Trên toàn cầu, người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu trong xu hướng tiết kiệm. Vào quý II/2020, với mức độ tăng nhẹ (69-72%), Việt Nam là quốc gia vượt lên vị trí đứng đầu với việc có nhiều người tiêu dùng tiết kiệm nhất thế giới, theo sau là Hồng Kông (68%) và Singapore (65%).
Theo Báo cáo khảo sát Niềm tin Người tiêu dùng được thực hiện bởi The Conference Board® và Nielsen vừa được công bố chiều 5/8 cho thấy, vào quý II/2020, người Việt Nam thừa nhận rằng họ đã chi tiêu ít hơn so với quý trước. Xếp sau tiết kiệm, tiền nhàn rỗi của họ được chi cho quần áo mới (39%, giảm 3% so với quý I/2020). Tiếp nối xu hướng của quý trước, mặc dù có một sự giảm nhẹ, Việt Nam vẫn nằm trong Top 2 các quốc gia với tỉ lệ người tiêu dùng nói rằng họ chi tiêu nhiều cho các gói bảo hiểm cao cấp (38%, giảm 2% so với quý I/2019), chỉ sau Ấn Độ (39%). Thêm vào đó, không ngạc nhiên khi người tiêu dùng Việt Nam chỉ ra rằng họ chi tiêu vào du lịch (giảm 6%) và giải trí bên ngoài (giảm 6%) so với quý trước.
|
Người tiêu dùng Việt Nam đứng đầu xu hướng tiết kiệm trên toàn thế giới (Ảnh minh họa). |
Bà Louise Hawley - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam - chia sẻ, việc giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch Covid-19 đã tạo nên hiệu ứng domino, với những doanh nghiệp như khách sạn, bar và nhà hàng phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn và đồng thời, sức chi tiêu của người tiêu dùng cũng suy giảm vì có ít cơ hội chi tiêu hơn trước đây. Bên cạnh đó, hậu quả của việc cắt giảm nhân sự và bất ổn định trong công việc đã làm gia tăng sự lo lắng về thu nhập cũng như tài chính của các hộ gia đình. “Ngay cả khi chúng ta đều nhận thấy một sự hồi phục trong những tháng gần đây, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn đang ở mức thấp và những tác động xa hơn về việc suy giảm chi tiêu sẽ ngày càng rõ ràng trong những tuần sắp tới. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng giảm tần suất ghé thăm các cửa hàng, nhà hàng và nhiều địa điểm ngoại tuyến khác, kết hợp cùng mối quan ngại về tài chính là nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế chi tiêu cho những việc như giải trí, quần áo mới và ăn uống bên ngoài”, bà Louise Hawley giải thích.
Đi ngược lại với xu hướng trên, sản phẩm công nghệ mới chiếm lĩnh vị trí thứ ba trong những điều người tiêu dùng chọn để chi tiêu tiền nhàn rỗi của họ (37%, tăng 1% so với quý I/2020). Đây cũng là nhân tố duy nhất có xu hướng tăng trong danh sách chi tiêu người Việt Nam vào quý II/2020. “Có nhiều thời gian ở nhà hơn và với việc công nghệ đóng một vai trò thiết yếu trong mọi thứ như giáo dục, làm việc và giải trí đã tạo nên nhu cầu cao về các sản phẩm công nghệ mới”, bà Louise Hawley bổ sung thêm.
Vào quý II/2020, người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục xếp hạng sự ổn định của công việc (45%, tăng 5% so với quý I/2020) và sức khỏe (44%, giảm 5% so với quý I/2020) là hai mối quan tâm lớn nhất của họ. Sau 1 năm sức khỏe là mối quan tâm số 1 của người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, vào quý II này, sự ổn định của công việc đã vượt qua sức khỏe để giành lấy vị trí này. Đáng chú ý, đã có một sự tăng vọt về mức độ lo lắng của người tiêu dùng về nền kinh tế (31%, tăng 10% so với quý I/2020), và đây cũng là mức cao kỷ lục kể từ quý II/2014.
“Những xu hướng này phần lớn đều có thể dễ dàng dự đoán trước vì Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên kiểm soát được làn sóng đầu tiên của đại dịch và bước vào giai đoạn phục hồi. Vì vậy, sức khỏe không còn là mối quan tâm số 1 của người Việt Nam vào quý II/2020. Tuy nhiên, đại dịch đã để lại một ảnh hưởng dài hạn đến nền kinh tế và sự không chắc chắn của người tiêu dùng, dẫn đến cảm giác bất an về công việc và do dự trong việc chi tiêu”, bà Louise Hawley nhận định.
Theo Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương Điện Tử