Bloomberg mới đây đã tiết lộ Oracle đã đạt thỏa thuận mua lại các hoạt động của TikTok tại Mỹ sau khi Microsoft thông báo ByteDance đã từ chối đề nghị của họ.
ByteDance, tập đoàn sở hữu TikTok, đã từ chối đề nghị mua TikTok tại Mỹ của Microsoft và trao cơ hội cho Oracle.
Theo Bloomberg, thỏa thuận của ByteDance với Oracle có qui mô hẹp hơn và tương đồng với một cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp hơn là một thương vụ bán lại tài sản.
Đề xuất ban đầu từ Microsoft và Oracle định giá hoạt động của TikTok tại Mỹ ở mức 25 tỉ USD. Nhưng đó là câu chuyện trước khi Trung Quốc ban hành các hạn chế mới về xuất khẩu công nghệ.
Microsoft (hợp tác cùng Walmart) được coi là ứng viên tiềm năng nhất cho thỏa thuận mua lại TikTok nhưng các cuộc đàm phán giữa hai bên đã nguội lạnh trong vài ngày gần đây.
Ngoài ra, nguồn tin của Bloomberg cũng nói Microsoft không được yêu cầu sửa đổi đề xuất ban đầu khi chính phủ Trung Quốc thực hiện nhiều động thái cho thấy họ sẽ phản đối thỏa thuận bán hoạt động của TikTok tại Mỹ.
"Vào ngày 13/9, ByteDance thông báo họ sẽ không bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ cho Microsoft. Dù vậy, chúng tôi tin tưởng đề xuất của Microsoft sẽ có lợi cho người dùng TikTok, đồng thời góp phần bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia", Microsoft xác nhận trong một tuyên bố.
Một nguồn thạo tin khác cho biết thỏa thuận giữa ByteDance với Oracle vẫn đang trong quá trình xây dựng. Ví dụ, Oracle có thể nhận cổ phần của doanh nghiệp mới thành lập ở Mỹ nhưng hoạt động trong vai trò một đối tác công nghệ của TikTok, chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu của TikTok trong các máy chủ của mình.
Oracle, kẻ đến sau trong thương vụ này lại là người về đích trước. Dẫn nguồn tin từ Washington Post, TTXVN đưa tin, các giám đốc điều hành của Oracle có quan hệ chặt chẽ với Nhà Trắng và công ty có thể có vị trí rất tốt để đáp ứng kỳ vọng của Tổng thống Trump sau khi ông thể hiện lập trường mạnh mẽ về những lo ngại đối với TikTok. Các nguồn tin cho hay, thỏa thuận với TikTok có thể sẽ liên quan đến việc Oracle sẽ tham gia sở hữu ứng dụng chia sẻ video đình đám này.
Tổng thống Trump trước đó đã ban hành một sắc lệnh cấm TikTok ở Mỹ bắt đầu từ ngày 20/9. Sau đó, ông ra sắc lệnh thứ hai yêu cầu công ty mẹ của TikTok là ByteDance thoái vốn khỏi các hoạt động tại Mỹ.
Trong thời gian qua, cả Microsoft và Oracle đều đều tham gia chạy đua giành hợp đồng với TikTok, ứng dụng ngày càng phổ biến với người dùng trẻ tại Mỹ và trên khắp thế giới.
Hiện tại, Oracle và TikTok đều từ chối bình luận về thông tin mới nhất, trong khi Nhà Trắng cũng chưa đưa ra bình luận ngay lập tức. Tuy nhiên tháng trước, Tổng thống Trump từng phát biểu rằng Oracle là "một công ty tuyệt vời" có thể "xử lý" việc mua TikTok.
TikTok được hơn một tỷ người trên toàn thế giới, trong đó gồm khoảng 175 triệu người Mỹ, sử dụng để tạo video ngắn trên điện thoại di động. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng TikTok có thể được Trung Quốc sử dụng để theo dõi vị trí của nhân viên liên bang, lập hồ sơ cá nhân để tống tiền hay thực hiện hoạt động gián điệp doanh nghiệp. TikTok nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Ứng dụng chia sẻ video này đã trở thành tâm điểm của "cơn bão ngoại giao" giữa Washington và Bắc Kinh. Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức nằm trong quyền tài phán của Mỹ giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu TikTok, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Hơn thế nữa, ngày 10/9 Tổng thống Trump tuyên bố sẽ không gia hạn cho TikTok và ứng dụng này sẽ bị bán hoặc bị đóng cửa vào ngày 15/9.
Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ