Khoản nợ đáo hạn nửa đầu năm 2023 có thể khiến tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đối mặt với thách thức về dòng tiền trong ngắn hạn, song, không có rủi ro vỡ nợ nhờ tỉ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu ở mức thấp.
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (Mã KBC - HOSE) – sau đây gọi tắt là tổng công ty Kinh Bắc - PV, được thành lập ngày 27/03/2002; có mã số thuế 2300233993 do sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cấp ngày 05/07/2002. Trụ sở đăng ký tại lô B7, khu công nghiệp Quế Võ, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Đặng Thành Tâm.
Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý III/2022, so với năm 2021, về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của KBC tăng 15,27% lên mức 18.641,291 tỷ đồng, chiếm 55,91% tổng nguồn vốn; vay ngắn hạn ghi nhận 3.534,690 tỷ đồng, cao gấp 2,33 lần so với mức 1.515,095 tỷ đồng; vay dài hạn giảm mạnh chỉ còn 3.428,914 tỷ đồng (tương đương 38,09%).
Tuy nhiên, nợ phải trả của doanh nghiệp này lên tới 14.696,729 tỷ đồng, được hình thành chủ yếu từ nợ ngắn hạn 8.631,270 tỷ đồng, nợ dài hạn chỉ 6.065,459 tỷ đồng. Trong đó, đang ghi nhận khoản dư nợ trái phiếu trị giá 3.900 tỷ đồng, có 3 lô đến hạn trả (2023) trị giá 2.900 tỷ đồng. Được biết, ¾ lô trái phiếu KBC đang có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của công ty con do KBC sở hữu.
Quý III/2022, so với cùng kỳ năm trước, KBC ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi doanh thu thuần đạt 1.288,529 tỷ đồng, giảm 58,11%; giá vốn hàng bán của doanh nghiệp này lại tăng 45,88% đạt 728,218 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp còn 560,310 tỷ đồng, giảm 67,63%. Hơn nữa, KBC cũng đang gặp áp lực về dòng tiền. Cụ thể, dòng tiền hoạt động tài chính 9 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh đạt 200,618 tỷ đồng (giảm 96,22%), dòng tiền đầu tư cũng âm 503,879 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/09/2022, KBC có quy mô tổng tài sản đạt 33.338,021 tỷ đồng, tăng 8,93% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, khối tài sản này lại được hình thành chủ yếu từ các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.
Cụ thể, hàng tồn kho hơn 11.979,483 tỷ đồng chiếm 35,93% tổng tài sản, chủ yếu là tiền sử dụng đất, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cở sở hạ tầng, chi phí lãi vay vốn hóa và các chi phi khác từ nhiều dự án trong đó lớn nhất là dự án Khu công nghiệp (KCN) và đô thị Tràng Cát (Hải Phòng) với 7.698,714 tỷ đồng; dự án KCN Tân Phú Trung với 1.143,155 tỷ đồng; dự án Khu đô thị Phúc Ninh 1.104,679 tỷ đồng; dự án KCN Nam Sơn – Hạp Lĩnh 963,320 tỷ đồng… Phần lớn hàng tồn kho của KBC được sử dụng để thế chấp cho các khoản vay dài hạn.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, tỷ trọng hàng tồn kho lớn luôn là mối quan ngại ít nhiều với nhà đầu tư, do tính chất tồn lâu, chôn vốn, chi phí phát sinh.
Hay nói cách khác, nếu để hàng tồn kho quá lâu thì sẽ làm ảnh hưởng không tốt tới quá trình kinh doanh. Bởi lúc này, doanh nghiệp phải tốn chi phí trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho do giá trị hiện tại giảm mạnh so với giá gốc ban đầu khiến lợi nhuận sụt giảm.
Mặt khác, lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên sẽ trở thành gánh nặng với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đối với hàng tồn kho nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm sẽ làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn cho doanh nghiệp.
Trong năm 2022, tổng công ty Kinh Bắc đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 9.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Tổng công ty này hoàn thành 47,5% kế hoạch lợi nhuận năm.