Hà Nội, Thứ Ba Ngày 23/04/2024

Chiến lược 'tắc kè hoa' của Thế Giới Di Động

NGƯỜI ĐƯA TIN 10:57 25/12/2021

Thế Giới Di Động hiện là một trong những doanh nghiệp bán lẻ quy mô lớn và năng động nhất thị trường khi liên tục mở mới và thử nghiệm nhiều mặt hàng kinh doanh.

hởi đầu từ một cửa hàng điện thoại năm 2004 tại Tp.HCM, sau hơn một thập kỷ, Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) đã trở thành công ty đa ngành với nhiều mặt hàng kinh doanh như thịt cá, rau củ, trái cây, thời trang, kính thuốc...

Liên tục mở rộng ngành hàng

Chỉ 2 năm kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, MWG đã liên tục mở rộng các ngành hàng kinh doanh so với trước đây.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em - Tổng Giám đốc CTCP Thế Giới Di Động - từng nhận định thị trường điện thoại và điện máy (vốn là ngành kinh doanh chủ lực của MWG) đã bão hòa khi mức tăng trưởng mỗi năm chỉ khoảng 10%. Để chuẩn bị cho việc thị trường điện thoại và điện máy chững lại trong những năm tới, MWG đã manh nha nhiều kế hoạch và liên tục cho ra nhiều dự án kinh doanh và hợp tác mới trong khoảng một năm trở lại đây.

Đầu tháng 5, MWG thử nghiệm bán xe đạp và phụ kiện như bình nước, mũ bảo hiểm, khoá chống trộm... trước các cửa hàng Điện Máy Xanh (ĐMX). Giữa tháng 10, MWG mở thêm TopZone - chuỗi bán lẻ uỷ quyền các sản phẩm Apple chính hãng.

Hồ sơ doanh nghiệp - Chiến lược 'tắc kè hoa' của Thế Giới Di Động

Chuỗi bán lẻ uỷ quyền các sản phẩm Apple chính hãng Topzone mở vào tháng 10. (Ảnh minh họa)

Đến tháng 11, MWG lập thêm một công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng để vận hành hệ thống kho bãi, vận tải, giao hàng giữa các kho tổng và cửa hàng. Không dừng lại ở đó, nhà bán lẻ vẫn đang ráo riết chuẩn bị cho sự ra mắt của AVAWorld với những mảng kinh doanh mới hoàn toàn như: thời trang, thể thao, mẹ và bé, trang sức, xe đạp… trong thời gian tới.

MWG đã ra mắt chuỗi AVA Kids - chuyên bán các sản phẩm cho bà mẹ và trẻ em ngay khi thị trường đang có nhiều chuỗi lớn như Con Cưng, Bibo Mart, Kid Plaza... thống lĩnh. Chưa hết, MWG cũng cho khởi động BlueJi hôm 20/11. Tại đây, khách hàng có thể mua sắm các mặt hàng mắt kính của các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Puma, Klenin, Guess... và trang sức cho cả người lớn và trẻ em gồm nhẫn, bông tai, dây chuyền, vòng tay...

Hồ sơ doanh nghiệp - Chiến lược 'tắc kè hoa' của Thế Giới Di Động (Hình 2).

Chuỗi AVA Kids của MWG chuyên bán các sản phẩm cho bà mẹ và trẻ em. (Ảnh minh họa)

Có thể nói, trong bối cảnh thị trường kinh doanh phủ gam màu xám bởi ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, MWG lại có một năm 2021 nỗ lực vượt bậc trong việc mở rộng ngành hàng dù bản thân MWG vốn đã kinh doanh đa ngành nghề với nhiều sản phẩm như điện thoại, điện máy, thực phẩm, kính thuốc...

Mở rộng quy mô kinh doanh

Bên cạnh mở rộng ngành hàng, MWG cũng ghi dấu ấn trong việc mở rộng quy mô. Từ đầu năm 2020, MWG không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh tại các tỉnh, thành phố lớn mà lên chiến lược mở thêm nhiều cửa hàng nhỏ ở huyện xã với kỳ vọng đạt 60-70% thị phần di động qua chuỗi Thế Giới Di Động mini và các cửa hàng Điện thoại Siêu rẻ nhằm cạnh tranh với các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ.

Theo đó, việc mở thêm các cửa hàng nhỏ lẻ đánh sâu vào các huyện sẽ giúp MWG mở rộng được tập khách hàng, gia tăng thị phần.

Hồ sơ doanh nghiệp - Chiến lược 'tắc kè hoa' của Thế Giới Di Động (Hình 3).

Chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ chỉ có 1 nhân viên với diện tích khoảng 20m2. (Ảnh minh họa)

Ông Hiểu Em từng cho biết cửa hàng Thế Giới Di Động mini hầu như không có đối thủ ở các huyện. Cửa hàng này có quy mô và cách bài trí tương tự với Điện thoại Siêu rẻ, tức chỉ có một nhân viên, diện tích khoảng 20 mét vuông, thường không có máy lạnh. Tuy vậy, khác biệt lớn là Thế Giới Di Động mini sẽ bán hàng theo đúng chính sách hiện nay của chuỗi này, với hàng hoá chính hãng và chế độ hậu mãi tương đương các cửa hàng ở chuỗi lớn.

Bên cạnh đó, việc mở rộng quy mô của MWG thể hiện qua mô hình cộng tác viên được triển khai. Mô hình này cho thấy tín hiệu khả quan, đặc biệt mùa mua sắm của người dân tăng cao khi đem lại doanh thu lên đến 100 tỷ đồng riêng tháng 11/2021 từ gần 4.000 đại lý. Trong 3 tháng cuối năm 2021, MWG đặt mục tiêu tuyển thêm gần 6.500 cộng tác viên, đưa số cộng tác viên chạm mốc 10.000.

Doanh nghiệp này cũng có tới 5.065 cửa hàng tính tới cuối tháng 11/2021. Trong đó, có 966 cửa hàng TGDĐ, 1.863 cửa hàng ĐMX, 2.026 cửa hàng BHX, 50 cửa hàng Bluetronics, 4 cửa hàng Topzone và 156 nhà thuốc An Khang.

Các năm tới đây, MWG sẽ tiếp tục mở mới các cửa hàng, riêng BHX tạm ngưng mở mới trong năm 2022, tập trung hoàn thiện nền tảng vận hành vững chắc và tối ưu hiệu quả hoạt động để sẵn sàng nhân rộng trên toàn quốc từ năm 2023.

MWG cũng dự kiến vận hành 10 cửa hàng Topzone vào cuối năm nay và năm 2022 sẽ tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh được coi là "hạt giống" mới, gồm dịch vụ sửa chữa - bảo hành, mảng nông nghiệp và dịch vụ logistics.

Tận dụng, tận dụng và tận dụng

Thế Giới Di Động luôn tìm cách tối ưu từng mét vuông với mô hình "shop-in-shop" để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng. Phần diện tích bên ngoài của ĐMX hiện được tận dụng để mở thêm 150 cửa hàng bán xe đạp, giúp doanh nghiệp bán lẻ này bỏ túi 400 tỷ đồng kể từ thời điểm mở cửa từ tháng 5 đến nay. Phần diện tích của một số cửa hàng TGDĐ cũng được sử dụng để mở các cửa hàng Topzone.

Không chỉ đẩy mạnh mở rộng hệ thống và các nhóm hàng, Thế giới Di động còn mở rộng loạt dịch vụ tiện ích đa dạng ngay trong các cửa hàng hiện hữu. Từ hỗ trợ thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet…

Khách hàng đến với Thế giới Di động còn có thể mua cả bảo hiểm xe máy/ô tô, hay thậm chí nạp tiền, rút tiền và chuyển khoản như tại điểm giao dịch của ngân hàng mà không cần bước ra khỏi cửa hàng bán lẻ.

MWG cũng kết hợp chuỗi nhà thuốc An Khang cùng BHX. Ông Trần Kinh Doanh - Tổng Giám đốc Thế giới Di động từng cho biết sẽ bố trí diện tích 20 - 30m2 cho mỗi nhà thuốc ứng với các cửa hàng BHX có lưu lượng khách trên 1.000 người/ngày.

Hồ sơ doanh nghiệp - Chiến lược 'tắc kè hoa' của Thế Giới Di Động (Hình 4).

MWG kết hợp chuỗi nhà thuốc An Khang cùng Bách Hóa Xanh. (Ảnh minh họa)

Như vậy, các dịch vụ thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân gần như đang được tích hợp đầy đủ vào các cửa hàng của doanh nghiệp bán lẻ này.

Mua trả góp điện thoại, máy tính.. tại các hệ thống bán lẻ lớn là dịch vụ đang phổ biến trong nhiều năm qua. Gần đây, thị trường xuất hiện thêm xu hướng mới là hệ thống bán lẻ hợp tác với hệ thống cầm đồ, công ty tài chính để cho vay tiền mặt mà khách hàng không cần phải mua sản phẩm.

MWG tiên phong cho xu hướng này khi từ cuối tháng 9, MWG đã bắt tay FE Credit cho vay tiền mặt. Đối tượng khách hàng là những người đang, đã vay hoặc mua hàng trả góp của FE Credit và thanh toán tốt. Khách hàng chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân/ căn cước công dân, ảnh chụp chân dung để làm hồ sơ đăng ký vay.

Khoản vay có giá trị từ 10 triệu đến 70 triệu đồng. Thời hạn vay từ 6 đến 36 tháng, duyệt hồ sơ và nhận tiền trong 30 phút. Lãi suất từ 2,33-4,58%/tháng, tương đương 28-55%/năm.

Mới đây, MWG lại bắt tay chuỗi cầm đồ F88 để cho khách hàng vay tiền mặt không quá 10 triệu đồng.

Khách hàng có thể đến các cửa hàng TGDĐ và ĐMX để vay tiền mà không cần phải mua hàng, chỉ cần cung cấp giấy tờ tuỳ thân và cà vẹt xe chính chủ. Tổng chi phí vay (bao gồm lãi suất, phí thẩm định tài sản cầm cố, phí thẩm định điều kiện cho vay) là 7,5% một tháng, trong đó lãi suất là 1,1%. Khách hàng phải trả gốc và chi phí vay trong vòng 12 tháng.

Hồ sơ doanh nghiệp - Chiến lược 'tắc kè hoa' của Thế Giới Di Động (Hình 5).

Thế Giới Di Động hợp tác cùng F88 cung cấp dịch vụ cho vay tiền. (Ảnh minh họa)

Quá trình làm thủ tục và giải ngân khoản vay qua tài khoản ngân hàng chỉ trong 15 phút. Khách hàng cũng không cần mua hàng tại TGDĐ, ĐMX hay chứng minh thu nhập. F88 thực hiện toàn bộ việc duyệt hồ sơ và giải ngân, trong khi MWG đóng vai trò điểm đến của những khách hàng có nhu cầu.

Hiệu quả của chiến lược "tắc kè hoa"

Thực tế, nhiều hoạt động mở rộng ngành hàng vốn không có trong kế hoạch kinh doanh được MWG đề ra từ đầu năm. Đơn cử, trong kế hoạch của MWG vốn không có sự xuất hiện của hệ thống TopZone.

"Đúng thời điểm dịch bệnh cùng mục tiêu cố giữ doanh số cho MWG, chúng tôi cho rằng cần phải làm một cái gì đó mới và TopZone ra đời", ông Đoàn Văn Hiểu Em từng chia sẻ trong một sự kiện.

Báo cáo mới đây của MWG đã chỉ ra doanh thu đợt ra mắt hệ thống TopZone đã vượt mức kỳ vọng doanh thu tháng mà MWG đã đặt ra trước đó. MWG thậm chí đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị phần bán lẻ sản phẩm Apple với kế hoạch mở từ 50 cửa hàng TopZone từ nay đến hết tháng 3/2022.

Việc mở rộng quy mô, ngành hàng, bắt tay với hệ thống cầm đồ, công ty tài chính cho thấy sự năng động của nhà bán lẻ trong việc vượt khó khăn trong đại dịch. Nhờ không ngừng nỗ lực đặt mục tiêu tăng trưởng, gia tăng thị phần và khai phá lĩnh vực mới, MWG đang thu lại những tín hiệu tích cực sau quãng thời gian dính nhiều lùm xùm xung quanh việc quản trị hệ thống, cho thuê mặt bằng thời gian vừa rồi.

Trong tháng 11, doanh thu thuần của MWG tăng 25% đạt 11.523 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tương ứng thu về 489 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng có doanh thu cao thứ 2 kể từ đầu năm của MWG (chỉ sau tháng 10) nhờ nỗ lực vượt bậc của chuỗi TGDĐ và ĐMX. Tổng doanh số của hai chuỗi này trong tháng 11 đạt khoảng 9.700 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 110.530 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế là 4.395 tỷ đồng tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu online đóng góp 12.500 tỷ đồng, tương ứng tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, MWG đặt mục tiêu năm 2022 doanh thu thuần 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh được MWG đưa ra dựa trên giả định dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng không dẫn đến sự ngưng trệ do phong tỏa hoặc tác động trầm trọng hơn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh so với 2 năm vừa qua. Nếu đạt được, đây sẽ là con số cao nhất mà doanh nghiệp ghi nhận trong lịch sử hoạt động.

Đặc biệt, dù không có trong kế hoạch, biết đâu năm 2022, MWG sẽ lại mở rộng thêm nhiều ngành hàng, cho ra đời những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, hướng đến thiết lập hệ sinh thái MWG trong tương lai.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/chien-luoc-tac-ke-hoa-cua-the-gioi-di-dong-a537913.html

Bạn đang đọc bài viết Chiến lược 'tắc kè hoa' của Thế Giới Di Động tại chuyên mục Tư vấn chiến lược. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tư vấn chiến lược
Nhiều doanh nghiệp cho biết, khó khăn sẽ sớm qua đi, chuẩn bị đón chào năm mới 2022 với nhiều kỳ vọng, lạc quan và tươi sáng hơn về bức tranh tổng thể của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.