Thời gian qua, khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về mặt số lượng, sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư. Theo Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2021, số lượng công ty Fintech đã tăng lên 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021. Trong số các công ty Fintech tại Việt Nam, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp.
Tuy nhiên, hiện việc phát triển thị trường Fintech Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề như hầu hết các công ty Fintech còn khá trẻ; ứng dụng Fintech mới đang phổ biến ở thành phố lớn còn ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn gặp những khó khăn. Cùng đó, hệ sinh thái Fintech chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tài chính, công ty khởi nghiệp Fintech,...) cũng như khuôn khổ pháp lý quản lý lĩnh vực Fintech chưa được đồng bộ.
Chia sẻ về vấn đề trên, ông Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC cho biết, bức tranh tổng thể về khởi nghiệp nói chung ở Việt Nam đang rất sôi động trên các lĩnh vực. “Chúng ta từng đặt kỳ vọng có 1 triệu doanh nghiệp, hiện nay mới có trên 800.000 doanh nghiệp. Như vậy, dư địa cho khởi nghiệp rất lớn. Trong khi đó, Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp", ông Khanh nói.
Đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ bước chân vào khởi nghiệp, ông Khanh cho hay, trước tiên cần phải tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp có tính mới, tính sáng tạo và sự khác biệt. Thực tế hiện nay tại các công ty công nghệ thì đa phần các sản phẩm “na ná” nhau, trong khi đó tính khác biệt quyết định rất lớn đến thành công của khởi nghiệp.
Nhắc tới câu chuyện của Tập đoàn Viettel, ông Trần Duy Khanh cho rằng chính sự khác biệt, sự sáng tạo về mặt tư duy đã giúp Viettel gặt hái thành công lớn như ngày hôm nay. Thay vì hướng tới các khách hàng tại khu vực thành thị như cách làm của các “ông lớn” thời bấy giờ là Vinaphone hay Mobiphone thì Viettel lại chọn nông thôn là thị trường chính để phát triển. Bởi lẽ, đa số người trẻ ở thành phố đều cần liên lạc với gia đình, người thân ở nông thôn. Đối với khởi nghiệp cũng thế, không có sự khác biệt rất khó thành công, đây là bài học cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tiếp đến là các ý tưởng khởi nghiệp phải xuất phát từ thực tế. Nhiều doanh nghiệp Việt đang vướng mắc một vấn đề là bán thứ doanh nghiệp có chứ không bán thứ mà xã hội đang cần nên sản phẩm khi ra đời cũng không có đất để phát triển.
Ngoài ra, một lời khuyên rất hữu ích ông Khanh dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp là hãy mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm và dám chấp nhận thất bại: “Các bạn trẻ có thể thất bại 3 lần, 5 lần, thậm chí 10 lần mới có thể thành công chứ không nên nghĩ rằng ngay từ lần đầu đã thành công. Tuy nhiên, tại nước ta, văn hóa chấp nhận thất bại vẫn chưa phổ biến và đây là một điểm yếu.
Cũng có một thực tế là nhiều bạn trẻ Việt Nam thất bại tại lĩnh vực này lại “nhảy” sang lĩnh vực khác, khởi nghiệp mỗi lĩnh vực một thời gian ngắn như “chuồn chuồn đạp nước” thì rất khó để thành công, đây là bài học xương máu mà chúng ta cần phải nhìn nhận và rút kinh nghiệm. Thất bại càng nhiều thì thành công càng vững chắc”, ông Khanh nhấn mạnh.