Vì sao giá cổ phiếu VPBank chìm sâu mặc dù 'lợi nhuận đẹp như tranh'?

DTVN 15:50 29/10/2019

Cho vay tiền mặt đảo nợ chéo và vay tiền mặt lãi suất cao có thể khiến lợi nhuận của VPBank tăng trưởng mạnh, nhưng lại ghìm giá cổ phiếu của ngân hàng này.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - VPB) VPBank đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2019 với lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.856 tỷ đồng, tăng tới 63% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, VPBank ghi nhận 7.199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm, hoàn thành 76% kế hoạch năm.

Kết thúc 9 tháng, tăng trưởng tín dụng hợp nhất của ngân hàng đạt 14,7% so với cuối năm 2018. Tăng trưởng huy động đạt 19,9%. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của VPBank đạt 26.333 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái, hoặc 23,9% nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường từ hợp tác bảo hiểm.

Khi mới lên sàn, cổ phiếu VPB có giá hơn 37.000 – 38.000 đồng/cổ phiếu. Giới phân tích và nhà đầu tư đặt rất nhiều kỳ vọng vào cổ phiếu này, bởi khi đó cổ phiếu của ngân hàng uy tín bậc nhất như Vietcombank cũng chỉ 20.000 đồng cổ phiếu. VPB ra mắt và ngay lập tức trở thành một trong những cổ phiếu nóng bậc nhất. Hầu hết các quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam đều đặt cược vào cổ phiếu top 10 của họ.

VPBank có các chỉ số như ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu), ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân) hay NIM ( chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng) vượt trội, thậm chí gấp đôi so với mặt bằng chung ngành ngân hàng nên mức giá đó không quá khó hiểu.

5 năm liên tiếp tăng trưởng, VPBank nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất. Riêng trong quý II/2019, lãi trước thuế hợp nhất là 2.560 tỷ đồng, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm ngoái và là quý tăng trưởng lợi nhuận thứ ba liên tiếp.

Thế nhưng, một năm trở lại đây, cổ phiếu VPB nằm trong xu hướng giảm giá. Thị giá hiện dưới 20.000 đồng một cổ phiếu, chưa bằng một nửa so với mức đỉnh năm 2018 và giảm 18% so với khi lên sàn (giá đã điều chỉnh).

Trong năm 2018, VPBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ phát hành gần 62% khiến vốn điều lệ tăng lên một cách nhanh chóng. Sau các đợt chia tách cổ phiếu và thị trường chứng khoán không thuận lợi, cổ phiếu VPB liên tục giảm sâu.

Tỉ lệ nợ xấu cao

Tính đến cuối tháng 9/2019, nợ xấu hợp nhất của VPBank đang ở mức 3,10%. Tỷ lệ này đã giảm từ 4,24% tại thời điểm một năm trước đó. Trong đó, nợ xấu của ngân hàng VPBank riêng lẻ giảm xuống còn 2,45% cuối quý 3/2019. Nợ xấu của FE Credit cũng giảm từ 6,36% xuống 5,21% cuối quý 3/2019.

Hoạt động xử lý nợ từ VAMC tiếp tục được ngân hàng đẩy mạnh trong quý 3, đưa dư nợ trái phiếu VAMC giảm hơn 70% so với thời điểm cuối năm 2018, từ hơn 3.100 tỷ xuống còn dưới 908 tỷ đồng.

VPBank cũng giống như các ngân hàng trong hệ thống là khá thành công trong việc tăng tốc giảm tỷ lệ nợ xấu trong năm 2019. Tuy nhiên, tổng số dư nợ xấu nhóm 2, nhóm 5 của VPB chiếm hơn 70% vốn chủ sở hữu những năm trước. Báo cáo tài chính năm 2019 của ngân hàng có giảm đi nhưng vẫn ở mức khá cao. Thứ nữa, số dư phần trái phiếu doanh nghiệp rủi ro chiếm trên 1/3 vốn chủ sở hữu.

Dù kết quả kinh doanh và nợ xấu liên tục cải thiện qua các quý, nhưng cố phiếu VPB không bứt phá mạnh. Điều này cũng phản ánh một phần độ hấp dẫn của cổ phiếu VPB dưới con mắt của giới đầu tư.

Thiếu lợi thế cạnh tranh

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, hiện nay VPB đang có nhiều đối thủ cạnh tranh như MB Shinshei, OCB, SHB, LPB. Dù vị thế ngân hàng sẽ khó mất đi ngay, song khả năng rất cao tỷ suất lợi nhuận của VPB sẽ bị ảnh hưởng nếu các đối thủ khởi chiến bằng lãi suất rẻ.

Với những nhà đầu tư cá nhân, lĩnh vực cho vay tiêu dùng nóng hay còn gọi là cho vay tiêu dùng dưới chuẩn còn mới mẻ và có bài học kinh nghiệm.

Còn trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư còn nhiều lựa chọn tốt hơn VPB. Cơ cấu kinh doanh của VPB chủ yếu phụ thuộc vào công ty cho vay tiêu dùng FE Credit (khoảng xấp xỉ 50% tổng thu nhập lãi thuần). Trong mảng FE Credit, có 4 nhóm sản phẩm chính là cho vay tiền mặt, cho vay tiền mặt đảo nợ chéo, cho vay mua xe máy và cho vay mua hàng điện tử gia dụng.

Lúc đầu, nhà đầu tư cho rằng, FE Credit kiếm tiền từ việc cho vay mua điện thoại điện máy, song đây là mảng họ chấp nhận thua lỗ với các chương trình 0% nhằm thu hút được lượng khách lớn.

Nhưng thực tế gần như 3/4 lợi nhuận của FE lại đến từ 2 nhóm sản phẩm cho vay tiền mặt chính là cho vay tiền mặt và vay tiền mặt đảo nợ chéo. Điều này dẫn đến mức lãi suất cho vay trung bình của FE lên đến hơn 40%, và chủ yếu là các khoản cho vay tín chấp nhằm đảo nợ.

Cũng liên quan đến cho vay lãi suất cao liên quan đến những phàn nàn của khách hàng về lãi suất giống tín dụng đen và thái độ không tốt của đội ngũ đòi nợ. Do đó, nhìn một cách tổng quan, bản thân khách hàng cũng không có cái nhìn thiện cảm chung về VPBank. Điều này có vẻ như đang lan tỏa lên tâm lý nhà đầu tư.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng xu hướng của cổ phiếu VPB có thể là trong ngắn hạn. Mức giá của VPB, ông Khánh nhận định, đã tăng quá mạnh sau khi lên sàn, có thời điểm cao hơn cả những cổ phiếu hàng đầu. Trong năm 2018, VPBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ phát hành gần 62% khiến vốn điều lệ tăng lên một cách nhanh chóng. Sau các đợt chia tách cổ phiếu và thị trường chứng khoán không thuận lợi, cổ phiếu VPB liên tục giảm sâu.

'Cứu giá' cổ phiếu bằng phương án mua lại cổ phiếu quỹ

Mới đây, Ngân hàng VPBank đã chốt phương án mua lại tối đa 50 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương đương 1,976% vốn điều lệ thông qua phương thức thỏa thuận hoặc/và khớp lệnh từ ngày 2-31/10/2019.

Nguồn mua cổ phiếu quỹ lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2018 (5.187 tỷ đồng).

Ước tính theo giá đóng cửa ngày 20/9 tại 21.400 đồng/cp, VPBank sẽ phải chi hơn 1.000 tỷ để mua cổ phiếu quỹ lần này.

Hiện VPBank có 73,2 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng 2,894% vốn điều lệ. Nếu đợt mua thành công, số cổ phiếu quỹ của VPBank sẽ tăng lên 123,2 triệu cp, tương ứng trên 4,8% vốn điều lệ.

Theo VPBank, các cơ hội tiềm năng phát triển của ngân hàng vẫn đang được đánh giá tốt. Tuy nhiên, do các yếu tố vĩ mô của thị trường và ngành ngân hàng, dẫn đến sức hấp dẫn cổ phiếu VPB đối với nhà đầu tư không được tốt như trước đây, dẫn đến giá cổ phiếu của VPBank đã giảm nhiều so với thời gian trước.

Việc mua lại cổ phiếu quỹ với mục tiêu ổn định giá cổ phiếu của ngân hàng, giảm bớt số cổ phiếu đang lưu hành nhằm tăng tỷ lệ sinh lời trên mỗi cổ phiếu cho nhà đầu tư; đồng thời, việc mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ được xem là việc đầu tư vào một tài sản có giá trị và khả năng sinh lời cao trong tương lai.

Phương Lê (T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Vì sao giá cổ phiếu VPBank chìm sâu mặc dù 'lợi nhuận đẹp như tranh'? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Tin tức mới nhất