Một số đơn vị sản xuất khẩu trang phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc
Cụ thể, dịch cúm chủng mới của virus corona (nCoV) khiến tình hình thị trường trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Liên quan tới giá khẩu trang và nước sát trùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Lê Thành Công cho biết nhu cầu sử dụng của người dân đang tăng đột biến.
Đại diện BV Nhi cho biết, mỗi năm bệnh viện cần tới hàng trăm nghìn chiếc khẩu trang y tế, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Tuy nhiên, dịch viêm phổi cấp do virus corona mới đang có nguy cơ bùng phát lan rộng nên nhu cầu khẩu trang y tế rất cao.
"Hôm qua chúng tôi nhận được 20.000 chiếc khẩu trang nhưng đã phát hết về các đơn vị. Bệnh viện chúng tôi mỗi ngày có 3.000 - 4.000 bệnh nhân đến khám, đi kèm 1-2 người nhà, ngoài ra còn 1.400 – 1.900 bệnh nhân nội trú nên số khẩu trang trên chỉ đủ vài ngày”, đại diện BV Nhi trung ương thông tin.
“Virus corona lây truyền qua giọt bắn hô hấp như hắt hơi, ho…, khẩu trang y tế giúp ngăn ngừa các giọt bắn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm giữa người bệnh, người nhà và nhân viên y tế, giờ không có, nguy cơ lây lan dịch càng cao”, đại diện BV Nhi trung ương cho hay.
Hiện tại, mặt hàng khẩu trang y tế cũng đang khan hàng trên thị trường, dù giá đã bị đẩy lên 5-8 lần. |
Hiện tại, mặt hàng khẩu trang y tế cũng đang khan hàng trên thị trường, dù giá đã bị đẩy lên 5-8 lần.
"Cả nước có 46 đơn vị sản xuất khẩu trang nhưng nguyên liệu phụ thuộc phía Trung Quốc và bị động kế hoạch sản xuất do sát Tết Nguyên đán. Vừa qua, có đơn vị ở Trung Quốc đề nghị nhập khẩu khẩu trang từ Việt Nam", ông Công nói.
Cũng theo vị này, các đơn vị sản xuất khẩu trang trong nước cũng đang tìm nguyên liệu mới từ châu Âu, các quốc gia khác để nhập khẩu, sản xuất. Về dung dịch sát khuẩn, chủ yếu dùng trong đơn vị y tế qua đấu thầu mua sắm, giờ mỗi gia đình mua thì việc đáp ứng sẽ khó khăn.
Bộ Y tế khẳng định đủ nguồn cung cấp khẩu trang y tế
Theo ThS Nguyễn Đình Hiếu, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, thông tin các đơn vị sản xuất trang thiết bị y tế Việt Nam đang cung cấp thiết bị cho Trung Quốc là không chính xác. Đồng thời, ông khẳng định năng lực sản xuất của các đơn vị đủ để đáp ứng cho người dân.
"Chúng tôi đang yêu cầu các đơn vị sản xuất báo cáo lại tình trạng tồn kho, khả năng sản xuất. Nâng cao kiểm tra, giám sát, xử phạt những đơn vị nâng giá khẩu trang", ông Hiếu thông tin.
Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định không có chuyện bệnh viện bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn ra ngoài vì bản thân các bệnh viên rất lo các nguồn cung ứng nội bộ để phòng chống dịch.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết khẩu trang không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá nhưng theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 thì mặt hàng này phải niêm yết giá.
“Không niêm yết cũng bị xử phạt và niêm yết mà tăng giá bán thì sẽ phạt nặng hơn từ 10-15 triệu đồng và bồi hoàn tiền cho người tiêu dùng. Theo quy định, các lực lượng thanh tra tài chính, quản lý thị trường sẽ thực hiện kiểm tra, xử phạt”, ông Tuấn nói.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, theo Điều 10, Luật Giá cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng thiên tai, địch hoạ để kinh doanh hàng hóa trục lợi.
Nghị định số 185 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính cũng quy định mức xử lý với hàng (khẩu trang) giả, kém chất lượng. Điều 196 Bộ luật Hình sự quy định việc găm hàng làm khan hiếm hàng hóa khi thiên tai, địch hoạ sẽ bị phạt từ 30-300 triệu và phạt tù tới 3 năm.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ