Thâu tóm nhà máy, dự án bất động sản
Dự án Khu đô thị Đại Phước Lotus nằm trên đảo Đại Phước - "hòn ngọc phía Đông" giáp ranh Sài Gòn – Đồng Nai do VinaCapital làm chủ đầu tư, vừa được bán phần lớn cổ phần cho China Fortune Land Development (CFLD), Tập đoàn xây dựng và kinh doanh bất động sản của Trung Quốc.
Đại Phước Lotus nằm ờ vị trí đắc địa, thuận lợi giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy, liền kề sông Đồng Nai, tiếp giáp quận 2 và quận 9 TP.HCM, cách trung tâm TP.HCM khoảng 16km, cách sân bay quốc tế Long Thành khoảng 16hm và gần các tuyến giao thông quan trọng gồm Cao tốc Long Thành – Dầu Giây, Quốc lộ 51A, Cao tốc Bến Lức – Long Thành.
|
Đại Phước Lotus giáp ranh Sài Gòn – Đồng Nai được mệnh danh là "hòn ngọc phía Đông" |
China Fortune Land Development là một tập đoàn được thành lập từ năm 1998 tại Trung Quốc. CFLD đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế “Bắc Kinh – Thiên Tân - Hà Bắc”, sông Dương Tử với chiến lược “một vành đai, một con đường” và vùng châu thổ sông Châu Giang. CFLD đã hiện diện trên hơn 50 vùng miền trên thế giới trong đó có Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Hoa Kỳ...
Như vậy, dự án Đại Phước Lotus đã chính thức về tay ông chủ người Trung Quốc sau 10 năm VinaCapital quản lý.
Đáng chú ý, theo thông tin từ StoxPlus, VinaCapital - công ty quản lý quỹ lớn nhất Việt Nam từng được Tập đoàn SW Kingsway Capital của tỷ phú người Hồng Kông Jonathan Choi (chủ sở hữu tòa nhà Sunwah, quận 1, TP.HCM) mua lại 10% vốn cổ phần với mức giá khoảng 19 triệu USD.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Nam Long (mã CK: NLG) Nguyễn Xuân Quang tại ĐHCĐ thường niên năm 2017 cũng đã tiết lộ thông tin có nhà đầu tư Trung Quốc ngỏ ý muốn mua đứt dự án "khủng" của doanh nghiệp này - dự án Waterpoint (Long An) quy mô 350 ha. Dự án Waterpoint nằm đối diện với Khu phố thương gia Nam Long, tỉnh Long An, ngay cạnh lối mở đầu tiên của tuyến đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương. Đây là dự án lớn nhất của Nam Long tính đến nay.
|
Hiện nay, dù có nhà đầu tư trong nước và Trung Quốc ngấp nghé muốn mua dự án của Nam Long nhưng Chủ tịch HĐQT công ty cho hay công ty không vội vàng mà sẽ cân nhắc các đề nghị.
Trường hợp nếu Nam Long đồng ý bán siêu dự án này cho nhà đầu tư Trung Quốc thì bất động sản Việt Nam sẽ lại có thêm một ông chủ mới người Trung Quốc.
Thâu tóm thương hiệu tiêu dùng
Tháng 12/2013, Vinacafe Biên Hòa (mã chứng khoán: VCF) đã bán 62 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 23,3% vốn điêu lệ công ty cho quỹ Gaoling Fund LP - một quỹ của nhà đầu tư kín tiếng Trung Quốc. Ngày 25/12/2013, Gaoling trở thành cổ đông lớn của Vinacafe Biên Hòa và duy trì nắm giữ từ đó tới nay.
Sau khi Tổng công ty Cà phê Việt Nam "sang tay" toàn bộ vốn góp cho Masan Beverage cuối năm 2015, Vinacafe chỉ còn hai cổ đông lớn là Masan Beverage (60,16% vốn) và Gaoling Fund LP (23,3%).
Gaoling Fund có trụ sở tại "thiên đường thuế" Cayman Islands, đây cũng là nơi mà các công ty quản lý quỹ như VinaCapital, Mekong Capital đặt trụ sở.
|
Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng từ phía lãnh đạo Vinacafe về quyết định bán cho quỹ Gaoling Fund một tỷ lệ lớn như vậy hay Vinacafe có lo ngại về sự hiện diện của quỹ này sẽ ảnh hưởng hoặc tiến gần đến kiểm soát Vinacafe. Chỉ biết lãnh đạo công ty vẫn khẳng định rằng Vinacafe "mãi mãi là của người Việt".
Và còn nhiều thương vụ M&A có giá trị lớn do công ty Trung Quốc tiến hành, dưới dạng mua cổ phần chi phối có thể kể đến như Tập đoàn China Investment nhận chuyển nhượng 19% cổ phần (96,9 triệu USD) từ một tập đoàn Việt Nam để đồng sở hữu Liên doanh Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 tại Quảng Ninh. Công ty TNHH Firstland (Trung Quốc) trở thành cổ đông lớn của Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI) với tỷ lệ sở hữu 5,63% một lần nữa khiến giới đầu tư càng khẳng định về xu hướng “thâu tóm” của các doanh nghiệp Trung Quốc. Lượng cổ phiếu Firstland đã mua bằng lượng cổ phiếu VietnamAirlines đăng ký thoái vốn.
Chiến lược "xuất khẩu nợ"?
Một trong những nguyên nhân chính được các chuyên gia kinh tế giải thích cho việc Trung Quốc rải người thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam là do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn biến ngày càng căng thẳng và khó lường. Vì lẽ đó, một số nhà đầu tư nước ngoài đã và đang chuyển dịch cơ sở sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư (một phần hoặc cả dự án) sang các nước khác.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang lâm vào cảnh nợ nần nên đây có thể là chiến lược "xuất khẩu nợ" của nước này.
Theo một báo cáo của J.P. Morgan tháng 9/2017, tổng nợ của Trung Quốc tương đương 289% GDP, tức là khoảng 30.000 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 30 điểm phần trăm so với năm 2015 (260% GDP).
Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs cho rằng, sẽ mất khoảng nửa thập kỷ để ổn định tỷ lệ này. Hãng S&P Global Ratings hôm 29/9 cảnh báo, tổng nợ Trung Quốc có thể tăng đến 46.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021.
TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phân tích: "Để giải quyết gánh nặng dư thừa sản lượng và tỷ lệ nợ gia tăng của các doanh nghiệp trong nước, Trung Quốc đã đẩy mạnh các sáng kiến kinh tế đối ngoại, thúc giục các nước phối hợp với Trung Quốc để xây dựng các mô hình hợp tác kinh tế chưa từng có tiền lệ.
Giới phân tích nhận định rằng, bên cạnh các hoạt động chính trị, gia tăng ảnh hưởng ở khu vực biển Đông, trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc đang đẩy mạnh thâu tóm doanh nghiệp trên quy mô toàn thế giới với mục tiêu sâu xa là gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Ở góc độ khác, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc gần đây bị chững lại, dư địa đầu tư trong nước đang ngày một thu hẹp là những lý do khiến các nhà đầu tư Trung Quốc bắt buộc phải tìm những cơ hội từ bên ngoài. Đây là những cơ sở để các chuyên gia nhận định rằng các thương vụ thâu tóm của nhà đầu tư Trung Quốc sẽ còn được đẩy nhanh trong thời gian tới.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ