Vietnam Airlines đối mặt với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền, mong muốn Chính phủ hỗ trợ

Mai Hương(T/H) 09:01 13/06/2020

Với Vietnam Airlines, nếu không có hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thì đến tháng 8-2020 cũng sẽ rơi vào tình cảnh cạn kiệt dòng tiền”, ông Trịnh Thanh Hiền nói.

Vietnam Airlines đối mặt với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền

Tình hình dịch bệnh Covid 19 đã tác động rất lớn đến ngành hàng không của toàn thế giới. Theo thống kê của Hiệp hội vận tải hàng không Quốc tế (IATA) cho thấy sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã “đốt” 41% (tương đương 157 tỷ USD) giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không niêm yết trên thế giới.

Các tổ chức quốc tế cho rằng cần 250 tỷ USD hỗ trợ cho các hãng hàng không. Hiện, ngày 15/5, các hãng hàng không trên thế giới mới hỗ trợ 120 tỷ USD. Đặc biệt, Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) nhận định, đến cuối tháng 5/2020, hầu hết các hãng hàng không sẽ phá sản nếu không nhận được các nguồn lực hỗ trợ từ các quốc gia.

So với nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã phải tuyên bố phá sản, Vietnam Airlines tuy lỗ nặng nhưng vẫn trụ được vì trước dịch hãng có tiềm lực tài chính lành mạnh. Tại thời điểm cuối năm 2019 hãng đang có 4.000 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản nhưng cũng chỉ giúp Vietnam Airlines cầm cự đến tháng 9/2020 và sẽ sớm cạn kiệt dòng tiền nếu như không nhận được sự hỗ trợ kịp thời..

Dù tình hình dịch bệnh Covid 19 ở Việt Nam đã được kiểm soát tốt và thị trường hàng không nội địa đã có bước phục hồi khá tích cực nhưng với tình hình các đường bay quốc tế chưa được khơi thông nên theo Vietnam Airlines khó khăn phía trước còn rất lớn.

Ông Trần Thanh Hiền trình bày về tình hình tài chính cảu Vietnam Airlines tại sự kiện chiều 12/6.

Ông Trịnh Thanh Hiền, Trưởng ban tài chính kế toán của Vietnam Airlines cho biết với tình hình dịch bịch đang diễn biến phức tạp hiện nay thì chưa thể nói trước được điều gì. Năm 2020, Vietnam Airline dự kiến sản lượng cả năm giảm 48% và doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng so với 2019. Sau khi cắt giảm chi phí, Vietnam Airlines dự kiến còn lỗ gần 15.000-16.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Theo ông Hiền, việc dịch bệnh Covid 19 bùng phát bất ngờ khiến tất cả các hãng không đều không lường trước được vấn đề quản trị rủi ro. “Với Vietnam Airlines, nếu không có hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thì đến tháng 8-2020 cũng sẽ rơi vào tình cảnh cạn kiệt dòng tiền”, ông Hiền nói.

Trước khi xin trợ giúp, Vietnam Airlines đã làm tất cả những gì có thể như cắt giảm chi phí, lương phi công, tiếp viên... Đây là những "giải pháp bắt buộc, đau đớn" nhưng cũng chỉ giảm chi phí được 4.300 – 4.500 tỷ đồng, theo ông Hiền.

Vietnam Airlines: 'Vay sẽ trả chứ không xin không'

Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết nhiều người đã hỏi tại sao tại thị trường hàng không Việt Nam chỉ mình chúng tôi kêu khó, xin hỗ trợ. Đó hoàn toàn không phải là sự ỉ lại mà là sự minh bạch, thái độ có trách nhiệm với các cổ đông đang đầu tư vào hãng – ông Hiền giải thích.

Hiện Vietnam Airlines đã có báo cáo kiến nghị Chính phủ với vai trò là chủ sở hữu của hãng (vốn Nhà nước chiếm tới 86%) đề nghị vay quy mô tối thiểu ít nhất 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp, thời gian vay tối thiểu là 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.

Hãng cũng kiến nghị phát hàng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, Nhà nước sử dụng các nguồn vốn Nhà nước hoặc giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) hay các doanh nghiệp Nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước.

Ngoài ra, trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.

Vietnam Airlines không kỳ vọng xin được từ ngân sách Nhà nước mà vay sẽ trả. Tôi xin nói đây là hỗ trợ trong hoàn cảnh khó khăn và Vietnam Airlines đủ tiềm lực tài chính để trả chứ không phải xin không”, ông Hiền nhấn mạnh.

Về việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mới đây cho biết muốn tham gia tái cơ cấu Vietnam Airlines sau dịch, với mục tiêu trở thành cổ đông của doanh nghiệp này, ông Hiền thông tin hai bên đã gặp nhau để trao đổi nhưng chưa có phương án cụ thể.

Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngành hàng không toàn cầu năm nay có thể hụt thu khoảng 419 tỷ USD. Các hãng bay nhiều khả năng lỗ 84 tỷ USD, so với kế hoạch lãi 35 tỷ USD trước dịch Covid-19.

IATA cho rằng phải đến năm 2022, hàng không mới quay lại được mức như cuối năm 2019, một số đường bay xuyên lục địa có thể phải đến năm 2023 mới phục hồi.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vietnam-airlines-doi-mat-voi-nguy-co-can-kiet-dong-tien-mong-muon-chinh-phu-ho-tro-d77601.html

Bạn đang đọc bài viết Vietnam Airlines đối mặt với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền, mong muốn Chính phủ hỗ trợ tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất