Báo Liên hợp buổi sáng của Singapore ngày 9/10 đăng bài viết của ông Sam Cheong Chwee, Tổng giám đốc Quản lý và tư vấn đầu tư nước ngoài thuộc ngân hàng UOB (United Overseas Bank) phân tích về tình hình kinh tế khu vực, trong đó nhận định rằng Việt Nam đang trở thành ngôi sao sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Đông Nam Á.
Theo tác giả bài viết, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào thị trường Việt Nam không ngừng tăng trong những năm gần đây. Số liệu thống kê của Hội nghị về thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, Việt Nam đã thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên tới 16 tỷ USD trong năm 2018.
Không chỉ có vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam mới đây cũng công bố báo cáo cho biết, nước này trong 9 tháng đầu năm 2019 đã thu hút hơn 18,4 tỷ USD vốn FDI.
Sự tăng trưởng về kinh tế và công nghiệp sẽ giúp Việt Nam trong khoảng một thập kỷ tới đây luôn là đối tác và thị trường quan trọng tại khu vực Đông Nam Á. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế và khu công nghiệp trọng điểm, qua đó nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đơn cử như việc quy hoạch và xây dựng thành phố cảng Hải Phòng thành một trung tâm kinh tế mới tại khu vực Đông Bắc đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Trên phương diện khu vực, trong khi khả năng thu hút vốn FDI của tất cả các nước trên thế giới đều giảm thì khu vực Đông Nam Á lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê của UNCTAD, tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài của các nước ASEAN năm 2018 đã thiết lập mốc tăng trưởng mới khi đạt 149 tỷ USD, tăng 3% so với năm trước đó.
Đáng chú ý, hơn một nửa trong số vốn đầu tư kể trên đã chảy vào thị trường Singapore, chứng tỏ nền kinh tế nước này vẫn có sức hút mạnh nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Indonesia với tổng dân số hơn 250 triệu người, tương đương khoảng 1/3 tổng dân số của ASEAN cũng thu hút được khoảng 22 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2018, nhờ các nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đổi mới khoa học công nghệ và thúc đẩy thương mại điện tử… Malaysia trong khoảng thời gian một năm trở lại đây cũng có sự cải thiện mạnh mẽ trong việc nâng cao sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu như vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Malaysia trong cả năm 2018 chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì con số này trong quý I/2019 đã ở mức 7,1 tỷ USD, tăng 73,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo phân tích, chính sách ưu đãi thuế cùng với các nỗ lực trong việc mở rộng các ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ và thúc đẩy kinh tế số… đã giúp Malaysia gặt hái được thành công nói trên. Tại Thái Lan, lượng vốn FDI chảy vào thị trường này cũng tương đối khả quan khi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Theo số liệu thống kê, lượng vốn đầu tư nước ngoài rót vào Thái Lan năm 2018 đạt 10 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2017, trong đó khoảng 1/2 số vốn này được đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo.
Cùng với việc khởi xướng và thúc đẩy chiến lược phát triển hành lang kinh tế Đông-Tây, Thái Lan dự kiến trong khoảng năm 5 tới sẽ thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lên tới 43 tỷ USD.
Tác giả bài báo nhấn mạnh, cấu trúc dân số trẻ chính là lợi thế đầu tiên giúp kinh tế các nước thành viên ASEAN thu hút được sự quan tâm và chú ý của các nhà đầu tư ngoài khu vực. ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên có tổng dân số khoảng 660 triệu người, trong đó hơn một nửa là những người trong độ tuổi dưới 30.
Đây chính là sức hấp dẫn rất lớn đối với các doanh nghiệp ngoài khu vực, đặc biệt là những ngành dịch vụ. Theo đó, Nhật Bản trong những năm gần đây không ngừng mở rộng quy mô các ngành ăn uống và bán lẻ tại thị trường ASEAN. Bên cạnh đó, kinh tế tăng trưởng mạnh, giá thành cạnh tranh, hệ thống khung pháp lý hoàn thiện và đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của kinh tế mạng cũng là những nhân tố giúp cho ASEN ngày càng thu hút được nhiều các nhà đầu tư thế giới đến với khu vực.
Nguồn: Bnews/TTXVN