Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

NHNN yêu cầu đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14

.nguoiduatin 06:25 01/09/2022

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42, NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 5962/NHNN-TTGSNH yêu cầu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục triển khai và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.

Theo nội dung văn bản, ngày 16/6/2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 thống nhất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết số 42) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết, NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC thực hiện một số nội dung:

Tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xử lý nợ xấu theo Nghi quyết số 42 đã được phân công tại Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 và các văn bản chỉ đạo của NHNN có liên quan đến việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 42 trong thời gian Nghị quyết được kéo dài.

Cùng với đó, tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Chính quyền địa phương, cơ quan công an, Thi hành án dân sự, cơ quan thuế, Tòa án các cấp và các cơ quan liên quan để thực thi có hiệu quả các chính sách tại Nghị quyết số 42, đặc biệt là các chính sách về thu giữ tài sản đảm bảo (Điều 7), áp dụng thủ tục rút gọn trong tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án (Điều 8), thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 12, Điều 15), các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (Điều 9, Điều 15).

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về xử lý nợ theo Nghị quyết số 42 trong nội bộ và đến khách hàng hiện đang có nợ xấu tại TCTD để khách hàng hiểu rõ quyền của TCTD trong việc xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm và trách nhiệm trả nợ của khách hàng.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và VAMC tăng cường phối hợp trong việc triển khai các hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu đối với các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt và mua theo giá thị trường nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42.

Mặt khác, tiếp tục nghiên túc thực hiện chế độ báo cáo về nợ xấu theo Nghị quyết số 42, kết quả xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42… Kịp thời báo cáo NHNN và các đơn vị có liên quan các khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý liên quan đến triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 trong thời gian Nghị quyết được kéo dài.

Cùng này, Thống đốc NHNN có văn bản số 5961/NHNN-TTGSNH yêu cầu các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết.

Theo thống kê của NHNN, đến cuối tháng 3/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 170 nghìn tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2021; tổng tài sản đạt 6.719,44 nghìn tỷ đồng, tăng 5,17% so với cuối năm 2021; vốn huy động thị trường 1 đạt 5.625,25 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với cuối năm 2021.

Tính đến cuối tháng 3/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 400,23 nghìn tỷ đồng, tăng 1,69% so với cuối năm 2021; tổng tài sản đạt 7.372,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,08% so với cuối năm 2021; vốn huy động thị trường 1 đạt 215.396,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so với cuối năm 2021.

Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, trong quá trình triển khai cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, các TCTD đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro. Từ năm 2021 đến nay, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 216,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong 4 tháng đầu 2022, tổng số dư nợ xấu được xử lý đạt 54,8 nghìn tỷ đồng, phần lớn là khách hàng trả nợ (23,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,0% tổng nợ xấu được xử lý); sử dụng dự phòng rủi ro (14,2 nghìn tỷ đồng, 25,9%) và bán nợ cho VAMC (11,4 nghìn tỷ đồng, 20,9%).

Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/12/2021, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (trung bình giai đoạn 2012 - 2017, hệ thống các TCTD xử lý được khoảng 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng); xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 148 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,9% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý (trung bình giai đoạn 2012-2017 chỉ khoảng 22,8%). Trong đó, riêng năm 2021, đã xử lý được 48,3 nghìn tỷ đồng.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/nhnn-yeu-cau-day-manh-xu-ly-no-xau-theo-nghi-quyet-42-2017-qh14-a567389.html

Bạn đang đọc bài viết NHNN yêu cầu đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành