Theo đó, Chỉ thị số 22/CT-UBND của UBND TP Hà Nội, việc người dân di chuyển ra - vào thành phố vẫn được áp dụng như trước; 22 chốt ở cửa ngõ thủ đô vẫn kiểm soát người ra vào theo tinh thần của Chỉ thị 16. Theo đó, mỗi người cần 3 loại giấy tờ: Giấy xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 trong vòng 3 ngày, Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân và giấy đi đường do cơ quan/đơn vị cấp.
Người dân ở địa phương khác di chuyển vào thành phố làm việc, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động, cần có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo mẫu.
Đối với các cán bộ, nhân viên, người lao động có địa chỉ thường trú tại Hà Nội làm việc, lao động muốn ra khỏi Hà Nội để đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố khác cần có giấy xác nhận là cán bộ, công nhân, người lao động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố đó và giấy xác nhận của chính quyền nơi cư trú theo mẫu.
Quy định cũng nêu rõ những trường hợp ra vào thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch bệnh, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia, để có thể di chuyển, người dân thuộc các trường hợp này phải có các loại giấy tờ chứng minh việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Trả lời báo Dân Trí, Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: Ngày 29/7, UBND Tp.Hà Nội đã có công văn về việc thống nhất mẫu giấy tờ sử dụng cho một số đối tượng đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội, để tạo điều kiện cho người dân các tỉnh, thành phố khác di chuyển ra khỏi Hà Nội khi kết thúc thời gian điều trị tại các bệnh viện. Ngoài ra, cũng để kiểm soát việc di chuyển của lực lượng công vụ, y tế, công nhân, lao động hiện đang sinh sống tại khu vực ven đô, rút ngắn thời gian khai báo để di chuyển vào Thành phố.
Mẫu Giấy đi đường để ra/vào thành phố theo quy định của UBND TP Hà Nội như sau:
Trước đó, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an Tp.Hà Nội trả lời với báo chí rằng trong quá trình triển khai các chốt kiểm soát ra vào Thành phố từ ngày 24/7 đến nay, Công an thành phố đánh giá, các chốt kiểm soát cơ bản đã ngăn chặn sự xâm lấn dịch bệnh vào Thành phố, kiểm soát được phương tiện ra vào. Do đó, giai đoạn tiếp theo cần duy trì các chốt kiểm soát để bảo vệ thành quả chống dịch. Việc đặt chốt trên nguyên tắc kiểm soát cả chiều vào và chiều ra Hà Nội, kiểm soát chặt người từ vùng có dịch, vùng nguy cơ vào Thành phố.
"Quan điểm là không cấm người từ tỉnh ngoài vào Hà Nội mà vào phải đáp ứng đủ các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định", Đại tá Trần Ngọc Dương cho hay.
Trong thời gian tiếp theo, Công an Thành phố tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT, phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT để triển khai việc quét mã QR Code tại các chốt kiểm soát. Trong việc kiểm soát người vào Thành phố chú trọng khai báo y tế, xét nghiệm và các yếu tố dịch tễ.
Đại tá cũng lưu ý rằng những ai muốn ra khỏi Hà Nội phải lưu ý là nơi họ muốn đến có tiếp nhận người từ Hà Nội không, vì thủ đô vẫn là nơi có nguy cơ dịch tễ.
Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại thì Hà Nội vẫn chưa có quy định bắt buộc người muốn vào thành phố phải tiêm vaccine phòng COVID-19.
Hà Nội: Nơi gỡ bỏ, nơi vẫn duy trì rào chắn vùng xanh
Mặc dù Chỉ thị số 22 ban hành hôm 21/9, thành phố đã bỏ quy định phân vùng nhưng tình trạng đặt biển “vùng xanh” và rào chắn đường, ngõ vẫn diễn ra ở khắp nơi.
Theo phản ánh của báo chí, các ngõ, ngách nhỏ, nhiều tuyến phố cũng vẫn bị chặn và rào kín nhếch nhác khiến việc di chuyển của người dân gặp vô số khó khăn.
Tuy nhiên, đáng chú ý câu trả lời của mỗi quận trong thành phố lại trái ngược nhau về vấn đề duy trì các "chiến lũy" này.
Cụ thể, theo báo An ninh Thủ đô thì khi được hỏi Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, UBND quận đã chỉ đạo tất cả các phường tháo dỡ các chốt cứng theo đúng chỉ đạo của thành phố và yêu cầu đến trưa 21/9, việc tháo dỡ phải hoàn thành.
Trong khi đó, đại diện UBND quận Đống Đa giải thích: “Vùng xanh an toàn ở đây không phải là thực hiện quy định phân vùng của thành phố. Đó là các điểm chốt, tổ tự quản của người dân để duy trì an toàn phòng dịch. Việc này cũng là thực hiện quy định tại Chỉ thị 22 của thành phố ban hành hôm qua. Đó là quy định “Tiếp tục duy trì các chốt tự quản tại các khu dân cư, tổ dân phố; kiểm soát chặt di biến động của người dân”. Đồng quan điểm là quận Thanh Xuân.