Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 13/12/2024

Trái chiều bức tranh doanh thu - lợi nhuận của VEDAN Việt Nam

DTVN 06:58 29/01/2024

Trong khi doanh thu ổn định và tăng trưởng cán mốc hơn 9.000 tỷ đồng thì lợi nhuận của VEDAN Việt Nam lại liên tục sụt giảm mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Trái chiều bức tranh doanh thu - lợi nhuận của VEDAN Việt Nam
Nhà máy cảu VEDAN Việt Nam tại Đồng Nai.

Báo cáo cập nhật mới nhất về ngành gia vị Việt Nam do Vietdata vừa công bố cho thấy dù nằm trong Top 3 doanh nghiệp có doanh thu thuần lớn nhất thị trường, cán mốc hơn 9.000 tỷ đồng trong năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế của Công Ty Cổ Phần Hữu Hạn Vedan Việt Nam (VEDAN) lại liên tục sụt giảm mạnh qua các năm.

Cụ thể, theo Vietdata, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022 ghi nhận nhiều sự biến động đáng kể trong tình hình kinh doanh của Vedan Việt Nam.

PCụ thể, doanh thu thuần của công ty này có dấu hiệu chững lại vào năm 2021 mặc dù có tăng nhưng rất ít và sau đó con số này đã tăng lên gần 25%, đạt mức hơn 9.000 tỷ đồng khi kết thúc năm 2022.

Trái lại với sự ổn định và tăng trưởng của doanh thu, lợi nhuận ròng của Vedan Việt Nam lại sụt giảm mạnh qua từng năm. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của công ty này chỉ còn hơn 100 tỷ đồng vào năm 2022, giảm gần 85% so với cùng kỳ năm 2020.

Diễn biến về lợi nhuận sau thuế trên của VEDAN hoàn toàn trái ngược với kết quả kinh doanh của 2 đối thủ lớn còn lại trong Top 3 ngành gia vị Việt Nam theo dữ liệu do Vietdata công bố gồm Massan và Ajinomoto.

Cụ thể, năm 2022, Ajinomoto Việt Nam có doanh thu thuần ở mức gần 10.000 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với con số đạt được vào năm 2021. Cùng với đà tăng trưởng của doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế của Ajinomoto Việt Nam cũng ghi nhận sự phục hồi khi đạt mốc hơn 1.000 tỷ đồng vào năm 2022 sau sự sụt giảm nhẹ vào năm 2021.

Dẫn đầu thị trường, theo báo cáo thường niên năm 2022 của Masan Consumer, ngành hàng gia vị vẫn là ngành hàng chủ lực của công ty, dẫn đầu thị phần với doanh số năm 2022 đạt 10.028 tỷ đồng và tiếp tục đóng góp nhiều nhất vào tổng doanh thu công ty với 8.836 tỷ đồng.

Về tình hình hoạt động của Masan Consumer trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, doanh thu thuần vào năm 2021 của công ty này có sự tăng trưởng nhưng sau đó lại giảm nhẹ gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mốc gần 27.000 tỷ đồng vào năm 2022.

Lợi nhuận sau thuế của Masan Consumer cũng không có nhiều sự thay đổi khi kết thúc năm 2022 với mức lợi nhuận ròng trong khoảng 5.500 tỷ đồng.

Về Vedan Việt Nam, đây là một thương hiệu nổi tiếng đến từ Đài Loan được thành lập vào năm 1954 và ra mắt thị trường Việt Nam từ năm 1991.

Công Ty Cổ Phần Hữu Hạn Vedan Việt Nam (Vedan Việt Nam) được thành lập từ năm 1991 tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai ven bờ sông Thị Vải.

Nhà máy của VEDAN tại đây có diện đất rộng 120ha, hiện đã đưa vào hoạt động các công trình bao gồm: Nhà máy tinh bột nước đường, Nhà máy bột ngọt, Nhà máy tinh bột biến tính, Nhà máy Xút-axít, Nhà máy Lysine, Nhà máy phát điện có trích hơi, Nhà máy PGA, Nhà máy phân bón hữu cơ khoáng Vedagro dạng viên, Hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ tiên tiến, Cảng chuyên dùng Phước Thái Vedan, các công trình, cơ sở hạ tầng tại các khu vực hành chính, cư xá, giáo dục đào tạo…

Theo giới thiệu của VEDAN, từ khi thành lập nhà máy đầu tiên tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cho đến nay, Công ty Vedan Việt Nam đã đầu tư phát triển, mở rộng và thành lập các chi nhánh tại các tỉnh thành như: Chi nhánh Công ty Vedan Việt Nam tại Hà Nội, Nhà máy chế biến tinh bột mì Phước Long ( Bình Phước).

Trong quá trình mở rộng quy mô đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, Vedan Việt Nam cũng đã tạo dựng một loạt hệ thống đại lý và các kênh phân phối tiêu thụ trên cả nước. Trên thị trường quốc tế, Vedan Việt Nam là một trong những nhà sản xuất tiên tiến hàng đầu tại khu vực Châu Á trong lĩnh vực sử dụng công nghệ sinh học, công nghệ lên men sản xuất ra các sản phẩm Axít Amin, chất điều vị thực phẩm, sản phẩm tinh bột. Sản phẩm của Vedan Việt Nam được tiêu thụ tại Việt Nam và xuất khẩu cho các công ty cung ứng thực phẩm, công ty thương mại quốc tế tại thị trường các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, các nước Đông Nam Á, các nước tại Châu Âu.

Do công ty nằm cạnh bờ sông Thị Vải, nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm công ty bằng đường thủy, hiện VEDAN đã có số lượng nhân viên hơn 3.000 người.

Hiện nay, theo công bố, VEDAN đã đạt được các chứng nhận quốc tế liên quan như: ISO 9001, OHSAS 18001 HACCP, HALAL, KOSHER, GMP+B2, ISO 14001, ISO/IEC 17025: 2005, FSSC 22000 và doanh nghiệp xác định “Cắm rễ tại Việt Nam - Kinh doanh lâu dài”.

Link gốc : https://markettimes.vn/trai-chieu-buc-tranh-doanh-thu-loi-nhuan-cua-vedan-viet-nam-50820.html

Bạn đang đọc bài viết Trái chiều bức tranh doanh thu - lợi nhuận của VEDAN Việt Nam tại chuyên mục Tư vấn chiến lược. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tư vấn chiến lược