Theo các số liệu gần đây được công bố dựa trên khảo sát điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành của Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cho thấy, thuốc lá điện tử đang chiếm 90% thuốc lá thế hệ mới nhập lậu vì nhu cầu của người tiêu dùng, trong khi thuốc lá làm nóng chỉ chiếm khoảng 10%. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng tới 18 lần. Trong khi đó, lực lượng chức năng vất vả theo dõi mới bắt giữ được các lô hàng bất hợp pháp này. Tuy nhiên, vì thiếu cơ sở pháp lý nên chỉ có thể xử lý đây là loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, do đó không đủ sức răn đe người vi phạm khiến cho tình hình ngày càng diễn biến phức tạp.
Thực tế đang tồn tại nhiều loại thuốc lá mới xâm nhập thị trường, trong đó phổ biến là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Về mặt cấu tạo kỹ thuật, thành phần thì hai sản phẩm này khác nhau, nhưng cùng có cơ chế hoạt động là làm nóng bằng thiết bị điện tử, thay vì đốt cháy trực tiếp như thuốc lá điếu. Điểm khác biệt lớn nhất của hai sản phẩm này là nguyên liệu. Thuốc lá điện tử sử dụng dung dịch chứa nicotine, trong khi thuốc lá làm nóng sử dụng nguyên liệu thuốc lá.
Ở Việt Nam đã ghi nhận một số ca ngộ độc thuốc lá mới được báo cáo là liên quan đến thuốc lá điện tử. Theo PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn - Giảng viên cao cấp bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội, với loại thuốc lá này, người bán hoặc người dùng có thể tháo lắp để đưa các chất khác vào. Đó có thể là chất cấm, chất hướng thần hoặc các thành phần không rõ nguồn gốc.
WHO đã khuyến cáo cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, khuyến nghị các hướng quản lý riêng biệt. Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hầu như ngày nào Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận các ca ngộ độc thuốc lá điện tử. Trong đó rất nhiều trường hợp học sinh, thanh thiếu niên cấp cứu do ngộ độc cần sa, ma túy trộn trong dung dịch của sản phẩm này, với biểu hiện co giật, ảo giác, loạn thần, hôn mê, tổn thương não và nhiều cơ quan khác, để lại di chứng nặng nề với sức khỏe.
Do đó, theo PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn, hệ lụy của việc chưa phân định rõ các loại sản phẩm thuốc lá mới là rất lớn: Điều Việt Nam quan ngại nhất là mọi người chưa phân biệt các loại thuốc lá mới. Chiến lược quốc gia về kiểm soát thuốc lá đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 quy định chung là ‘ngăn ngừa việc sử dụng các loại thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử; chưa tách thuốc lá làm nóng riêng để quản lý như một sản phẩm thuốc lá (sản phẩm có sử dụng nguyên liệu từ thuốc lá).
Để tăng cường năng lực quản lý cho cơ quan chức năng các nước, WHO đã phân biệt rõ sự khác nhau giữa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, khuyến nghị các hướng quản lý riêng biệt. Theo ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp Tiêu dùng Thực phẩm, Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương nhận định: "Hiện nay truyền thông đang có sự nhầm lẫn giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, chưa phân biệt rõ với nhau và hay đánh đồng rằng cả hai sản phẩm thuốc lá mới này đều là thuốc lá điện tử”.
Truyền thông đang có sự nhầm lẫn về đối tượng gây ra các vụ ngộ độc vì thuốc lá mới gần đây. Các chuyên gia xác nhận cho đến nay chưa có số liệu đề cập đến nguy cơ gây ngộ độc của thuốc lá làm nóng. Do vậy, ông Cao Trọng Quý khuyến nghị cần phân biệt rõ sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng để có hướng quản lý phù hợp.
Vậy thuốc lá thế hệ mới nào là sản phẩm thuốc lá?
Công bố vào năm 2020, WHO cũng đã nêu rõ trong tài liệu phát hành dành cho công chúng: "Sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đều có chứa nicotine, nhưng khác nhau ở thành phần. Thuốc lá làm nóng có nguyên liệu thuốc lá trong điếu thuốc lá ngắn đặc chế. Thuốc lá điện tử thì có thành phần là dung dịch tinh dầu với khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây cháy nổ, và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa…”
Vì vậy, theo các chuyên gia, việc đánh đồng các sản phẩm thuốc lá mới là như nhau sẽ làm chậm tiến trình quản lý, đặc biệt đối với những sản phẩm đã phù hợp với định nghĩa và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, Chống Tác hại Thuốc lá hiện hành.
Liên quan đến cơ sở pháp lý, Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng chúng ta chỉ mới tiếp cận theo hướng bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề thị trường.
Trong khi đó, Luật Phòng, Chống Tác hại Thuốc lá đã có quy định rõ vùng ảnh hưởng, phạm vi, đối tượng bị cấm tiếp xúc với mọi loại thuốc lá, cũng như đã giải thích rõ định nghĩa về sản phẩm thuốc lá thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.