Nằm cách trung tâm Đà Lạt khoảng 20km về hướng huyện Lạc Dương, khu du lịch PiNi Đà Lạt đã trở thành điểm nhấn cho tỉnh Lâm Đồng, cũng như TP. Đà lạt với các hạng mục, công trình lấy cảm hứng từ điển tích dân gian của người bản địa Tây Nguyên.
Chủ đầu tư dự án là CTCP Đầu tư và Phát triển quần thể khu du lịch PiNi (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) – pháp nhân thuộc Liên Minh Group.
Theo giới thiệu, Liên Minh Group là một tập đoàn thành lập vào ngày 4/7/2009, lĩnh vực kinh doanh ban đầu là bất động sản tại Đà Lạt. Sau gần 15 năm hoạt động (từ năm 2009), Liên Minh Group từ một đơn vị thành viên đến nay đã có 42 cơ sở trực thuộc và chi nhánh đại diện tại Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Bình Dương, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn…
Bên cạnh lĩnh vực địa ốc, Liên Minh Group còn tham gia nhiều lĩnh vực khác như: Nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu sạch, trung tâm tài chính, sàn Auto, bảo vệ vệ sỹ, dịch vụ du lịch thương mại… Trong đó, có nhiều tên tuổi như Khu du lịch Hồ Thủy Quái, PiNi Coffee, Pini Ice Cream, Trang trại Bokabang…
Sự hình thành và phát triển của Liên Minh Group gắn liền với Chủ tịch HĐQT Ngô Quang Phúc (SN 1982). Trên nhiều kênh truyền thông, ông được đề cập là một người “thuyền trưởng”, người dành nhiều tâm huyết cho sự phát triển của Liên Minh Group.
Dữ liệu của Nhadautu.vncho thấy Liên Minh Group không phải một pháp nhân cụ thể, mà là một nhóm các doanh nghiệp với tiền tố Liên Minh và PiNi, trong đó hạt nhân là CTCP Đầu tư và Phát triển Liên minh Đà Lạt – thành viên ra đời sớm nhất trong nhóm (vào năm 2009). Đáng chú ý hơn, doanh nhân Ngô Quang Phúc đã rút khỏi các vai trò quan trọng tại đơn vị này.
Cụ thể, ông Phúc vào ngày 15/1/2019 đã không còn là Giám đốc/Người đại diện theo pháp luật công ty; ông cũng thoái hết 90% vốn tại Liên Minh Đà Lạt. Thay thế ông Phúc ở các vị trí này là ông Phạm Văn Long (SN 1984).
Cùng thời điểm kể trên, Liên Minh Đà Lạt tăng mạnh vốn từ 5 tỷ lên 500 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông được hé lộ sau đó gồm: Ông Phạm Văn Long (40%), bà Lê Thị Nở (30%) và ông Hoàng Hiệp (30%).
Bộ 3 cá nhân này tiếp tục cùng nhau góp vốn tại nhiều doanh nghiệp thành viên trong nhóm.
Vào tháng 6/2016, nhóm doanh nhân này đã góp vốn thành lập CTCP Đầu tư và Phát triển quần thể khu du lịch PiNi – chủ đầu tư quần thể khu du lịch cùng tên (đề cập phần đầu bài viết). Công ty này ban đầu có mức vốn 100 tỷ đồng với 4 cổ đông gồm: Hoàng Hiệp (10%), Phạm Văn Long (10%), Lê Thị Nở (60%) và Nguyễn Thanh Vân (20%). Tháng 10/2019, công ty tăng vốn lên 500 tỷ đồng, các thể nhân góp vốn gồm ông Hoàng Hiệp (28%), Phạm Văn Long (32%) và Lê Thị Nở (40%).
Nhóm các doanh nghiệp “họ” PiNi do 3 thể nhân quen mặt góp vốn còn có: CTCP Đầu tư Pini Việt Pháp (lĩnh vực cắt tạo dáng và hoàn thiện đá) vốn điều lệ 100 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và Phát triển PiNi Golf Việt Nam – Japan (bán buôn trang thiết bị, dụng cụ ngành golf) vốn điều lệ 50 tỷ đồng, CTCP Dược Liệu PiNi Lâm Đồng (trồng cây gia vị, cây dược liệu, cây hương liệu lâu năm) vốn điều lệ 120 tỷ đồng.
Bộ 3 kể trên còn đồng hành tại nhiều doanh nghiệp với tiền tố Liên Minh. Cụ thể, vào tháng 7/2016, CTCP Đầu tư và phát triển TĐ Liên Minh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) được thành lập với mức vốn 50 tỷ đồng, các cổ đông gồm bà Lê Thị Nở (nắm giữ 70% vốn); tỷ lệ còn lại được chia đều cho 3 cá nhân ông Phạm Văn Long; Hoàng Hiệp và Đinh Thị Kim Yến. Tại đây, ông Long (SN 1984) là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Trước đó 1 tháng (tháng 5/2016), bà Lê Thị Nở, ông Hoàng Hiệp và ông Long tiếp tục góp vốn sáng lập CTCP Đầu tư Khai thác Du Thuyền Liên Minh Việt Nam.
Ngoài ra, còn có CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Tập đoàn Liên Minh Sài Gòn (TP.HCM). Công ty này được thành lập vào tháng 3/2018 với số vốn điều lệ 50 tỷ đồng, gồm các cổ đông sáng lập là: Nguyễn Hữu Thìn (38%), Lê Thị Nở (37%) và Hoàng Hiệp (25%).
Gần như cùng thời điểm, CTCP Đầu tư và phát triển Liên TĐ Liên Minh Hà Nội (TP. Hà Nội). Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ 266 tỷ đồng, gồm: Lê Thị Nở (35%), Nguyễn Hữu Thìn (30%), Phạm Văn Long (20%) và Hoàng Hiệp (15%). Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật tại đây là ông Nguyễn Hữu Thìn.
Bên cạnh các doanh nghiệp kể trên, bà Lê Thị Nở còn là cổ đông lớn nhất tại nhiều doanh nghiệp khác trong nhóm Liên Minh Group. Có thể kể đến là Công ty TNHH Li Mi (kinh doanh lĩnh vực dịch vụ lưu trú ngắn ngày) khi bà góp 80% vốn cùng ông Đặng Văn Đạt (20%) tại thời điểm tháng 4/2016.
Ông Đạt nên biết cũng là một “mắt xích” cùng nhóm khi góp 33% vốn tại CTCP Đầu tư Sàn Giao dịch Ô tô Liên Minh Đà Lạt (tại tháng 9/2019) cùng ông Đỗ Mạnh Dương (20%), cùng ông Hoàng Văn Hiệp và Phạm Văn Long.
Tương tự, bà Nở cũng là cổ đông góp 90% vốn ở CTCP Đầu tư Du lịch Hồ Thủy Quái cùng ông Phạm Văn Long (5%) và Nguyễn Văn Châu (5%); góp 70% vốn thành lập CTCP Đầu tư Công nghệ Nuôi trồng Organic Việt Nam Israel với ông Hoàng Hiệp (15%) và bà Đinh Thị Kim Yến (15%).
Liên Minh Group kinh doanh thế nào?
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, doanh thu thuần của Liên Minh Đà Lạt (công ty mẹ) trong năm 2022 chỉ đạt 1,49 tỷ đồng, giảm gần 36,6% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ các chi phí và thuế, công ty lỗ ròng 3,76 tỷ đồng. Đây đều là các kết quả doanh thu và lợi nhuận thấp nhất của Liên Minh Group trong 3 năm trở lại đây.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty tại ngày 31/12/2022 đạt 501,4 tỷ đồng, giảm 0,14% so với số đầu năm; vốn chủ sở hữu 499,8 tỷ đồng, giảm 0,3%.
Khác với Liên minh Đà Lạt, KQKD của CTCP Đầu tư và Phát triển Quần thể Khu du lịch PiNi khởi sắc hơn khi báo doanh thu năm 2022 đạt 5,2 tỷ đồng, tăng gấp 19 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng 1,5 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lỗ 900 triệu đồng.
Dù vậy, hiệu quả kinh doanh của PiNi là khá thấp khi ROA và ROE công ty trong năm lần lượt chỉ đạt 0,29% và 0,3%.