Hà Nội, Thứ Ba Ngày 23/04/2024

Trong năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất vắc-xin trong nước

NGƯỜI ĐƯA TIN 13:51 13/11/2021

Đầu năm 2022, phấn đấu hoàn thành tỉ lệ tiêm chủng đủ liều vắc-xin bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%, ưu tiên sớm tiêm vắc-xin cho người trên 50 tuổi.

Triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba

Với 480/480 phiếu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội nhất trí thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo nội dung Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Đối với lĩnh vực y tế, Quốc hội yêu cầu tổng kết việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong các đợt dịch vừa qua để xây dựng chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới. Trước ngày 1/1/2022, ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19.

Quốc hội cũng yêu cầu nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch với các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình, không để lúng túng, bị động, bất ngờ.

Tiêu điểm - Trong năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất vắc-xin trong nước

Các Đại biểu tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, quản lý và sử dụng thuốc chữa bệnh, quản lý và mua sắm trang thiết bị y tế. Khẩn trương nghiên cứu xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm Covid-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.

Trong năm 2022, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế. Sớm nghiên cứu nâng Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành luật, trong đó có nội dung tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.

Đầu năm 2022, phấn đấu hoàn thành tỉ lệ tiêm chủng đủ liều vắc-xin bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%, ưu tiên sớm tiêm vắc-xin cho người trên 50 tuổi (trừ đối tượng thuộc diện chống chỉ định tiêm vắc-xin); nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba. Trong năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất cho vắc-xin trong nước và đưa vào sử dụng, tiến tới tự chủ nguồn vắc-xin.

Quốc hội yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả trên phạm vi cả nước Nghị quyết số 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đồng thời, có Kế hoạch triển khai Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 ngay sau khi được ban hành.

Trong năm 2022, giải quyết dứt điểm việc phân cấp quản lý đối với hệ thống trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã theo hướng giao Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý ở những nơi đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế. Sớm thực hiện việc tinh giản, sắp xếp đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, công tác chuyên môn cho phù hợp.

Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế được thực hiện nghiêm minh; chủ động kiểm tra, giám sát đối với việc triển khai xét nghiệm Covid-19 bảo đảm đúng quy định về giá của các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

Trong năm 2022, tổ chức thanh tra, kiểm toán chuyên sâu về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.

Giải pháp tổng thể phục hồi, phát triển thị trường lao động trong nước

Tiêu điểm - Trong năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất vắc-xin trong nước (Hình 2).

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Quốc hội yêu cầu đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, bảo đảm thuận lợi, chính xác, nhanh chóng. Rà soát, nghiên cứu để có đề xuất hỗ trợ kịp thời đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định đã ban hành, quan tâm nhóm đối tượng yếu thế. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách.

Khẩn trương đánh giá, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường lao động trong nước. Trong năm 2021, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động và an sinh xã hội phù hợp với tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, đặc biệt quan tâm việc phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi toàn quốc, việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề, vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, chính sách đối với lao động nữ, lao động khu vực phi chính thức và các đối tượng dễ bị tổn thương, bảo đảm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, nhất là các địa phương có người lao động hồi hương; có giải pháp “giữ chân” và “thu hút” lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Tiếp tục củng cố quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn, toàn diện, hướng tới thị trường lao động đa dạng.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và nâng cao chất lượng dự báo. Nâng cao chất lượng công tác quản lý, theo dõi việc thực hiện khai trình lao động của người sử dụng lao động và gắn với chất lượng hoạt động dịch vụ việc làm của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm. Năm 2022, hoàn thành Đề án nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động. Năm 2024, thực hiện liên thông cơ sở dữ liệu về thị trường lao động.

Rà soát, ban hành chính sách bảo trợ đối với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, bảo đảm trẻ em có nơi nương tựa, không bị bỏ rơi. Tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt quan tâm phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác trợ giúp xã hội và công tác thiện nguyện bảo đảm công khai, minh bạch. Khẩn trương làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm trong thời gian qua; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có sai phạm trong việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và quản lý vận động, tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, các hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi hỗ trợ từ thiện, trục lợi.

Quan tâm giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc như: đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chính sách xã hội hóa về bảo trợ xã hội; tình trạng người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội; tiền lương đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995; việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... đặt trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/trong-nam-2022-som-xem-xet-cap-phep-san-xuat-vac-xin-trong-nuoc-a533740.html

Bạn đang đọc bài viết Trong năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất vắc-xin trong nước tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước