Hà Nội, Thứ Năm Ngày 18/04/2024

ĐBQH đề nghị chất vấn 29 nhóm vấn đề đến Thủ tướng và 14 Bộ trưởng

NGƯỜI ĐƯA TIN 10:19 21/05/2022

Ông Bùi Văn Cường cho biết, đến 23/5 mới nhận đủ đề nghị của các ĐBQH cùng với việc xem xét báo cáo liên quan, từ đó UBTVQH mới có quyết định về các vấn đề chất vấn.

Chiều 20/5, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV. Kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 23/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 17/6/2022.

29 nhóm vấn đề chất vấn đã được ghi nhận

Tại cuộc họp, ông Cường cho biết, hiện đã nhận được 18 văn bản của các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị chất vấn 29 nhóm vấn đề đến Thủ tướng, 14 Bộ trưởng, trưởng ngành và Chánh án Toà án Nhân dân tối cao.

Theo ông Cường, hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ ba tiếp tục tiến hành trong thời lượng 2,5 ngày. Trong đó có chất vấn Thủ tướng Chính phủ, nhưng theo thông lệ tại kỳ họp đầu năm, Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời.

Ông Cường cũng nói rõ, theo quy định, đến ngày 23/5, mới nhận đủ đề nghị của các đoàn Đại biểu Quốc hội, trên cơ sở đó cộng với việc xem xét báo cáo kinh tế xã hội, báo cáo của Mặt trận Tổ quốc và các vấn đề liên quan sẽ xin ý kiến đại biểu, các cơ quan Quốc hội, sau đó tổng hợp xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội rồi mới quyết định vấn đề chất vấn.

Tại cuộc họp, báo chí cũng đặt câu hỏi về việc các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội có rất nhiều yêu cầu về làm rõ bức tranh nợ xấu, trong đó có nợ xấu trái phiếu, nợ xấu chứng khoán, bất động sản, những bất ổn của thị trường vốn cũng như thị trường tiền tệ tác động đến nền kinh tế.

Tiêu điểm - ĐBQH đề nghị chất vấn 29 nhóm vấn đề đến Thủ tướng và 14 Bộ trưởng

Ông Phan Đức Hiếu – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Trả lời nội dung này, ông Phan Đức Hiếu – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, cuộc họp lần này, Quốc hội sẽ thảo luận về báo cáo đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tình hình ngân sách Nhà nước năm 2021.

Chính phủ đã có báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để thảo luận, Uỷ ban Kinh tế cũng đã tổ chức phiên họp thẩm tra.

Trong kết quả các phiên họp thẩm tra thì đã có yêu cầu Chính phủ bổ sung, đánh giá thêm các nội dung, với mục tiêu là làm sao báo cáo của Chính phủ khi trình Quốc hội phải đảm bảo, đưa ra đánh giá một cách chính xác nhất, toàn diện nhất bức tranh về tình hình kinh tế-xã hội.

“Sự phối hợp giữa các cơ quan Quốc hội và Chính phủ sẽ không dừng lại ở mỗi báo cáo thẩm tra, mà quá trình này sẽ diễn ra một cách thường xuyên, liên tục hơn”, ông Hiếu nói và cho biết, trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội sẽ tích cực thảo luận các nội dung về tình hình kinh tế, để đưa ra đánh giá và giải pháp trúng đích nhất.

Chưa xem xét tách Luật Giao thông đường bộ

Liên quan đến 3 dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (tách từ Luật Giao thông đường bộ) và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ đã đưa 3 dự án này vào chương trình và cho ý kiến.

Sau khi Quốc hội thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu thăm dò ý kiến, xin ý kiến đại biểu có tách Luật Giao thông đường bộ hay không.

"Quốc hội chưa quyết mà đây mới chỉ thăm dò, thì đa số đề nghị không tách luật. Trên cơ sở kết quả thăm dò ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản thông báo ý kiến đối với 3 dự án luật này, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội", ông Giang nói.

Tiêu điểm - ĐBQH đề nghị chất vấn 29 nhóm vấn đề đến Thủ tướng và 14 Bộ trưởng (Hình 2).

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thông tin tại cuộc họp báo.

Ông Giang cũng nói rằng, sau kỳ họp thứ 10, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo là Bộ Công an, Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu tại kỳ họp thứ 10 để tiếp tục hoàn thiện, báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội.

Trong Nghị quyết của Chính phủ có nêu vấn đề rất quan trọng là báo cáo Bộ Chính trị trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội.

Nhưng khi Chính phủ trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì văn bản này chưa thực hiện đúng nghị quyết của Chính phủ. Tổng Thư ký Quốc hội đã thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đề nghị Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị trước khi báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội.

“Ba dự án này đã được trình Quốc hội và đã thăm dò xin ý kiến đại biểu. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nếu trình để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì Ủy ban sẽ báo cáo Quốc hội để Quốc hội quyết định. Do đó đến nay, trong kỳ họp thứ 3 chưa có ba dự án này”, ông Giang cho hay

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/dbqh-de-nghi-chat-van-29-nhom-van-de-den-thu-tuong-va-14-bo-truong-a553721.html

Bạn đang đọc bài viết ĐBQH đề nghị chất vấn 29 nhóm vấn đề đến Thủ tướng và 14 Bộ trưởng tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành