Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

7 tháng đầu năm, doanh nghiệp gia nhập và tái giá nhập thị trường đạt mốc mới

VIETQ 20:43 30/07/2022

Trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mốc mới là 133,7. Con số này vượt xa số 105,425 doanh nghiệp của cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới là 89.407 doanh nghiệp, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức cao nhất trong giai đoạn 7 tháng đầu năm từ trước đến nay. Trong đó, doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu vẫn thuộc nhóm ngành dịch vụ với 65.700 doanh nghiệp, chiếm 73,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có 22.468 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 25,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm nhẹ với 1.239 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 1,4% tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường. Tổng số vốn doanh nghiệp đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 là 3.335.810 tỷ đồng (tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2021).

7 tháng đầu năm, doanh nghiệp gia nhập và tái giá nhập thị trường đạt mốc mới.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động từ đầu năm đến nay là 44.301 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong các năm 2017; 2018; 2019; 2020 và 2021 lần lượt là 26.448; 34.010; 39.421; 44.096 và 43.116.

Trong 7 tháng đầu năm 2022 có 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phần lớn là doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (56.014 doanh nghiệp, chiếm 59,2% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm 2022).

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm 2022 là 56.014 doanh nghiệp, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2021. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm 2022 có thời gian hoạt động ngắn (từ 0 - 5 năm) với 27.516 doanh nghiệp (chiếm 49,1%), tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 50.260 doanh nghiệp (chiếm 89,7%, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2021).

Trao đổi với báo chí, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội cho biết, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các hoạt động đều đã được mở lại, nền kinh tế Việt Nam với độ mở rộng hơn, rất nhiều nhà đầu tư tìm đến thị trường Việt Nam. Việt Nam đã thúc đẩy thị trường nội địa để tăng sức mua trong dân; tổ chức lại các điểm bán, đặc biệt ở các trung tâm bán lẻ, siêu thị, chợ đầu mối để người dân, người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm hàng hóa dịch vụ thuận lợi nhất.

“Trong 2 năm COVID-19 là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh kinh tế số, áp dụng công nghệ truyền thông trong việc đưa ra rất nhiều giải pháp tối ưu nhất để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng cũng như người dân, người tiêu dùng được tiếp cận các nền tảng kinh tế số”, ông Mạc Quốc Anh cho biết thêm.

Theo ông Mạc Quốc Anh, để đẩy mạnh liên kết hợp tác với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi lớn và mạnh mẽ từ quy trình, nhân sự, minh bạch về tài chính, công tác thị trường phải lớn hơn, rộng hơn. Đồng thời, việc hợp tác với doanh nghiệp FDI sẽ nâng tầm doanh nghiệp Việt khi chúng ta tiếp cận được công nghệ lõi, quy trình quản trị thương mại quốc tế của các doanh nghiệp FDI, khi chúng ta muốn mở rộng thị trường ra quốc tế.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp hiện vẫn còn gặp khó khăn về nguồn vốn. Hiện nay, các thủ tục tiếp cận nguồn vốn đã được đơn giản hóa về hồ sơ, thủ tục nhưng để tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý thì hiện nay còn khó. Mặt khác, ở góc độ thị trường, thị trường nội địa đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ nhà đầu tư nước ngoài. Họ có tiềm lực tài chính, quản trị, khả năng về thương mại quốc tế cao.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, ngoài việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo kiểm soát tốt dịch bệnh với các phương án ứng phó linh hoạt; chú trọng kiểm soát đà tăng giá… nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Với phương châm hành động năm 2022 mà Chính phủ xác định là “Phục hồi hiệu quả, phát triển bền vững”, động lực phục hồi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trước hết đến từ sự thành công của chiến lược tiêm phủ vaccine Covid-19 trên cả nước, tạo tiền đề cho sự nới lỏng và dỡ bỏ các giãn cách xã hội diện rộng kéo dài, giúp các hoạt động kinh tế trở về trạng thái bình thường trong bối cảnh mới.

Động lực tăng trưởng kinh tế 2022 còn tiếp tục gia tăng từ sự thúc đẩy quá trình tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực kinh tế và quản lý nhà nước đối với xã hội. Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới về hạ tầng số, dữ liệu, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số báo chí...

Link gốc : https://vietq.vn/7-thang-dau-nam-doanh-nghiep-gia-nhap-va-tai-gia-nhap-thi-truong-dat-moc-moi-d202599.html

Bạn đang đọc bài viết 7 tháng đầu năm, doanh nghiệp gia nhập và tái giá nhập thị trường đạt mốc mới tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước