Chiều 23/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội tổ chức phiên họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung. Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến 14h ngày 23/3, thành phố có 39 trường hợp mắc Covid-19, chưa có trường hợp nào tử vong.
Trong đó, phân theo địa bàn, tại Ba Đình có 8 trường hợp, Hoàn Kiếm 2 trường hợp, Long Biên 2 trường hợp, Cầu Giấy 1 trường hợp, Hai Bà Trưng 2 trường hợp, Thanh Xuân 1 trường hợp, Hà Đông 1 trường hợp và 18 trường hợp là người dân Hà Nội về từ các nước được phát hiện qua sàng lọc tại sân bay Nội Bài và khu cách ly tập trung. Ngoài ra, có trường hợp là bác sỹ tại khoa cấp cứu của bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư.
Trong ngày 23/3, Hà Nội ghi nhận thêm 2 ca mới là bệnh nhân số 114 và 116. Lãnh đạo Sở Y tế cho hay, số ca mắc bệnh tại Hà Nội trong những ngày qua, tăng trong xu hướng chung của cả nước, tuy nhiên, các ca mắc chủ yếu là các xâm nhập từ các nước khác về.
Cụ thể: 29 trường hợp đi từ vùng, quốc gia có dịch về. 2 trường hợp là nhân viên y tế BV Bạch Mai. 5 trường hợp lây nhiễm qua tiếp xúc và 1 trường hợp là bác sĩ khoa cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
"Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và trong cơ sở y tế. Thế nên trong thời gian tới nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn, dự báo sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều ca mới và diễn biến phức tạp hơn đòi hỏi công tác phòng chống dịch phải quyết liệt hơn trước", ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu rõ.
Bên cạnh đó, hiện còn 7.301/19.245 người còn phải giám sát, theo dỡi sức khỏe. Có 650 người tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính (F1), trong đó, 129 trường hợp có tiền sử dịch tễ tiếp xúc với khách nước ngoài dương tính.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhấn mạnh: "Hiện có rất nhiều nguồn lây nhiễm trên địa bàn thành phố: Thứ nhất là những khách du lịch đến Hà Nội từ ngày 2/3 đến nay vẫn còn nhiều người chưa kiểm soát hết; nguồn thứ 2 là lây nhiễm chéo trong cộng đồng dân cư, nguồn thứ ba chính là những người thực thi công vụ (làm việc tại cơ quan chức năng khi tiếp xúc với người dân hoặc bệnh nhân".
Hiện thế giới đưa ra thời gian ủ bệnh của dịch COVID-19 là 14 ngày. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh, trên thế giới xuất hiện những bệnh nhân ủ bệnh hơn 20 ngày mới tái phát. Việt Nam cũng ghi nhận trường hợp xét nghiệm đến lần thứ ba, thứ tư mới cho kết quả dương tính. Không ngoại trừ khả năng, thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào thể trạng và tác động bên ngoài của các bệnh nhân.
Vì vậy, các cơ quan chức năng tuyệt đối không để bệnh nhân tự di chuyển đi cách ly, mà phải vận chuyển bằng phương tiện y tế. Các cán bộ tiếp xúc với người bệnh phải đảm bảo an toàn, nếu không sẽ trở thành F1, F2, các đội cơ động trực 24/24/7, có mặt bất cứ lúc nào người dân cần.
Người đứng đầu TP. Hà Nội cũng nhận định, khoảng 10 tuần tới, Hà Nội sẽ trong thời gian đỉnh điểm của dịch bệnh. Vì vậy, từ nay đến ngày 3/4 là thời điểm rất nguy hiểm, là giai đoạn ủ bệnh, Hà Nội quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học đến ngày 5/4, tất cả các trường dạy nghề bắt buộc phải đóng cửa trong thời gian này.
Thêm vào đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng nhấn mạnh, trong thời gian này, TP đã cấm tất cả hoạt động tôn giáo, sinh hoạt đông người, khuyến khích những cửa hàng không cần thiết nên đóng cửa. Đồng thời, đề nghị người dân bình tĩnh, thực hiện tất cả các biện pháp mà Bộ Y tế đã hướng dẫn, hạn chế tối đa sử dụng các phương tiện giao thông công cộng để tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Hiện tại, tất cả bệnh nhân mắc Covid-19 của Hà Nội đang được điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2. Hiện các bệnh viện cùa Hà Nội đang tổ chức cách ly, điều trị cho 370 trường hợp. Trong đó, tiếp xúc gần với ca dương tính từ các quận, huyện chuyển đến (F1) 333 trường hợp; Các trường hợp ca bệnh nghi ngờ (có triệu chứng và có các yếu tố dịch tễ) 37 trường hợp.
Hà Nội đang khẩn trương sửa chữa cơ sờ cũ của Bệnh viện đa khoa Mê Linh để tiếp nhận, điều trị Covid-19 với công suất 200 giường bệnh. Ông Hiền thông tin thêm, Hà Nội đã bố trí thêm 5 khu cách ly tập trung với quy mô 12.100 chỗ ở: Khu Nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) với quy mô 4.000 chỗ; Khu Nhà ờ sinh viên Mỹ Đình II (quận Nam Từ Liêm) với quy mô 4.800 chỗ.
Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (quận Nam Từ Liêm) với quy mô 800 chỗ; Trường Trung cấp nghề số 18 (huyện Thanh Trì) với quy mô 500 chỗ; Khu ký túc xá Trường Đại học FPT (huyện Thạch Thất) với quy mô 2.000 chỗ.
Đến nay, thành phố đã bố trí 15 khu cách ly (9 khu của quân đội, 1 khu của Bệnh viện Công an Thành phố và 5 khu dân sự) với 14.629 chỗ. Trong đó Bệnh viện công an thành phố có 88 chỗ ờ dành cho cách ly, khách sạn Hòa Bình (quận Hoàn Kiếm) có 80 chỗ ở dành cho người nước ngoài.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ