Vài năm trở lại đây, xu hướng mua sắm qua các kênh thương mại điện tử đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, internet và thương mại điện tử cũng có những mặt trái, đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt về tình trạng vi phạm pháp luật trên website, ứng dụng thương mại điện tử như kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng kém chất lượng. Người bán không thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký website thương mại điện tử, hoặc giả mạo logo đã đăng ký và thông báo với Bộ Công Thương.
Thống kê từ Bộ Công thương, năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát hiện và gỡ bỏ gần 2.000 gian hàng với gần 6.500 sản phẩm vi phạm, chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nhiều thủ đoạn của các đối tượng cũng ngày càng tinh vi để qua mắt cơ quan chức năng. Theo Tổng cục Quản lý thị trường, một trong những thủ đoạn gian lận trên thương mại điện tử thời gian qua nổi lên đó là đối tượng lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng. Cùng đó, các đối tượng này sẽ đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần, kèm thêm thông tin như giảm giá, thanh lý…
Đáng lưu ý, hầu hết mặt hàng được lựa chọn thuộc loại có giá trị cao, nhỏ gọn, hàng thương hiệu như đồ điện tử hay điện thoại di động. Hơn nữa, khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân của người mua. Do vậy, các đối tượng này sẽ sử dụng các phương thức như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ khách hàng mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến. Việc này nhằm hướng khách hàng không thông qua sàn thương mại điện tử. Sau khi người bị hại chuyển khoản thanh toán, các đối tượng chặn liên lạc hoặc gửi bưu kiện; trong đó, có các vật phẩm không giá trị.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, cần áp dụng khoa học công nghệ trong việc phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng để lực lượng chức năng xác định được nguồn gốc xuất xứ, đường đi của sản phẩm. Quá trình hình thành sản phẩm cần minh bạch mới phân biệt được đâu là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng thật, hàng chất lượng tốt, hàng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Về phía Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục sẽ tập trung tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử