Hà Nội, Thứ Năm Ngày 18/04/2024

Doanh nhân phạm luật: Khi tỷ phú móc ngoặc quan tham (Bài 1)

Sở hữu trí tuệ 16:24 10/05/2021

Những năm gần đây, xuất hiện những nhóm lợi ích, tham nhũng, nơi đó quan chức là những người có địa vị, quyền lực móc nối với doanh nghiệp, doanh nhân ‘sân trước, sân sau’ liên kết với nhau phạm luật!

Nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh những doanh nhân, doanh nghiệp, tập đoàn làm ăn phi pháp sẽ là lỗ hổng gây thất thoát ngân sách Nhà nước và nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế và quốc gia, dân tộc.

Sau 35 năm đổi mới, từ chỗ bị hạn chế phát triển, kinh tế tư nhân (KTTN) Việt Nam đã có những bước tiến lớn, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Một trong những dấu mốc quan trọng là Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” với quan điểm rõ ràng:

Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN lành mạnh và đúng định hướng. KTTN được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Đồng thời, nghị quyết cũng nhấn mạnh khuyến khích KTTN tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc nhà nước thoái vốn. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa KTTN với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thông tin trên Báo điện tử Chính Phủ cho thấy, với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ như nêu trên của Đảng ta, số lượng doanh nghiệp mới đăng ký gia tăng nhanh. Trong giai đoạn 2016 - 2018, trung bình mỗi năm có 122.744 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.221.744 tỷ đồng, tăng 49,3% về số doanh nghiệp và tăng 155,8% về số vốn so với giai đoạn 3 năm trước đó. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 6/2019, tính lũy kế đã có gần 1,3 triệu lượt đăng ký thành lập mới của các doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN. Tuy gặp vô vàn khó khăn do đại dịch COVID-19 song trong tháng 1/2021 vừa qua, đã có hơn 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn hơn 155.000 tỷ đồng.

Sự tăng trưởng nhanh về tổng số vốn của các doanh nghiệp tư nhân cũng chưa bao giờ lớn như hiện nay. Khoảng 546 tỷ USD đã được các doanh nghiệp Việt Nam huy động và đưa vào nền kinh tế chỉ trong vòng 15 năm (2000 - 2015), trung bình 36,4 tỷ USD mỗi năm. Con số này vượt xa số vốn FDI hàng năm đăng ký và thực hiện và nguồn vốn ODA được giải ngân tại Việt Nam trong cùng giai đoạn. Tài sản cố định và đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng tới 114 lần trong giai đoạn 2000 - 2015. Đây là tốc độ tăng trưởng kỷ lục, nhanh hơn rất nhiều so với khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong 5 năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam được thế giới biết đến qua những tên tuổi các tập đoàn tư nhân như: Vingroup, Sun Group, T&T Group, Thaco, Vietjet, TH True Milk, Masan... Với việc Vingroup quyết định đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô đã đưa thương hiệu ô tô Việt Nam (VinFast) vươn tầm quốc tế.

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội 13 của Đảng, nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được nâng cao. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Trong đó, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng, được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm

Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH cũng chỉ ra những thực tế: “Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp, mức độ sẵn sàng và liên kết khu vực đầu tư nước ngoài hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu”.

Có thể thấy, khu vực KTTN ngày càng có vai trò lớn trong công cuộc phát triển đất nước và đã trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế, đóng góp lớn cho GDP của quốc gia. Nhưng vai trò ấy chưa được phát huy thật sự đầy đủ do còn tồn tại những khó khăn, cản trở từ chính bản thân kinh tế tư nhân và từ bất cập trong công tác quản lý nhà nước rào cản về thể chế với kinh tế tư nhân.

Bên cạnh những thành quả to lớn mà KTTN đem lại trong thời gian qua, có thể thấy, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, làm hạn chế khả năng của các doanh nghiệp trong đổi mới kỹ thuật, công nghệ và nâng cao năng suất lao động. Nếu như tính cả gần 4 triệu hộ kinh doanh, bức tranh về quy mô doanh nghiệp trong nước của Việt Nam còn mất cân đối hơn vì hều hết các hộ kinh doanh đều có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Mặc dù các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong tạo sinh kế và việc làm cho hàng triệu người trên cả nước, song các chủ thể này nếu không phát triển hơn về quy mô, cải thiện phương thức sản xuất kinh doanh thì nước ta sẽ khó có thể hiện thực hóa được các tiềm năng, lợi thế để nâng cao năng suất lao động; đồng thời, sức chống chịu với đại dịch COVID-19 cũng vô cùng khó khăn, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm dừng hoạt động, nhất là trong lĩnh vực du lịch, vận tải.

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, vẫn còn có sự phân biệt đối xử giữa KTTN và các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là xác định vai trò của doanh nghiệp Nhà nước và Doanh nghiệp tư nhân.

Cần phải coi kinh tế tư nhân là thành phần chính của nền kinh tế và có chính sách ưu tiên phát triển một cách thực chất hơn nữa và cần phân cho kinh tế tư nhân những nguồn lực tích cực. Đồng thời, giảm đóng góp kinh tế của DNNN, những gì doanh nghiệp tư nhân làm được thì DNNN nên nhường lại để doanh nghiệp tư nhân làm, để các cơ quan bộ, ngành chỉ còn phải tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước. Thậm chí, nhiều lĩnh vực nhà nước đang độc quyền cũng có thể cân nhắc, lựa chọn để doanh nghiệp tư nhân tham gia.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt, phải công bằng, phải xoá bỏ mọi kỳ thị, định kiến với kinh tế tư nhân, phong tặng danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân làm ăn giỏi”. Kỳ vọng của Tổng Bí thư cho ta thấy một khát vọng mãnh liệt của người đứng đấu đất nước cũng như cả hệ thống chính trị.

Mặt trái của sự phát triển chúng ta cũng không thể không thấy hiện nay nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, tập đoàn tư nhân luôn tìm cách lách luật rồi liên kết, móc ngoặc với những nhóm lợi ích để tham ô, tham nhũng với nhau gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.

Những đại án như AVG, Mobifone, Vietinbank, Trần Bắc Hà, BIDV, Nguyễn Đức Chung, Vũ Nhôm, Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng… cho thấy sự móc ngoặc, cấu kết hết sức tinh vi giữa các doanh nghiệp với quan chức có quyền thế, vị trí. Nếu quyền lực không được kiểm soát một cách chặt chẽ sẽ là kẽ hở để cho những lợi ích nhóm đục khoét gây thiệt cho quốc gia, dân tộc.

Nhằm cảnh báo những hoạt động làm ăn phi pháp của các doanh nghiệp, doanh nhân chúng tôi chỉ chọn một góc nhỏ của vấn đề khi khởi đăng tuyến bài “Khi doanh nhân phạm luật” - phân tích ở nhiều góc độ từ thực tiễn cho đến lý luận trong những trường hợp cụ thể để bạn đọc cũng như cơ quan chức năng hiểu thêm về các hoạt động của các doanh nhân, doanh nghiệp hiện nay từ đó có cái nhìn đánh giá khách quan và tổng kết những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để nâng cao nhận thức trong vấn đề quản lý hoạt động doanh nghiệp, doanh nhân hiện nay.

Bài 1: Nỗi đau mất cán bộ và nỗi lo tỷ phú móc ngoặc quan tham

Hàng loạt cán bộ cấp cao của Chính phủ ‘dính tràm’ trong vụ án của AVG khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đảng, Chính phủ không chỉ mất đi cán bộ, lãnh đạo mà nó khiến cho người dân mất niềm tin vào hình ảnh của người cán bộ. Quyết tâm đưa quan tham cùng với doanh nhân – tỷ phú Phạm Nhật Vũ vi phạm pháp luật trong vụ án này xử lý cho thấy Đảng ta không khoan nhượng với tham nhũng, không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng!

Bộ trưởng “ngã ngựa” vì phạm luật

Vụ án AVG diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, Chính phủ đang quyết tâm diệt tham nhũng. Những cán bộ, lãnh đạo ‘mất đi’ trong vụ việc này khiến chúng ta không khỏi ngỡ ngàng đau xót bởi đào tạo được 1 cán bộ cấp trung ương không phải là đơn giản. Ở góc độ khác, nó cho chúng ta thấy cả một hệ thống móc ngoặc, quan hệ chằng chịt giữa doanh nghiệp, doanh nhân, tỷ phú và quan chức cấp cao trong nhóm lợi ích. Chỉ khi có sự chỉ đạo rốt ráo của người đứng đầu trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vụ án mới được xử lý một cách nghiêm minh.

Tỷ phú Phạm Nhật Vũ, người sở hữu Công ty AVG là một doanh nhân được cho là thành đạt về nhiều mặt. Ông cũng là người có không ít mối quan hệ thân hữu với các quan chức cấp cao khác. Là người có tầm ảnh hưởng trong xã hội, để đưa được ông Vũ ra hầu tòa, đứng giữa vòng móng ngựa và khai nhận các hành vi phạm tội của mình trong đại án tham nhũng AVG, các cơ quan chức năng chắc chắn đã trải qua không ít những gian khổ trong việc đấu tranh với tội phạm. Bên cạnh đó, những đồng phạm khác trong vụ án này cũng “không phải dạng vừa”. Họ là những người có chức quyền, địa vị trong xã hội, được chính phủ giao cho những trọng trách, trách nhiệm lớn lao khi đứng đầu bộ ngành quan trọng.

Doanh nhân Phạm Nhật Vũ hầu tòa

Trong đại án này, chúng ta thấy những hành vi phạm pháp mang tính chất nghiêm trọng của Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Sơn, Trương Minh Tuấn và hàng loạt thuộc cấp ở Bộ và các đơn vị thành viên.

Tài liệu điều tra đã xác định hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Bắc Son như sau: Là người chỉ đạo trực tiếp việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư. Nguyễn Bắc Son nhận thức dự án phải thực hiện theo quy định của Luật 67/2014/QH13 và Luật số 69/2014/QH13 về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp và Bộ TTTT không có chức năng thẩm định, đánh giá về giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án.

Nhưng Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo Phạm Đình Trọng thành lập Tổ thẩm định; tổ chức họp với Mobifone và AVG ngày 02/10/2015 để thống nhất giá mua 95% cổ phần AVG là 8.898,3 tỷ đồng theo nguyên trạng (gồm cả 02 khoản đầu tư ngoài ngành).

Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ mới có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án chưa được thẩm định, đánh giá tổng thể về các điều kiện theo quy định tại Điều 21 Luật 69/2014/QH13; Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến về việc sử dụng các kênh tần số đã cấp cho AVG nhưng Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo Trương Minh Tuấn ký Quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone; chỉ đạo Lê Nam Trà ký các Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG ngay trong năm 2015.

Nguyễn Bắc Son chỉ đạo quyết liệt Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng và các bị can khác làm trái quy định của Luật số 67/2014/QH13 và Luật số 69/2014/QH13 về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại tài sản của nhà nước.

Tỷ phú hối lộ quan chức như thế nào?

Theo tài liệu điều tra, Phạm Nhật Vũ với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG là người đại diện cho AVG được ủy quyền của các cổ đông, thực hiện giao dịch bán 95% cổ phần của AVG, Phạm Nhật Vũ biết rõ năng lực tài chính của AVG rất khó khăn, kinh doanh thua lỗ, nợ vay lớn, giá trị tài sản thấp. Nhưng vì mong muốn bán được AVG cho Mobifone với giá cao nên Phạm Nhật Vũ đã đưa ra các thông tin về việc AVG bán cổ phần với đối tác nước ngoài là Công ty 8206 Hồng Kông với 32 giá 700 triệu USD và nhận đặt cọc 10 triệu USD.

Phạm Nhật Vũ đã gọi cho Nguyễn Bắc Son 85 cuộc điện thoại và 206 tin nhắn để trao đổi, liên hệ và đề nghị Nguyễn Bắc Son chỉ đạo cấp dưới sớm thực hiện việc mua bán giữa Mobifone với AVG. Ngoài ra Phạm Nhật Vũ còn gọi điện thoại liên hệ với Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải, những người có vai trò trực tiếp quyết định cho việc mua, bán cổ phần giữa Mobifone và AVG, để hỏi thăm và đề nghị sớm triển khai việc mua bán cổ phần. Với sự quyết liệt, tích cực của Nguyễn Bắc Son và các bị can thuộc Bộ TTTT, Mobifone, Phạm Nhật Vũ đã thống nhất được giá mua, hoàn thành việc ký hợp đồng và nhận được tiền thanh toán từ Mobifone. Trong đó Phạm Nhật Vũ nhận được 5.850.290.690.132 đồng, Phạm Nhật Vũ đã đạt được mục đích và bán 95% cổ phần của AVG cao hơn giá trị thực tế nhiều lần.

Nhiều cán bộ cấp cao nhận hối lộ và bị hầu tòa trong đại án AVG

Tài liệu điều tra xác định: Phạm Nhật Vũ đã đưa tiền cho Nguyễn Bắc Son 01 lần với số tiền 03 triệu USD; Trương Minh Tuấn 01 lần với số tiền 200.000 USD; Lê Nam Trà 02 lần với số tiền 2,5 triệu USD, đưa cho Cao Duy Hải 01 lần với số tiền 500.000 USD. Bị can Phạm Nhật Vũ khai nhận: Việc thỏa thuận bán cổ phần với đối tác nước ngoài là Công ty 8206 Hồng Kông và nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD chỉ là dự kiến, không có tài liệu chứng minh. Do lĩnh vực truyền hình nhạy cảm nên Phạm Nhật Vũ đã ký Văn bản số 571/AVG-CV ngày 15/10/2014 gửi Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ TTTT đề nghị hướng dẫn chào bán cổ phần AVG cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ TTTT không có văn bản trả lời Công văn số 517/AVG-CV nêu trên. Đầu tháng 3/2015, Nguyễn Bảo Long, Phó Tổng giám đốc Mobifone gọi điện cho Phạm Nhật Vũ hỏi việc AVG bán cổ phần, sau khi biết AVG muốn bán nên Mobifone đã cho người sang tìm hiểu, đánh giá hiện trạng AVG.

Đến ngày 20/3/2015, Mobifone và AVG đã ký Bản ghi nhớ mua, bán cổ phần. Sau 5 buổi đàm phán, đến ngày 02/10/2015, Phạm Nhật Vũ đại diện AVG cùng đại diện Mobifone dưới sự chủ trì của Bộ TTTT đã họp, thống nhất mức giá mua 95% cổ phần là 8.898,3 tỷ đồng; bao gồm cả phần vốn góp của AVG tại Công ty cổ phần An Viên B.P và Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh (AVG đầu tư ngoài ngành vào Công ty cổ phần An Viên B.P và Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh nhưng không tính tiền).

Sau khi có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền, Mobifone và AVG đã đàm phán thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng. Đến ngày 25/12/2015, Phạm Nhật Vũ đã ký Thỏa thuận bán cổ phần và từng cổ đông AVG ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho Mobifone. Đến ngày 15/01/2016, Mobifone đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng tương đương 8.445.324.611.000 tỷ đồng cho 08 cổ đông của AVG, trong đó cá nhân Phạm Nhật Vũ được hưởng 5.850.290.690.132 đồng.

Quá trình thực hiện dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG, Phạm Nhật Vũ đã nhiều lần liên hệ điện thoại với Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải để trao đổi công việc, hối thúc thực hiện nhanh việc mua, bán. Sau khi hoàn thành việc bán 95% cổ phần AVG cho Mobifone theo đúng mong muốn và có lợi nên Phạm Nhật Vũ đã đưa cho Nguyễn Bắc Son 03 triệu USD, Trương Minh Tuấn 200.000 33 USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải 500.000 USD, lý do Phạm Nhật Vũ đưa tiền cho 04 cá nhân trên vì họ có vai trò quyết định đối với việc AVG bán cổ phần cho Mobifone và số tiền Phạm Nhật Vũ đưa cho từng người phụ thuộc vào vị trí chức vụ và tính quyết định của từng cá nhân trong quá trình thực hiện việc mua bán cổ phần giữa Mobifone và AVG.

Trong khi đó, bị can Nguyễn Bắc Son khai nhận: Trong quá trình thực hiện dự án, Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG đã nhiều lần liên lạc gọi điện thoại, nhắn tin cho Nguyễn Bắc Son để thúc đẩy nhanh chóng việc mua bán, mong muốn Nguyễn Bắc Son chỉ đạo để AVG sớm bán được cổ phần. Sau khi hoàn thành dự án Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, đáp ứng được mong muốn của Nguyễn Bắc Son và Phạm Nhật Vũ nên Vũ đã đến nhà riêng của Nguyễn Bắc Son tại số 14 ngõ 36 C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và đưa cho Nguyễn Bắc Son số tiền 03 triệu USD.

Nguyễn Bắc Son đã mang 03 triệu USD lên phòng làm việc tại tầng 2 và xếp đầy vào 01 chiếc va li du lịch loại nhỏ màu đen nhãn hiệu Samsonite, xếp đầy 01 ba lô du lịch tối màu; số còn lại cho vào 01 chiếc va li du lịch loại to màu trắng nhãn hiệu Samsonite, sau đó cất ra ngoài ban công được quây kín bằng khung nhôm kính.

Hành vi đưa hối lộ của Phạm Nhật Vũ cho các quan chức cấp cao ở Bộ Thông tin và truyền thông được cơ quan điều tra phanh phui đã cho thấy những đường dây móc nối tham nhũng có mối liên hệ mật thiết với nhau trong vụ việc. Hàng nghìn tỷ đồng Nhà nước bị thiệt hại trong vụ án. Những lợi ích nhóm trong đại án được phơi bày một cách công khai ở các phiên tòa xét xử. Bản án thích đáng mà cơ quan pháp luật dành cho các bị cáo trong vụ việc này đã cho thấy được quyết tâm của người đứng đầu đất nước trong cuộc chiến với tham nhũng.

Như quyết tâm của Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng: Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn vì là ta đánh vào ta. Ai dám nhận kỷ luật, chỉ kiểm điểm nghiêm túc rồi thôi. Thực tế cuộc sống là thế nên chống tham nhũng chưa được như mong muốn. Ta phải kiên quyết, kiên trì, làm đi làm lại như đánh răng rửa mặt hàng ngày, bình tĩnh và thông cảm với cái chung!

Với nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” thì cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng sẽ còn tiếp tục thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới. Bài học về vị tỷ phú Phạm Nhật Vũ đứng trước vành móng ngựa và cúi đầu nhận tội có lẽ là hình ảnh đáng để cho các doanh nhân, tập đoàn nhìn vào noi gương bởi chung quy lại, dù có quan hệ khủng đến cỡ nào, móc ngoặc chằng chịt với các đám quan tham đến đâu đi chăng nữa thì cũng có sơ hở. Những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp đều bị pháp luật trừng trị một cách thích đáng dù cho họ có quan hệ, quyền lực chằng chịt đến chừng nào.

Ám ảnh về những tờ đô la trong phi vụ hối lộ quan chức của vị tỷ phú Phạm Nhật Vũ sẽ chẳng thể nào phai mờ nếu như các doanh nhân Việt nhìn vào đó như một bài học kinh nghiệm để tự rút ra cho bản thân khi xác định đúng vị trí, vai trò của doanh nghiệp mình trong cuộc chơi đầy biến động, giữa vòng xoáy của cơ chế thị trường. Chỉ một khi các doanh nhân, tập đoàn tự xác định được cho mình phải tuân thủ đúng pháp luật thì mới tồn tại được một cách bền vững và ngược lại, nếu doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chụp giật, lấy tư tưởng quan hệ, lợi nhóm để thao túng nền kinh tế thì trước sau gì họ cũng đi theo những vết xe đổ của các vị tỷ phú đang ngồi đếm lịch trong nhà giam. (Còn tiếp)

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/doanh-nhan-pham-luat-khi-ty-phu-moc-ngoac-quan-tham-bai-1-d97657.html

Bạn đang đọc bài viết Doanh nhân phạm luật: Khi tỷ phú móc ngoặc quan tham (Bài 1) tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước