Ngày 22/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để có sự chuẩn bị sơ bộ cho Kỳ họp thường kỳ vào tháng 5/2022.
Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến ngay từ bây giờ, đồng thời rà soát để cho ý kiến việc tổ chức một Kỳ họp bất thường.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, kỳ họp bất thường chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách và đột xuất, cấp thiết cho quốc kế dân sinh và đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Do đó, nhiều nhất chỉ có 5 nội dung đã thống nhất với Chính phủ và cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, với sự tích cực, cố gắng của các cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, sự vào cuộc từ sớm, từ xa và trách nhiệm đối với đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản trả lời, cho ý kiến chính thức; làm rõ thẩm quyền quyết định các nội dung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc quyết định tổ chức Kỳ họp bất thường đến nay chưa quyết định chính thức mà phụ thuộc vào công tác chuẩn bị.
Về nội dung tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung hai dự án Luật vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2022 gồm có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện và dự án Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi).
Hai dự án Luật này đều nằm danh mục các nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp theo Kết luận số 19/KL-TW của Bộ Chính trị và đề án của Đảng đoàn Quốc hội phê duyệt. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết để bổ sung hai dự án Luật này, dự kiến về những nội dung chính sách lớn, khắc phục tình trạng khi xây dựng Chương trình Xây dựng Luật, Pháp lệnh đưa vào xem xét mà chưa coi trọng đến các chính sách.
Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương xây dựng pháp luật, đã đưa vào danh mục phải chuẩn bị kỹ lưỡng, khắc phục tình trạng đưa vào rồi lại đưa ra.
Về Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là hiệp định toàn diện về bảo hiểm xã hội song phương đầu tiên của Việt Nam. Hiệp định được Chính phủ 2 nước bắt đầu đàm phán từ năm 2015 và đã thống nhất được nhiều nội dung lớn. Việc ký hiệp định này nhằm tránh tình trạng đóng bảo hiểm xã hội 2 lần và bảo đảm tối ưu quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động làm việc tại Việt Nam và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hiệp định có một số nội dung chưa được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ tài liệu để cho ý kiến, từ đó thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định phục vụ cho hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian tới.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét về dự thảo Nghị quyết về thích một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm tạo cơ sở để các cơ quan thực hiện đúng, đầy đủ cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về việc xử lý hình sự và áp dụng hình phạt đối với một số hành vi vi phạm liên quan đến bí mật kinh doanh, phù hợp với điều kiện cụ thể và lộ trình cam kết của Việt Nam.
Về tình hình chi phí quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét kỹ lưỡng để quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội trong giai đoạn 2022-2024 và các vấn đề có liên quan đến việc quản lý và sử dụng quỹ.