Sáng 6/4, Lãnh đạo Hà Nội cho biết vừa phát hiện 1 ca nhiễm virus corona Vũ Hán ở huyện Mê Linh có thể có thời gian ủ bệnh đến 23 ngày.
Bệnh nhân này 47 tuổi, ở Mê Linh, đi khám ở Khoa miễn dịch dị ứng, bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3. Đến ngày 4/4, CDC Hà Nội lấy mẫu và tối 5/4 có kết quả dương tính. "Như vậy bệnh nhân này ủ bệnh đúng 23 ngày", ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin tại cuộc giao ban trực tuyến công tác quý I/2020 của thành phố vào sáng ngày 6/4.
Bệnh viện Bạch Mai được ghi nhận là ổ dịch trên địa bàn Hà Nội thời gian qua. |
UBND huyện Mê Linh cho hay bệnh nhân này đã được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để điều trị.
Ông Chung nói, nếu ca trên được xác nhận thì các nghiên cứu về thời gian ủ bệnh lâu trên thế giới đang xảy ra thực tế ở Hà Nội. Cụ thể Hàn Quốc có ca ủ bệnh lâu nhất 27 ngày, Mỹ trung bình các ca bệnh là 22,5 ngày và Trung Quốc mới công bố ca ủ bệnh lâu nhất ở Vũ Hán lên đến 29 ngày.
Ngoài trường hợp trên, Chủ tịch Hà Nội cho biết, CDC thành phố cũng mới phát hiện một người dương tính với Covid-19 sau khi bay từ Nga về, hiện được cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học FPT. Bệnh nhân này 35 tuổi ở Hà Tĩnh, nhập cảnh ngày 25/3, xét nghiệm lần đầu âm tính, nhưng lấy mẫu lần hai dương tính.
Lãnh đạo Hà Nội đề nghị các quận, huyện xem xét kéo dài thời gian cách ly "không phải 14 ngày mà 24 ngày". Với những trường hợp đã hết 14 ngày cách ly và trở về gia đình, chủ tịch xã, phường phải yêu cầu họ tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày để tránh dịch lây lan ra cộng đồng.
Theo ông Chung, tính từ ca bệnh đầu tiên trên địa bàn ngày 6/3 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 96 trường hợp dương tính với nCoV, chia làm ba nhóm.
Nhóm thứ nhất, phát hiện qua sàng lọc rà soát ở sân bay, được đưa đi cách ly tập trung ngay nên ít có khả năng lây lan cộng đồng.
Nhóm thứ hai là các ca nhiễm chéo trong bệnh viện và cộng đồng.
Nhóm cuối là các ca nhiễm ở trong bệnh viện Bạch Mai (36 ca).
Ông cho hay, chỉ riêng "bệnh nhân 237" người Thuỵ Điển đã kéo theo hơn 100 người F1, hơn 200 người F2. Hai bệnh nhân 17 và 19 có trên 2.175 người liên quan đến F1 và F2.
"Nếu thành phố mỗi ngày có 100 đến 200 ca bệnh mới thì sẽ không đủ người đi xác minh lịch sử dịch tễ", ông Chung cảnh báo và cho rằng biện pháp ngăn chặn hiệu quả tối ưu và duy nhất là giãn cách xã hội; do vậy lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định cách ly xã hội, ra đường không đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết không thể đánh giá bệnh nhân này là trường hợp có thời gian ủ bệnh lên tới 23 ngày. Hiện tại, chưa xác định chính xác thời gian bệnh nhân lây bệnh.
Theo bác sĩ Khanh, bệnh nhân này có thể chỉ là người lành mang trùng bệnh hoặc có thời gian mang bệnh nhưng không có triệu chứng. Nếu chính xác lây từ BV Bạch Mai thì chỉ xác định xét nghiệm từ ngày 25-26/3. Còn ủ bệnh lên 23 ngày là chưa chính xác. Thời gian đánh giá ủ bệnh chính xác nhất là phải tìm chính xác được nguồn lây.
Bác sĩ Khanh cho biết trước đây khi tâm dịch xảy ra ở Trung Quốc cũng đưa ra tranh cãi có thể ủ bệnh lên 24 ngày nhưng sau đó đã được các khuyến cáo đưa ra là 14 ngày, đúng hai tuần vì có thể cộng đồng có ca mắc nhưng không xác định thời gian tiếp xúc nguồn lây.
Nếu những người mang virus và triệu chứng nhẹ thì vẫn có thể lây cho người xung quanh tiếp xúc gần nếu không có biện pháp phòng hộ chặt chẽ.
Các bệnh do virus gây ra đều có thể có trường hợp người lành mang trùng bệnh. Người lành mang trùng bệnh không có biểu hiện của bệnh nhưng vẫn có thể lây cho người khác - Bác sĩ Khanh chú ý người dân tiếp tục thực hiện biện pháp nâng cao phòng bệnh cá nhân như ngành y tế khuyến cáo.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ