Nhà máy nước sạch Trực Mỹ: Thi công không phép bất chấp
Nhà máy nước sạch Trực Mỹ do Công ty Cổ phần nước và đầu tư môi trường Ý Yên làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 97 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm từ ngày quyết định chủ trương đầu tư. Người đại diện là ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Ngày 21/11/2016 UBND tỉnh Nam Định có quyết định phê duyệt chủ trường đầu tư dự án xây dựng nhà máy cấp nước sạch tại xã Trực Mỹ, huyện Trực Ninh. Dự án với mục đích cấp nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân 4 xã Trực Mỹ, Trực Khang, Trực Hưng, Trực Thuận và các xã lân cận.
Dự án được khởi công năm 2017, dù lúc đó nhà máy nước này chưa có giấy phép xây dựng.
Theo quyết định số 03/QĐ-SXD ngày 12/2/2020, Sở Xây dựng tỉnh Nam Định đã lập đoàn kiểm tra và chỉ ra nhiều sai phạm của dự án nhà máy, trong đó xác định rằng, dự án này không có giấy phép xây dựng.
"Hiện nay, qua kiểm tra thực tế Công ty Cổ phần đầu tư nước và vệ sinh môi trường Ý Yên đang xây dựng các hạng mục công trình của dự án Nhà điều hành a10, bể chứa nước a5, cụm xử lý nước a4...
Tuy nhiên, so với tổng mặt bằng quy hoạch số 389/SXD-QH ngày 12/4/2018 đã được Sở Xây dựng chấp thuận, các hạng mục đang xây dựng có sự thay đổi về vị trí, diện tích và không có giấy phép xây dựng", văn bản nêu rõ.
Sở Xây dựng đã yêu cầu đình chỉ thi công đối với dự án xây dựng nhà máy nước sạch tại xã Trực Mỹ.
Mặc dù đã bị đình chỉ nhưng đến ngày 17/3, theo ghi nhận của báo chí, nhà máy này vẫn đang tiếp tục được thi công hạng mục tường rào bao quanh. |
Thế nhưng, đến ngày 17/3, theo ghi nhận của báo chí, nhà máy này vẫn đang tiếp tục được thi công hạng mục tường rào bao quanh. Thậm chí, nhiều tuyến đường ống nước vẫn đang được gấp rút thi công để chuẩn bị đấu nối nước cho địa bàn xã Trực Hưng.
Không có giấy phép xây dựng vẫn hoàn thiện và bán nước cho dân
Một điều đáng lưu ý là mặc dù nhà máy chưa được cấp phép xây dựng, nhưng đã cơ bản được hoàn thành, các hệ thống tường rào bao quanh, cổng, nhà máy đã được xây dựng. Đồng thời nhà máy này đã thực hiện bán nước cho nhân dân tại địa phương.
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND xã Trực Mỹ khẳng định, nhà máy chưa được cấp giấy phép và hiện nay đã cấp và bán nước cho khoảng 300 hộ dân tại xã Trực Mỹ và các xã lân cận.
Được biết, đồng hồ cũng đã được lắp, đấu nối tới hộ dân xã Trực Mỹ và một số xã lân cận, mỗi gia đình phải nộp 3 triệu đồng để sử dụng nguồn nước này.
Trả lời PV qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Tuệ - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nước và vệ sinh môi trường Ý Yên cho rằng hiện nay nhà máy đã được cấp giấy phép xây dựng, đồng thời vì nhu cầu nên đã cấp nước cho người dân. Khi PV cho biết theo thông tin phóng viên có được, dự án vẫn chưa được cấp phép xây dựng, ông Tuệ đã cáo bận rồi cúp máy.
Với những điều trên, hoàn toàn có quyền đặt ra câu hỏi rằng phải chăng chủ đầu tư đã cố tình "nhờn luật", thoái thác trách nhiệm khi làm sai quy định?
Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Mặc dù khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng là trái quy định, nhưng lễ khởi công nhà máy nước sạch 100 tỷ này lại có sự góp mặt của lãnh đạo UBND xã Trực Mỹ. Chính vì điều này nên một số người đã tin tưởng bỏ hơn 3 tỷ đồng để nhận thầu xây dựng nhiều hạng mục cho nhà máy.
Đến khi thi công xong, Giám đốc nhà máy nước sạch là ông Tuấn đã cắt liên lạc, thậm chí chặn luôn số điện thoại của những người nhận thầu xây dựng này.
Theo văn bản số 167 của UBND huyện Trực Ninh ban hành ngày 22/5/2018 do đích thân Chủ tịch UBND huyện là ông Lưu Văn Dương ký, giao cho 4 xã là Trực Hưng, Trực Mỹ, Trực Khang và Trực Thuận tạo điều kiện về mặt bằng để Công ty cổ phần Đầu tư nước và vệ sinh môi trường Ý Yên lắp đặt hệ thống đường ống, để nhà máy cấp nước sạch Trực Mỹ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng.
Và Giám đốc nhà máy nước là ông Nguyễn Văn Tuấn đã cầm tờ văn bản này để tới gặp Công ty Quốc Việt mời gọi tham gia bỏ thầu thi công cho nhà máy hệ thống đường ống chính, trị giá hơn 6 tỷ đồng trong khi thời điểm này, nhà máy nước vẫn chưa hề có giấy phép xây dựng.
Tin tưởng tham gia và đến giờ sau gần 2 năm, Công ty Quốc Việt chưa được nhận lại một đồng nào, thậm chí còn mất luôn 200 triệu đồng đặt cọc hợp đồng ban đầu cho ông Tuấn.
Không những chặn mọi số điện thoại và biến mất hoàn toàn, theo các nạn nhân, họ còn bất ngờ hơn khi quay lại nhà máy nước tìm ông Tuấn thì nhà máy đã được bán cho một quản lý khác. Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, các nạn nhân đã gửi đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng. Sau đó, Sở Xây dựng tỉnh Nam Định đã lập đoàn kiểm tra và chỉ rõ nhiều sai phạm kể trên.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ