Giá cà phê thế giới
Tổ chức cà phê quốc tế (ICO) tiếp tục giữ dự báo nguồn cung sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2020-2021, với ước tính đạt gần 172 triệu bao, tăng 1,9% so với niên vụ 2019-2020. Đồng thời, ICO dự báo niên vụ 2020 - 2021 vẫn dư cung 5,3 triệu bao, tức nguồn cung cao hơn nhu cầu 3,1%.
Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo niên vụ 2020-2021, sản lượng của Việt Nam ước đạt 29 triệu bao, giảm 7% so với năm trước, trong đó 28 triệu bao robusta và một triệu bao Arabica do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt diễn ra trong suốt năm.
Giá cà phê hôm nay chờ thời cơ tăng (Ảnh minh họa) |
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London được điều chỉnh các mức tăng nhẹ. Trong đó, kỳ hạn giao ngay tháng 5, tăng 8 USD, lên 1.387 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 7 cũng tăng 8 USD, lên 1.416 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 12 USD, lên 1.436 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp nối xu hướng tăng, với các mức tăng rất đáng kể. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 2,35 Cent, lên 138,5 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng 2,35 Cent, lên 140,4 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao trên mức trung bình.
Giá cà phê trong nước
Tham khảo giá cà phê tươi thu mua tại một số địa phương trọng điểm tại phiên giao dịch liền trước (ngày 23/4), thị trường giao dịch trong khoảng 32.000 - 33.100 đồng/kg.
Giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng, huyện Lâm Hà và Di Linh ở mức 32.100 đồng/kg, Bảo Lộc thu mua ở 32.000 đồng/kg.
Tại Đắk Lắk, huyện Cư M'gar giá cà phê thu mua ở mức 33.100 đồng/kg. Tại Ea H'leo và Buôn Hồ có giá 32.900 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, huyện Chư Prông đang ở mức 32.700 đồng/kg, ở Pleiku và Ia Grai là 32.800 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, huyện Gia Nghĩa cà phê tươi thu mua ở 32.800 đồng/kg và Đắk R'lấp là 32.700 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đắk Hà, tỉnh Kon Tum giao dịch ở 32.600 đồng/kg. Giá cà phê R1 giao tại cảng TP. Hồ Chí Minh có giá 34.300 đồng/kg.
Theo một nghiên cứu mới được Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, công bố, để phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, đáp ứng các điều khoản trong các hiệp định thương mại tự do, ngành cà phê của Việt Nam cần được xây dựng theo hướng "có trách nhiệm" và "xanh" hơn.
Với sự tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chính phủ Thụy Điển, dự án "Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm với môi trường cho hai ngành cà phê và rau quả ở Việt Nam" nghiên cứu cho thấy, châu Âu - thị trường chiếm tới hơn 40% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, luôn khuyến khích và sẵn sang "cộng điểm" cho quy trình sản xuất "có trách nhiệm", thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, người tiêu dùng tại Mỹ - thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ 2 của nước ta đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm nhiều tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường. Tương tự, Nga và Australia cũng đặt ra nhiều quy định liên quan đến môi trường khắt khe đối với cà phê nhập khẩu.
Nhằm đáp ứng những yêu cầu này, nhiều doanh nghiệp trồng cà phê của Việt Nam đã tích cực ứng dụng công nghệ vào dây chuyền sản xuất nhằm thiết thực bảo vệ môi trường.
Theo Kinh tế Chứng khoán