3 thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam
EU là thị trường có mức thu nhập cao, cũng là thị trường có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với những rào cản về kỹ thuật cho sản phẩm nhập khẩu là rất lớn. Do đó, hàng hóa Việt Nam muốn thâm nhập sâu rộng vào thị trường này cần phải chú ý một số vấn đề về quy tắc xuất xứ, các quy định về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường và vấn đề về kỹ thuật. Đây cũng là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Để hàng hóa Việt Nam dễ dàng vào được thị trường EU, bài toán đầu tiên của doanh nghiệp là chất lượng. |
Một là, khó khăn trong thực thi các quy tắc xuất xứ của EVFTA. EVFTA xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99,2% số dòng thuế. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi này, hàng xuất khẩu sang EU cần thoả mãn quy tắc xuất xứ. Đây có thể là cản trở đối với hàng xuất khẩu Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA.
Hai là, khó khăn trong việc tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường từ EVFTA. Hiện phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn khá thờ ơ với vấn đề sở hữu trí tuệ, trong khi đây là yêu cầu hàng đầu của EU đặt ra rất cao mà bất kỳ hàng hóa tham gia vào thị trường này đều phải thực thi. Việt Nam cần đặc biệt chú ý tới những quy tắc về sở hữu trí tuệ trong EVFTA để có thể khai thác được lợi ích từ hiệp định này.
Về sử dụng lao động, những vướng mắc phổ biến liên quan đến việc người lao động làm thêm quá số giờ quy định; quy định về nghỉ tuần, nghỉ lễ; môi trường làm việc, vệ sinh an toàn lao động; quyền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ, quyền được hỗ trợ của lao động nữ nơi làm việc và nuôi con nhỏ... Các vấn đề về sử dụng lao động có thể là một rào cản lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong vấn đề thực hiện các nghĩa vụ về môi trường trong khuôn khổ các ràng buộc và điều chỉnh thương mại. Đồng thời, nguồn lực dành cho hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn chế, ý thức và năng lực của cán bộ quản lý cũng như người dân chưa cao. Thực trạng này đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam do những yêu cầu từ phía EU đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong thực hiện các trách nhiệm về bảo vệ môi trường.
Ba là, rào cản kỹ thuật đối với hàng hoá nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ.
Việc thâm nhập vào thị trường EU vẫn còn khó khăn từ các hàng rào phi thuế quan về kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường EU. Điển hình là mặt hàng nông sản, đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.
Để vượt qua các rào cản, thách thức nêu trên, các chuyên gia phân tích cho rằng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp quy trình sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực của Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải hiểu được EVFTA, các cam kết, cơ cấu lại thị trường, cơ cấu lại đối tác, đổi mới công nghệ, hoàn thiện quy trình sản xuất.
3 giải pháp giúp doanh nghiệp vượt rào cản vào thị trường EU
Để khai thác được cơ hội và vượt qua các rào cản của thị trường đích khi gia nhập EVFTA, các doanh nghiệp tùy vào từng loại hình, sản phẩm có thể áp dụng các giải pháp khác nhau.
Một là, giải pháp tổ chức lại sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa.
Xác định quy mô sản xuất theo từng ngành hàng, cụ thể: Sản xuất lúa hay cây ăn trái cần quy mô lớn, tập trung để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cũng như đảm bảo chất lượng đồng đều; đối với nhóm rau màu, dược liệu, nông sản hữu cơ có thể không cần quy mô lớn.
Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo chuỗi giá trị, từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản phẩm chế biến; từ sản phẩm chế biến đơn giản sang chế biến sâu; từ sản phẩm giá trị gia tăng thấp sang sản phẩm giá trị tăng cao.
Đầu tư đổi mới và nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị; công nghệ sản xuất; quy trình sản xuất; phương thức quản trị doanh nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực.
Áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về môi trường. Phát huy mô hình hợp tác đầu tư để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đều tư và công nghệ của các khách hàng, vừa đảm bảo được đầu ra vừa có thể tiếp cận công nghệ mới.
Tăng cường các mối liên kết giữa các khâu sản xuất – vận chuyển – chế biến – tiêu thụ; giữa các doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối; giữa nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.
Hai là, giải pháp sử dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Để hỗ trợ cho xuất khẩu, Chính phủ đã triển khai nhiều hệ thống giải pháp như: Huy động hệ thống tham tán thương mại, kết nối với các tổ chức chuyên nghiên cứu thị trường ở các nước xuất khẩu tìm hiểu thông tin thị trường tại các nước.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể khai thác các Chương trình hỗ trợ kết nối thị trường, đổi mới công nghệ để giảm chi phí và hạ giá thành như phát triển hạ tầng cơ sở và logistics; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được đất đai, nhất là các dự án đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm, cụm liên hoàn sản xuất – sơ chế - bảo quản – chế biến công nghiệp để giảm tổn thất sau thu hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ sản xuất hiện đại.
Ba là, giải pháp đổi mới công nghệ mềm, chứng nhận tiêu chuẩn tiên tiến.
Để gia tăng chất lượng nông sản và đáp ứng các rào cản kỹ thuật của quốc gia nhập khẩu, các doanh nghiệp, trang trại sản xuất cần phải áp dụng các quy trình tiên tiến vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thông qua việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng hệ thống quản lý sản xuất để có thể tạo ra sản phẩm có chất lượng và an toàn, gia tăng giá trị cho sản phẩm, vượt qua các rào cản phi thuế quan, cũng như đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu và người tiêu dùng.
Việc áp dụng quy trình tiên tiến phải xây dựng hệ thống quản trị sản xuất từ đầu vào cho đến khi ra thành phẩm cuối cùng cho từng đơn vị chuỗi như: trang trại nuôi trồng; sơ chế, chế biến và phân phối đến người tiêu dung. Đồng thời phải kết hợp với kiểm soát quá trình, lấy mẫu phân tích kiểm nghiệm ở mỗi công đoạn để đảm bảo sản phẩm được kiểm soát chất lượng và an toàn nông sản.
Theo Hà Thanh/Vietq