Thuộc diện "VIP" nhưng mua cổ phiếu không báo cáo
Bà Trần Thị Thắm, vợ ông Bùi Văn Phú, Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (PVR) đã thực hiện mua 12,48 triệu cổ phiếu PVR nhưng không báo cáo với UBCK và HNX về việc dự kiến giao dịch trên.
Theo quy định, các nhà đầu tư mua bán cổ phiếu có mối quan hệ gần gũi với các thành viên quan trọng của công ty niêm yết (bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, em..) phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin. Việc công bố này thường do công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư giao dịch thực hiện. Tuy nhiên, công chứng khoán không có nghĩa vụ phải làm mà về nguyên tắc thì nhà đầu tư phải gửi thông tin cho các đơn vị có liên quan.
PVR đang đầu tư dự án CT10-11 Văn Phú - Hà Đông (Hà Nội) |
Bà Trần Thị Thắm trở thành cổ đông lớn nhất PVR
Sau giao dịch trên, bà Thắm trở thành cổ đông lớn nhất với việc nắm giữ 12,48 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 24,05%. Trong khi đó, ông Phú chỉ nắm giữ 700 cổ phiếu PVR sau khi bán gần 1,63 triệu cổ phiếu hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019, PVR ghi nhận lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 852 triệu đồng, giảm lỗ 74,92% so với cùng kỳ năm ngoái (lỗ gần 3,4 tỷ đồng).
Giải trình về con số lỗ giảm mạnh trong nửa đầu năm 2019, Công ty cho biết do trong thời gian này không phát sinh doanh thu, nhưng tại ngày 30/6/2019, giá chứng khoán đầu tư của PVR tại CTCP Đầu tư tài chính giáo dục (EFI), CTCP Đầu tư Thương mại Dầu khí IDICO (PXL) và CTCP Đầu tư PV2 tăng so với cuối kỳ 31/12/2018, dẫn tới đơn vị thực hiện hạch toán điều chỉnh hoàn nhập dự phòng. Nguyên nhân này làm cho chi phí tài chính giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Cổ phiếu PVR niêm yết trên sàn HNX từ cuối tháng 6/2010 với giá đóng cửa ngày chào sàn 28.900 đồng/CP, tuy nhiên, sau gần 7 năm giao dịch trên HNX, cổ phiếu này đã chuyển sang giao dịch trên UPCoM vào đầu tháng 6/2017.
Hiện PVR đang loanh quanh với mức giá rẻ bèo 1.x. Đóng cửa phiên 1/10, PVR đứng giá tham chiếu 1.300 đồng/CP khi không có cổ phiếu nào chuyển nhượng thành công.
Theo Đầu tư Chứng khoán