Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Khoản nợ 118 tỷ đồng được đấu giá

Công ty Mua bán nợ Việt Nam thông báo đấu giá khoản nợ trị giá 118 tỷ đồng, được đảm bảo bằng hàng thời trang tồn kho của NEM.

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Thương mại NEM - đơn vị quản lý các cửa hàng thời trang mang thương hiệu NEM. Giá trị khoản nợ là hơn 118 tỷ đồng tính đến ngày 30/6, trong đó, nợ gốc gần 61 tỷ đồng, nợ lãi 57 tỷ đồng. Giá khởi điểm được DATC đưa ra là 43,2 tỷ đồng.

Đây chính là khoản nợ mà cách đây hơn một năm Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) đấu giá nhưng bất thành và được DATC mua lại. Khoản nợ này được được đảm bảo bằng toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển (hàng thời trang) của NEM.

Sa sút bởi mẫu mã sản phẩm không có sự cải tiến

Báo cáo tài chính của công ty CP Thương mại NEM năm 2016 cho thấy, doanh thu bán hàng đạt 219 tỷ đồng, tăng trưởng gấp rưỡi so với năm 2015, tuy nhiên sau trừ đi các khoản mục chi phí hoạt động, công ty này vẫn lỗ 2,7 tỷ đồng. Năm trước đó cũng lỗ gần 2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thời điểm kết thúc năm 2016, tổng nợ phải trả của công ty ở mức 534 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn, gấp gần 10 lần vốn chủ sở hữu (trên 52 tỷ đồng).

Tính đến 31/12/2016, tổng giá trị hàng tồn kho của công ty là gần 62 tỷ đồng. Tài sản dài hạn khác là 296 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản của công ty (587 tỷ đồng).

Tình hình kinh doanh sa sút nói trên của NEM được nhận định là do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.

Về chủ quan, NEM là hãng thời trang thiết kế ra đời khá sớm, vào thời điểm đời sống kinh tế của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện, xu hướng chuộng thời trang thiết kế cao cấp trở nên thịnh hành, lấn át xu hướng sử dụng hàng may mặc đại trà như trước đây.

Mặt khác, do đánh vào tâm lý khách hàng chuộng hàng ngoại và hay mặc theo người nổi tiếng, NEM khá thành công khi sử dụng các công cụ quảng bá truyền hình, phim ảnh, người nổi tiếng để truyền đi thông điệp “thời trang phong cách Pháp” của mình. Có thời điểm, hãng này thuê cả một diễn viên truyền hình nổi tiếng về làm quản lý cho mình.

Thành công đó đã khiến hãng liên tục mở rộng thêm nhiều cửa hàng, chiếm những vị trí đẹp như Hàng Lược, Tràng Tiền, Bà Triệu... và bán được những bộ quần áo, những chiếc váy có giá trị lên tới vài triệu đồng.

Tuy nhiên, việc liên tục cho ra đời số lượng sản phẩm lớn (hơn 500 mẫu/ tháng, ngày nào cũng ra sản phẩm mới) trong khi phong cách ít cải tiến, càng về sau càng có xu hướng già nua, cứng nhắc đã khiến hãng này dần mất khách hàng trước một số đối thủ trong nước ra sau như IVY, Format, Elise,...

Ngoài ra, một năm trước đây, giữa cơn bão thời trang ngoại Zara, H&M đổ bộ Hà Nội, thì NEM càng trở nên thất thế khi mà cả chất lượng lẫn giá cả đều không cạnh tranh nổi.

Thời trang NEM là thương hiệu được thành lập từ năm 2002 với định vị ban đầu chuyên thiết kế và sản xuất thời trang cho phái nữ theo phong cách Pháp do ông Trương Việt Bình là người đại diện theo pháp luật, là một thành viên trong hệ thống các công ty có liên quan đến thương hiệu NEM.

Từ một cửa hàng đầu tiên trên phố Hàng Lược, đến nay hệ thống của NEM đã mở rộng lên 86 cửa hàng trên toàn quốc và gần một nửa số này tập trung ở Hà Nội và TP HCM. Sản phẩm của hãng hướng đến đối tượng khách hàng nữ công sở từ 20 đến 40 tuổi.

Cuối năm 2017, Stripe International Inc, một công ty bán lẻ quần áo thời trang của Nhật Bản, công bố mua lại Công ty thời trang NEM. Hiện ông Trương Việt Bình vẫn làm đại diện theo pháp luật của công ty này.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/hang-thoi-trang-dinh-dam-va-khoan-no-hon-100-ty-dong-d66998.html

Bạn đang đọc bài viết Hãng thời trang đình đám và khoản nợ hơn 100 tỷ đồng tại chuyên mục Giá cả - hàng hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Giá cả - hàng hóa