Liên đoàn Thương mại Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Theo VCCI, một số nhà đầu tư phản ánh rằng hiện nay họ rất ngần ngại khi mua phần vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa do rủi ro pháp lý quá lớn. Nhiều trường hợp nhà đầu tư tư nhân đã bỏ tiền mua lại phần vốn một cách ngay tình qua đấu giá công khai, nhưng khi phát hiện những sai sót nội bộ từ phía bên bán, mà có nhiều ý kiến đề nghị phải huỷ giao dịch, trả lại tài sản. Những trường hợp như vậy khiến các nhà đầu tư không muốn tham gia, dù họ có khả năng quản trị doanh nghiệp được bán tốt hơn và mang lại hiệu quả kinh tế.
Trước thực tế đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định bảo vệ quyền tài sản của bên mua khi tham gia mua vốn của nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, trong trường hợp bên mua ngay tình (không biết và không có nghĩa vụ phải biết) trước những sai sót của bên bán trong quá trình giao dịch thì quyền tài sản của bên mua đối với phần vốn đã mua được pháp luật bảo vệ. Thêm vào đó, trong các trường hợp đấu giá công khai, minh bạch, đúng trình tự thủ tục, không có gian lận, có nhiều người tham gia đấu gia độc lập thì kết quả đấu giá phải được pháp luật bảo vệ.
Góp ý về quy định công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước, VCCI cho rằng, trên thực tế, việc công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được thực hiện đồng bộ. Có doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định công bố thông tin, nhưng cũng không ít doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghiêm túc như không công bố, công bố chậm. Điều này làm giảm hiệu quả giám sát của xã hội đối với các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các quy định về biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ công bố thông tin này. Có thể cân nhắc một số cơ chế như nêu tên hoặc xử phạt các trường hợp doanh nghiệp nhà nước thực hiện không đầy đủ, nghiêm túc các quy định về công bố thông tin.
Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc giới hạn những doanh nghiệp có phần vốn góp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thuộc đối tượng tác động của luật này.
VCCI lưu ý, cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc phương án chưa bao gồm các doanh nghiệp có vốn góp của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp; hoặc căn cứ vào mức độ hỗ trợ, nhận kinh phí từ ngân sách của tổ chức đó để xác định đối tượng tác động cho phù hợp.
Bộ Tài chính cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, không phát sinh doanh nghiệp cổ phần hóa. Trong tháng 10, không phát sinh doanh nghiệp thoái vốn. Trong 10 tháng đầu năm 2023, thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp (trong đó 03 doanh nghiệp theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg, 1 doanh nghiệp theo Thông báo số 281/TB-VPCP) với giá trị 8,8 tỷ đồng, thu về 19 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.
Trước đó, tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, cổ phần hóa trong nhiệm kỳ này chậm do nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân cơ bản nhất là khi các doanh nghiệp muốn mua các doanh nghiệp cổ phần hóa nhìn vào cả khu đất vàng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Nghị quyết 60 của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ quy định không cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thuê chuyển sang đất ở. Vì vậy không còn chênh lệch địa tô và doanh nghiệp sẽ không mua khi nhìn vào các khu đất này nữa.
Cùng với đó, phương án sử dụng đất chính quyền địa phương không phê chuẩn do khó khăn. Việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào trong giá trị của doanh nghiệp hay các giá trị tài sản khác cần phải thẩm định giá,… nhưng cũng có rủi ro.