân thủ các quy định pháp luật. Khoáng sản khai thác chủ yếu là cát thuộc loại hiếm (cát vàng) giá thành rất cao.
Trao đổi nhanh với PV Kinh tế Môi trường qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Yên (Yên Bái) cho biết: “Theo như phản ánh của báo chí, thì tại km số 75 được cấp phép khai thác, còn lại tại km số 38 đoạn xã Trung Tâm và xã Phan Thanh không phép. Trước đó, huyện cũng đã cho đoàn đi kiểm tra những điểm khai thác trái phép trên, tuy nhiên khi kiểm tra thì những tàu này không hoạt động”.
Khi PV hỏi về việc tại điểm hút cát trên Km 75, Km 38 và một số điểm khác thuộc sự quản lý của huyện, có được hoạt động khai thác vào ban đêm không, thì ông Sơn lại ậm ừ nói rằng “không biết?”. Đề cập về giấy phép khai thác, kế hoạch bảo vệ môi trường và một số giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động khai thác của doanh nghiệp trên km số 75, ông Sơn lấy lý do đang bận họp và sẽ trao đổi lại sau?!
PV Kinh tế Môi trường đã liên hệ với các cơ quan hữu quan để làm rõ hoạt động khai thác vận chuyển khoáng sản có dấu hiệu trái phép trên sông Chảy và sẽ chuyển tải thông tin tới bạn đọc.
Nhóm PV/Kinh tế Môi trường
Trao đổi với báo chí xoay quanh vấn nạn khai thác cát trái phép, GS.TS Phạm Ngọc Đăng (Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN) cho rằng: Lâu nay, sau mỗi việc xảy ra thì cơ quan quản lý lại nói là buông lỏng, thiếu trách nhiệm, thiếu kiên quyết. Thực tế chẳng phải thuần túy là thiếu kiên quyết, trong đó việc bị lợi ích chi phối rồi xử lý nương nhẹ. "Cái gì thì khó che, chứ “cát tặc” thì lộ ngay ra đó. Vì thế người dân ai cũng hiểu có việc bao che, dung túng nhưng họ không có chứng cứ để vạch mặt, chỉ tên. Tôi nghĩ xử lý việc này cũng không phải khó nếu các cơ quan, lực lượng làm công minh, làm hết trách nhiệm", GS.TS Phạm Ngọc Đăng nói. Ông Đăng cho rằng cần xử lý người đứng đầu. Việc "trói chặt" trách nhiệm người đứng đầu thì họ tự khắc “trói chặt” trách nhiệm cấp dưới. Khi đó không ai còn ai dám bao che, dung túng nữa. |