Hà Nội, Thứ Hai Ngày 02/12/2024

Giải pháp về cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với vấn đề năng suất lao động

vietq 09:49 13/02/2023

Báo cáo “Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp” do Tổng cục Thống kê công bố đã đề xuất các giải pháp chủ yếu nâng cao năng suất lao động của Việt Nam trong thờ

Cải cách thể chế

Đổi mới thể chế chính là hướng đến tạo môi trường thông thoáng, minh bạch cho cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế. Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng đề ra ba đột phá chiến lược phù hợp với giai đoạn mới, trong đó đột phá chiến lược thứ nhất là: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ðổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…”.

Do đó, Nhà nước cần xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia. Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới.

Sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành. Tăng cường tính minh bạch trong hành chính công, cải cách tiền lương và cách thức đánh giá cán bộ nhằm giảm thiểu tệ nạn tham nhũng, nâng cao hiệu quả bộ máy công vụ, góp phần giảm chi phí phi chính thức cho doanh nghiệp.

Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Trong giai đoạn 2011 - 2020, nền kinh tế đã có sự chuyển dịch khá tích cực. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét, chưa bền vững; công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu ở mức thấp; khu vực dịch vụ phát triển chưa tương xứng tiềm năng; nền kinh tế chưa tích lũy đủ năng lực để ứng phó với các cú sốc lớn từ môi trường bên ngoài, điển hình là dịch Covid-19…

Do đó, nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là giải pháp quan trọng. Đây là chủ trương đổi mới toàn diện kinh tế nên cần xác định trọng tâm ưu tiên với lộ trình cụ thể theo hướng quyết liệt, hiệu quả và thực chất để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế.

Cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, vùng, địa phương để tận dụng được thế mạnh của từng địa phương và tập trung nguồn lực tại những địa phương, tạo đột phá ở một số lĩnh vực có tiềm năng. Khắc phục sự thiếu kết nối, thiếu bổ sung hợp lý giữa các loại hình kinh tế, các địa bàn kinh tế; tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp chủ động từng bước nâng cấp vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu; sắp xếp, tổ chức và điều phối lại chính sách hỗ trợ phát triển ngành nhằm hướng đến các mục tiêu cụ thể, thiết thực; tập trung giải quyết một số vấn đề trọng tâm như tái cơ cấu đầu tư công, tổ chức tín dụng, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Chính sách phát triển khoa học công nghệ, tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

Theo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, phát triển khoa học và công nghệ có tác động quan trọng tới nâng cao NSLĐ. Sự phát triển thành công của một số nước Đông Á, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Trung Quốc... đều là các quốc gia có đầu tư nhiều vào khoa học công nghệ để xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể NSLĐ quốc gia theo hướng phù hợp với thay đổi của môi trường quốc tế.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2020 của Ngân hàng thế giới, Việt Nam đứng thứ 70 trong 190 nền kinh tế được xếp hạng, chỉ cao hơn thứ hạng các nước Phi-li-pin (95); Cam-pu-chia (144); Lào (154); Mi-an-ma (165) trong khu vực ASEAN. Điều này cho thấy, Nhà nước cần xây dựng chiến lược, chính sách để thúc đẩy quá trình nâng cao trình dộ công nghệ, đổi mới sáng tạo của toàn nền kinh tế và cả khu vực doanh nghiệp.

Cần ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ; áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm phát huy vai trò then chốt và động lực của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, chú trọng lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm quốc gia; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển, đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực khoa học và công nghệ; tạo điều kiện phát triển thị trường khoa học và công nghệ, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ.

Cần đặt doanh nghiệp theo đuổi việc đổi mới sáng tạo và ứng dụng kết quả R&D của các trường đại học và cơ quan nghiên cứu nhà nước vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. Xây dựng hệ thống chính sách tài chính nhằm phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với thực tiễn; tạo cơ chế thông thoáng trong quá trình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nâng cao sự đóng góp của khoa học và công nghệ đối với tăng NSLĐ.

Ảnh minh hoạ

Tháo gỡ rào cản tài chính đối với doanh nghiệp

Thiếu vốn là vấn đề thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp, dẫn đến không có khả năng nhập công nghệ hiện đại và đổi mới thiết bị cũng như đầu tư lớn để cải tiến công nghệ và áp dụng công nghệ số. Vì vậy, cần có những giải pháp để hoàn thiện hệ thống tài chính, thị trường vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn để có thể vay vốn, đầu tư nhập khẩu công nghệ. Cần minh bạch hóa các quy định liên quan đến cấp tín dụng gồm điều kiện, thủ tục và quy trình cấp tín dụng.

Ngoài ra cần thực hiện chính sách lãi suất hợp lý, đồng thời đáp ứng nhiều mục tiêu như đảm bảo lãi suất ưu đãi của các chương trình tín dụng trọng điểm... Mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua việc chấp nhận sử dụng tài sản vô hình và nhãn hiệu thương mại của doanh nghiệp để đảm bảo cho các khoản vay; rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

Chính sách tiền lương, tiền công

Chính sách tiền lương, tiền công là chính sách đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến các cân đối kinh tế vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần tạo động lực nâng cao NSLĐ. So với các quốc gia trong khu vực ASEAN, tiền lương tối thiểu của người lao động ở nước ta tương đối thấp.

Năm 2020, tiền lương tối thiểu của Việt Nam đạt 190 USD/tháng, thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu của các nước Ấn Độ (319 USD); Trung Quốc (1.521 USD), Nhật Bản (1.350 USD), Phi-li-pin (234 USD). Do đó, để tăng lương, tạo động lực đối với người lao động nhằm tăng NSLĐ, Nhà nước cần có chính sách tiền lương cụ thể.

Theo đó, đối với khu vực công, cần thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới bao gồm mức lương cơ bản, các khoản phụ cấp, tiền thưởng. Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới. Thay thế hệ thống bảng lương hiện hành bằng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; chuyển xếp lương cũ sang lương mới bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

Đối với người lao động trong các doanh nghiệp: Tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng, theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động; bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập; chính sách tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Về giáo dục, đào tạo

Theo WB (2019), chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay đạt mức 3,6/10 điểm; tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt trình độ cao đẳng trở lên so với tổng số lực lượng lao động chưa cao, chỉ chiếm khoảng 13%. Vì vậy, Nhà nước cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để có lực lượng lao động cạnh tranh trong tương lai.

Về phương diện đào tạo, cần trang bị các giá trị kỹ năng mà giảng viên và sinh viên thấy đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động; bổ sung các kỹ năng làm việc vào chương trình trung học phổ thông. Bên cạnh đó, cần thống nhất khung trình độ quốc gia và khung trình độ quốc gia bậc cao đẳng.

Đó là củng cố giá trị lộ trình bản lề liên thông giữa các cấp THPT, cao đẳng nghề, cao đẳng và đại học. Sử dụng khung trình độ quốc gia thống nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập suốt đời, cho phép người học linh hoạt để liên tục tham gia vào các khóa học trong quá trình học tập.

Chính phủ ban hành danh mục ngành nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo, mở rộng danh mục ngành nghề sử dụng chứng chỉ nghề kỹ năng quốc gia; thực hiện các quy định về ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp; đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động qua đào tạo nghề. Cần chú ý nâng cao chất lượng đào tạo, tránh tình trạng đào tạo chạy theo số lượng mà ít quan tâm đến chất lượng, đồng thời kế hoạch đào tạo phải gắn với yêu cầu sử dụng người lao động của doanh nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp về cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với vấn đề năng suất lao động tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước