'Đánh úp' xưởng sản xuất phân bón giả làm từ bột đá, bột màu...
Xưởng sản xuất phân bón giả này thuộc chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino có địa chỉ tại 272/81 tổ 9A, khu phố 4, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong nhà xưởng có hàng trăm mét khối nguyên liệu, bột màu, đá vẫn ngổn ngang. Cạnh đó là máy móc, thiết bị cùng các loại xe nâng, ủi, xúc, băng chuyền… tất cả dùng cho việc sản xuất phân bón. Kiểm đếm thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận có 8,5 tấn thành phẩm phân bón 111 HLS Super Lân canxi; 28,5 tấn phân bón hữu cơ trùn quế; khoảng 5 tấn phân hạt đen chưa đóng bao bì; 25 m3 nguyên liệu, bột màu dùng để sản xuất phân, 100 m3 đá nguyên liệu và 31.700 vỏ bao bì phân bón các loại. Phương tiện sản xuất gồm: 1 máy xúc, 1 xe nâng, 1 băng chuyền, 1 máy nghiền, 1 bồn chứa nguyên liệu, 1 bồn quay ly tâm và 1 máy may miệng bao.
Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Trọng Dần, chủ nhà xưởng chỉ xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đóng gói phân bón. Còn lại, các loại giấy phép sản xuất phân bón, quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và các hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa thì không có. Đoàn kiểm tra gồm Đội Quản lý thị trường số 1 (thuộc Cục QLTT Đồng Nai) phối hợp với Cục nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa, dụng cụ nói trên để tiếp tục điều tra, làm rõ.Kết quả từ Trung tâm phân tích và thử nghiệm 2 - Vinacontrol và Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 - Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày 19.10 cho thấy 61,5 tấn phân bón các loại là hàng giả, không có giá trị sử dụng.
Phát hiện 40 tấn phân bón giả chuẩn bị tuồn ra thị trường tại Lâm Đồng
Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Lâm Đồng) cùng với các cơ quan chức năng đã phát hiện, tạm giữ 40 tấn phân bón tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Anh Thư, số phân bón này do Công ty TNHH thương mại CHÂU RHINO, trụ sở tại phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai sản xuất. Loại phân bón này không có quyết định công nhận phân bón được lưu hành tại thị trường Việt Nam. Hàm lượng phân bón ghi trên bao bì gồm: Ca 15%, Sio2 5%, độ ẩm 4% nhưng kết quả lấy mẫu, kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng Ca chỉ đạt 1,39%, Sio2 bằng không, độ ẩm 12%, hầu hết hàm lượng phân bón chỉ gồm đất và bột đá.
Theo Cục Quản lý thị trường Lâm Đồng, chủ cửa hàng đã buôn bán hàng giả, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.
Quản lý thị trường Đắk Lắk phát hiện số lượng lớn phân bón giả dịp cuối năm
Ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cho biết qua đấu tranh, đoàn kiểm tra liên ngành Ban chỉ đạo 389 phát hiện 1 thanh niên đang chuẩn bị giao 20 thùng phân bón tại xã Cư Êbua, TP Buôn Ma Thuột. Thấy tổ công tác xuất hiện, thanh niên này bỏ chạy. Lực lượng chức năng xác định 20 thùng này thuộc phân bón NPK 20-19-22+TE loại 20kg/thùng (do Công ty TNHH Kỹ Thuật Nông nghiệp Rosano sản xuất, được phân phối bởi đại lý Tấn Thanh, địa chỉ tại xóm Dinh, Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp, Nghệ An).
“Chúng tôi đã lấy mẫu gửi đơn vị được chỉ định thử nghiệm chất lượng. Kết quả thử nghiệm cho kết luận toàn bộ 20 thùng phân bón nói trên là phân bón giả. Đây là hình thưc giao dịch qua mạng xã hội để nhằm mục đích trốn thuế, bán hàng giả. Chúng tôi đã chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Đắk Lắk để xử lý đúng thẩm quyền”, ông Toàn nói.
An Giang: Bắt một cơ sở sản xuất phân bón giả quy mô lớn
Đội Quản lý thị trường cơ động số 1, thuộc Chi Cục QLTT tỉnh An Giang phối hợp với Phòng CSĐT Tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an An Giang, bất ngờ tiến hành kiểm tra căn nhà số 77/77, khóm Thạnh An, phường Mỹ Thới, Tp Long Xuyên và bắt quả tang vụ sản xuất phân bón giả với số lượng lớn chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.
Kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện ông Huỳnh Ngọc Thành là chủ cơ sở đang cùng 3 công nhân pha trộn nguyên liệu là vôi hiệu Super Canximax, vôi nóng CaO, bột đá xay và một số hóa chất để cho ra hai loại sản phẩm phân bón mang nhãn hiệu TNHH Con Diều Vàng (đ/c 4B1, Lý Thường Kiệt, phường 5, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) và phân trung vi lượng bón rễ hiệu Super lân Indo.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 373 bao (loại 50kg/bao) Phân trung vi lượng bón rễ hiệu Super lân Indo đã pha trộn vào bao thành phẩm, trên bao bì ghi của Cty TNHH Con Diều Vàng; 27 bao (loại 50kg) và 52 bao (loại 25kg) đang pha trộn với nguyên liệu vôi hiệu Super Canximax. Ngoài ra còn tạm giữ thêm 12 bao nguyên liệu vôi nóng cao; 112 bao (50kg/bao) bột đá xây. cùng một số dụng cụ pha trộn làm phân bón.
Qua đấu tranh nghiệp vụ của bộ phận chức năng, ông Thành khai nhận là mua phân trung vi lượng bón rễ hiệu Super Lân Indo của Cty TNHH Con Diều Vàng ở tỉnh Tiền Giang về pha trộn với vôi công nhiệp. Sau khi pha trộn xong thì công nhân dùng dụng cụ vô bao 50kg để bán ra thị trường.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo