Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Hành vi người tiêu dùng Việt thay đổi thời dịch bệnh

DTVN 11:40 23/02/2020

Nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn mua sắm trên các nền tảng trực tuyến, thay vì tới các cửa hàng, siêu thị để tránh chỗ đông người.

Hành vi người tiêu dùng cũng thay đổi trong thời gian dịch bệnh Covid- 19 bùng phát cũng như giai đoạn sau khi dịch đi qua. Cụ thể, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn mua sắm trên các nền tảng trực tuyến, thay vì tới các cửa hàng, siêu thị để tránh chỗ đông người. Hay ý thức về sức khỏe người dùng gia tăng nhu cầu với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cũng như thực phẩm lành mạnh, giúp tăng khả năng miễn dịch...

Xu hướng mua sắm thay đổi nhanh

Theo ông Jason Yu- Giám đốc điều hành Worldpanel Division- Kantar China, tác động của đại dịch virus Covid- 19 đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) sẽ có một vài điểm tương đồng với đại dịch SARS năm 2003 và những hay đổi tương tự cũng có thể xảy ra với Việt Nam.

Các trung tâm thương mại thưa vắng khách vì lo ngại dịch bệnh.

Cụ thể sự lây lan của dịch bệnh trở thành một vấn đề khẩn cấp mang tính toàn cầu. Trong ngắn hạn, ý thức về sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam do đó sẽ tăng lên đáng kể. Để giữ an toàn và bảo vệ bản thân, người tiêu dùng sẽ có xu hướng hạn chế bớt các hoạt động hàng ngày có mức độ tương tác nhiều với đám đông. Tần suất đi mua sắm sẽ có thể giảm và thay vào đó lượng hàng tăng lên cho mỗi lần mua hàng. Chi tiêu cho ăn uống (F&B) và các hoạt động tiêu dùng khác bên ngoài nhà có xu hướng bị cắt giảm trong giai đoạn bùng phát dịch do người dân hạn chế ra đường hay đến các khu vui chơi, mua sắm, giải trí- ông Jason Yu phân tích.

Dù vậy, việc tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh tại nhà dự kiến vẫn sẽ duy trì tăng trưởng và bị ảnh hưởng ít hơn so với tiêu dùng bên ngoài. Chất tẩy rửa gia dụng và vệ sinh cá nhân được tiêu thụ nhiều hơn do tăng nhu cầu tự bảo vệ bản thân, bao gồm nước rửa tay, nước rửa tay khô diệt khuẩn, khăn giấy ướt; và có thể kéo theo sự gia tăng của kem dưỡng da tay do người tiêu dùng rửa tay thường xuyên hơn dẫn đến việc làm khô da. Các loại thực phẩm lành mạnh như trái cây, nước ép trái cây, rau củ giúp tăng khả năng miễn dịch sẽ có chiều hướng tăng.

Về mặt bằng bán lẻ, trong giai đoạn này, các địa điểm quy mô nhỏ, sạch sẽ và gần hơn như cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi sẽ được ưu tiên hơn so với chợ truyền thống hoặc siêu thị/đại siêu thị. Ngoài ra, sự bùng phát của dịch cũng đang làm tăng đáng kể số lượng giao dịch mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng tận nơi.

Ứng phó để thích ứng

Theo đánh giá của Kantar, trong năm 2020 thị phần thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ tăng lên do tính tiện lợi và việc ít tương tác trực tiếp khi mua hàng, mô hình mua sắm từ trực tuyến đến ngoại tuyến (OTO) và mua sắm thương mại điện tử phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Việt trong thời gian này.

Từ việc mua sắm truyền thống ở một hoặc hai kênh chính, người mua hàng dần chuyển sang mua sắm đa kênh, tích hợp nhiều kênh, củng cố xu hướng bán lẻ đa kênh ngày càng tăng lên trong lĩnh vực bán lẻ và thị trường hàng tiêu dùng nhanh trong thời gian tới.

Một thực tế là thời gian gần đây, nhiều trung tâm thương mại cũng như các cửa hàng ăn uống, càphê, thời trang, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng.. đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, website.

Ghi nhận tại một số nhà bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy trong khoảng 3 tuần vừa qua, doanh số kênh bán hàng trực tuyến có dấu hiệu tăng trưởng mạnh, trong khi đó kênh bán hàng hiện đại, chợ truyền thống có phần chững lại thậm chí giảm sút mạnh. Tại kênh mua sắm HTVCo.op đã kết nối hàng ngàn thương hiệu Việt chất lượng, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Ngoài những chương trình ưu đãi, giảm giá hàng hóa, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động phòng chống dịch bệnh. Hay tại bachhoaxanh.com, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua những sản phẩm chăm sóc cá nhân như sữa tắm bảo vệ khỏi vi khuẩn, khăn giấy, nước tẩy giặt... với giá ưu đãi lên đến 40%.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga- Đại diện một chuỗi cửa hàng bánh mì Việt cho biết mặc dù lượng khách đến cửa hàng giảm đáng kể nhưng lượng khách mua online, đặt hàng qua điện thoại có xu hướng tăng mạnh. Để tăng lượng khách hàng mua sắm thời bệnh dịch cửa hàng hỗ trợ vận chuyển miễn phí khi khách đặt hàng.

Nhiều chủ cửa hàng thòi trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng... cũng đã nhanh chóng đăng ký mặt hàng của mình trên các trang bán hàng online như Tiki, Shopee, Lazada để dễ tiếp cận người mua. Chị Nguyễn Thị Liên- Chủ cửa hàng thời trang ở Chợ Bến Thành cho hay doanh thu ở chợ trong những ngày qua giảm mạnh thậm chí có ngày không có doanh thu vì thế chị đã quyết định hỗ trợ người tiêu dùng mua hàng online bằng các hình thức khuyến mãi từ 20- 50% trong suốt tháng 2, ngoài ra còn có cả miễn phí vận chuyển vì thế lượng khách hàng đặt mua online tăng lên rất nhanh.

Theo Thanh Thanh/Báo Công Thương Điện Tử

Link gốc : https://congthuong.vn/hanh-vi-nguoi-tieu-dung-viet-thay-doi-thoi-dich-benh-132997.html

Bạn đang đọc bài viết Hành vi người tiêu dùng Việt thay đổi thời dịch bệnh tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự