Bà Lê Thị Thúy Ngà - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường được biết đến là một trong những nữ doanh nhân đình đám trong giới bất động sản.
Bà Ngà bắt đầu tiếp quản vị trí lãnh đạo Tập đoàn năm 2010. Là Chủ tịch HĐQT của một tập đoàn lớn, song bà Ngà lại là một người khá kín tiếng, hiếm khi xuất hiện trên truyền thông.
|
Cùng với đó, con gái của ông Cường và bà Ngà là Trần Thị Quỳnh Ngọc cũng bắt đầu tham gia vào các hoạt động kinh doanh của gia đình từ năm 2010.
Ở Miền Bắc cũng như ở Hà Nội, Nam Cường là một cái tên quen thuộc trong lĩnh vực bất động sản.
Tập đoàn bao gồm hai khách sạn 4 sao Nam Cường ở Hải Phòng và Hải Dương, đồng thời cũng là chủ đầu tư của các khu đô thị, dự án khách sạn hạng sang.
Tại Khu đô thị mới Dương Nội (quận Hà Đông, TP.Hà Nội) cách đây vài năm mọc lên toà biệt thự nguy nga, tráng lệ rộng đến 5.000m2, được xây dựng ở vị trí đắc địa, nằm gần ngã tư đường Trường Phúc (KĐT mới Dương Nội), thu hút ánh nhìn của người qua đường.
Được biết, tòa biệt thự trên bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2014 nhưng đến năm 2017 Tập đoàn Nam Cường mới làm thủ tục chuyển đổi quy hoạch khu đất. Theo đó, Tập đoàn Nam Cường xin điều chỉnh số lô đất từ 2 lô xuống 1 lô và giảm một số hạng mục như diện tích xây dựng (2.925m2 xuống 1.170m2), mật độ xây dựng (60% xuống 24%)… dinh thự này là nơi sinh sống của bà Lê Thị Thúy Ngà - Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường. Và khu đô thị mới Dương Nội cũng chính là dự án do tập đoàn này đầu tư.
Bên cạnh đó, KĐT Dương Nội còn đang đặt trong diện nghi vấn tự ý thay đổi điều chỉnh quy hoạch, xây thêm hơn 500 căn hộ so với giấy phép phê duyệt.
Cụ thể, theo nhiều nguồn tin, vào năm 2007, cơ quan chức năng có quyết định phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500 KĐT Dương Nội với tổng số biệt thự là 2.716 căn, số hộ liền kề là 592 căn (mỗi căn diện tích khoảng 213m2), chưa kể phần dịch vụ thương mại và chung cư cao tầng.
Đến năm 2008, cơ quan chức năng có quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết KĐT Dương Nội, tổng số biệt thự còn 2.253 căn, tổng số liền kề là 544 căn.
Đến năm 2012, Tập đoàn Nam Cường đã xin ý kiến Bộ Xây dựng về thiết kế cơ sở dự án với nội dung thể hiện diện tích đất ở thấp tầng vẫn giữ nguyên, số hộ ở vẫn giữ nguyên, tuy nhiên số lượng căn hộ đã tăng hơn 500 căn so với điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500.
|
Để làm rõ những thông tin trên, PV thời điểm đó đã liên hệ Thanh tra xây dựng quận Hà Đông. Về vấn đề căn biệt thự rộng 5.000 m2 được cho là của nữ Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường, một lãnh đạo Thanh tra Xây dựng quận cho biết, vì căn biệt thự này xây dựng từ năm 2014 mà hầu hết lãnh đạo của Thanh tra Xây dựng quận về công tác từ năm 2017, 2018 nên chưa nắm được thông tin. Vì vậy, Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông sẽ liên hệ phía phường (phường Dương Nội) - nơi có căn biệt thị này tọa lạc lấy thông tin rồi sẽ trao đổi với PV sau.
Còn về vấn đề hơn 500 căn hộ trong diện ghi vấn xây dựng trái phép, Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông cũng không nắm được. Thanh tra xây dựng quận Hà Đông cung cấp cho PV bản Báo cáo số 5220/BC-SXD của Sở Xây dựng Hà Nội về “Đề xuất xử lý số liệu chưa khớp trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và Bản vẽ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Dương Nội, quận Hà Đông” ngày 18/7/2013.
Trong bản báo cáo cáo này nêu rõ: Tổng số lượng căn hộ trong bản vẽ chia lô chênh lớn hơn so với tổng số căn hộ trong quyết định phê duyệt quy hoạch là 511 căn hộ, trong đó nhà biệt thự 463 hộ, nhà liền kề 48 hộ”.
Tuy nhiên để giải trình thời điểm đó, Tập đoàn Nam Cường cho rằng, việc không khớp số liệu trên chỉ là sự nhầm lẫn về số học khi soạn thảo quyết định phê duyệt quy hoạch.
Hàng loạt vấn đề bị Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra làm rõ
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng về việc kiểm tra đơn tố cáo vi phạm đất đai, xây dựng, thực hiện dự án trên địa bàn phường Dương Nội trong đó có dự án khu đô thị mới (KĐTM) Dương Nội.
Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư KĐTM Dương Nội khẩn trương thực hiện dứt điểm nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 606 tỷ đồng nghĩa vụ tài chính theo kiến nghị của KTNN.
Bên cạnh yêu cầu thực hiện dứt điểm nghĩa vụ tài chính nêu trên, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Hà Nội tiếp tục kiểm tra, làm rõ các nội dung theo ý kiến của các Bộ Tài nguyên Môi tường (TNMT), Tài chính, Xây dựng liên quan đến tố cáo của công dân về vi phạm đất đai, xây dựng, thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án trên địa bàn phường Dương Nội nói riêng và quận Hà Đông nói chung.
Tại dự án KĐTM Dương Nội, Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ việc xây dựng các trạm biến áp tại các ô đất theo quy hoạch là đất cây xanh và đất trường mẫu giáo có phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 KĐTM Dương Nội đã được phê duyệt không.
Báo cáo của UBND Hà Nội nêu rõ, có 2/3 trạm biến áp xây dựng trên ô đất ký hiệu I-CX02 (đất cây xanh) và ô đất ký hiệu MG-03 (đất mẫu giáo), không phù hợp với quy hoạch đã được UBND tỉnh Hà Tây trước đây phê duyệt.
Vì vậy, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án xử lý theo quy định đối với 2 trạm biến áp xây dựng không đúng quy hoạch trên ô đất cây xanh, đất trường mẫu giáo.
Kết quả kiểm tra hiện trạng của UBND TP Hà Nội cũng chỉ ra rằng, các ô đất ở dự án KĐT Dương Nội đã hoàn thiện 60/169 lô; các lô đất còn lại chủ đầu tư đang triển khai hoặc chưa thi công. Các ô đất cây xanh, công trình công cộng chủ yếu là đất trống...
Có thể thấy, sau hơn 10 năm triển khai KĐTM Dương Nội vẫn chưa thể cán đích. Ngoài các khu đất ở đã xây dựng nhà để bán, thì hầu hết các lô đất cây xanh, công trình công cộng trường học... vẫn bỏ trống cho cỏ dại mọc gây lãng phí tài nguyên đất.
Trước đó, HĐND TP đã có Báo cáo số 20/BC-HĐND về kết quả tái giám sát của Thường trực HĐND TP thực hiện kết luận giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
HĐND TP Hà Nội cho biết, tính đến tháng 5/2021 trên địa bàn TP có 287 dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Như dự án đầu tư xây dựng bệnh viện quốc tế Nam Cường tại Khu đô thị mới Dương Nội (Hà Đông) của Tập đoàn Nam Cường; Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sử dụng đất xây dựng công trình thương mại dịch vụ văn phòng tại Khu đô thị mới Cầu Giấy;
Công ty CP Tập đoàn đầu tư Long Giang với hơn 12.400m2 đất tại KĐT Việt Hưng, Long Biên làm Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp; Công ty TNHH MTV Booyuong Việt Nam với dự án Khu chung cư quốc tế Booyuong Việt Nam tại phường Mỗ Lao, Hà Đông trên diện tích khủng 43.000m2 được nhận mặt bằng đất cả chục năm nay…
UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, kiên quyết thực hiện chấm dứt dự án đầu tư, thu hồi đất do không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật.