Theo quan điểm của Chính phủ, nội dung về hộ kinh doanh không phải là nội dung mới trong Luật Doanh nghiệp. Ngay trong Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và năm 2014 cũng đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết. Bên cạnh đó, việc quy định hộ kinh doanh trong dự luật cũng sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tách nội dung về hộ kinh doanh để quy định thành luật riêng. Xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh phải được điều chỉnh bằng luật, không thể quy định bằng nghị định. Việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là không phù hợp, vì hộ kinh doanh chưa thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp. Quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) dẫn đến phải mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng. Ngoài ra, số lượng đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn nên cần có thowfi gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất.
Nêu câu hỏi về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nói: Nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thì có làm tăng thêm số lượng doanh nghiệp không? Những hộ kinh doanh có được coi là doanh nghiệp hay không?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, nhưng hoạt động gần giống như doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm tại Phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Nhắc lại quan điểm thống nhất của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường, cũng như quan điểm của Ủy ban Kinh tế, rằng cần thiết phải luật hóa quy định về hộ kinh doanh. Tuy nhiên, quan điểm khác nhau là xây dựng luật riêng hay đưa vào Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp đã có quy định về hộ kinh doanh rồi, giờ chỉ làm rõ và hỗ trợ hộ kinh doanh tốt hơn, tạo thuận lợi hơn và bảo vệ hộ kinh doanh tốt hơn. Vì thế sẽ có lợi cho cả hộ kinh doanh và nền kinh tế.
Trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng vẫn nên để quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, sau này nếu quy định một luật riêng về hộ kinh doanh thì sẽ chuyển nội dung này từ Luật Doanh nghiệp sang. Nếu xây dựng luật mới thì phải bắt đầu quy trình xây dựng luật mất rất nhiều thời gian, kéo dài vài năm nữa.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm thừa nhận hộ kinh doanh tồn tại với các thành phần kinh tế khác và được hướng dẫn riêng bằng một nghị định của Chính phủ cho linh hoạt theo mức độ hoạt động linh hoạt và đa dạng của doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, bản chất hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, nên đưa vào Luật Doanh nghiệp là không đúng. Hiện nay, hộ kinh doanh cũng đang được điều chỉnh bởi một số luật khác. Không đưa 5 triệu hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp cũng không ảnh hưởng gì tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, không gây ách tắc, cản trở gì. Hộ kinh doanh vẫn làm ăn bình thường, vẫn nộp thuế bình thường.
Lấy ví dụ về lĩnh vực đầu tư có Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi, tại sao có tới 5 triệu hộ kinh doanh mà không xây dựng luật riêng để điều chỉnh? “Do đó, tôi đề nghị UBTVQH cho phép tiến hành tổng kết hộ kinh doanh và ban hành một luật riêng, trên cơ sở có báo cáo đánh giá tác động”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, UBTVQH nhất trí cần có luật để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh. Do có 2 luồng ý kiến khác nhau về việc quy định hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp hay tách ra thành luật riêng, nên UBTVQH sẽ trình cả 2 phương án tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo Doanh nghiệp VN