Có thể dễ dàng thấy dấu hiệu sai phạm từ những thông tin quảng cáo trên trang web: https://www.dadaymocthao.com.vn/, giới thiệu thông điệp “bà con khắp Miền Bắc đang xôn xao truyền tai nhau bài thuốc điều trị trào ngược dạ dày của Bác sĩ Hồng Hải - Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện YHCT Hòa Bình. Cứ 10 người dùng thì 9 người quay lại cảm ơn bác sĩ Hải vì đã giúp chấm dứt bệnh. Chỉ cần sử dụng dạ dày Mộc Thảo là thoát khỏi trào ngược và viêm loét dạ dày, tá tràng”. Theo quảng cáo, dạ dày Mộc Thảo có tác dụng trị bệnh mãn tính, ngăn ngừa tái phát và theo công thức tiêu chuẩn được nghiên cứu kĩ lưỡng, tiện lợi, hiệu quả cho người bệnh dạ dày, tá tràng, khuẩn HP.
Để chứng minh cho quảng cáo “có cánh”, tổ chức kinh doanh đã liệt kê thành phần thảo dược đông y như nấm lim xanh ứng dụng công nghệ hiện đại cho hiệu quả gấp 70 - 80 lần so với việc sử dụng nấm lim xanh thông thường nhưng lại không kèm tư liệu, dẫn chứng cụ thể. Không những vậy, dạ dày Mộc Thảo còn được khẳng định sẽ xử lý tận gốc bệnh chỉ 1-2 liệu trình.
“Hầu hết bà con chỉ dùng từ 3-5 ngày đã thấy bệnh thuyên giảm rõ rệt, kiên trì sử dụng hết 1 liệu trình là có thể nói lời chia tay ngay các triệu chứng này. Từ 1-2 liệu trình sẽ phục hồi và tái tạo lại lớp thành niêm mạc dạ dày, diệt khuẩn HP, ổn định acid giúp dạ dày khỏe mạnh và hoạt động ổn định trở lại. Một số rất nhỏ bà con bị nặng phải sử dụng đến liệu trình thứ 2 và tất cả đều cho kết quả như ý...”, tổ chức kinh doanh “nổ”.
Thoạt nghe những quảng cáo trên, đối với người không hiểu biết thì rất dễ bị đánh lừa. Tuy nhiên, dấu hiệu trên chỉ là chiêu thức quảng cáo nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Chưa hết, tại trang website nêu trên, tổ chức kinh doanh dạ dày Mộc Thảo còn sử dụng hình ảnh bác sĩ Nguyễn Hồng Hải mặc trang phụ ngành y để quảng bá sản phẩm cũng như khuyên dùng sản phẩm là trái quy định pháp luật.
Ngoài ra, sản phẩm dạ dày Mộc Thảo còn được gắn với một loạt hình ảnh người tiêu dùng để đánh giá về công dụng sản phẩm, tạo niềm tin cho những người khác. Phần lớn nội dung này đều gửi đi thông điệp, sử dụng sản phẩm dạ dày Mộc Thảo sau thời gian ngắn là dứt điểm bệnh dạ dày.
Thông thường nếu một sản phẩm tốt thì chất lượng sẽ tạo niềm tin, không cần chiêu trò quảng cáo lừa dối để “phụ họa”. Vậy với những gì dạ dày Mộc Thảo đang quảng cáo tràn lan như trên chất lượng có thật sự tốt không hay chỉ là chiêu trò “a dua” theo trào lưu “hot” để “bẫy” người dùng?
Qua tìm hiểu, sản phẩm dạ dày Mộc Thảo được sản xuất tại Công ty TNHH dược phẩm SMARD (Địa chỉ: Thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội). Sản phẩm này được Công ty TNHH thương mại Grow Up Việt Nam (Địa chỉ: Tầng 5, tòa nhà NO2 Gold Season, số 47 phố Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) phân phối và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm.
Căn cứ theo Giấy xác nhận quảng cáo số 152/2022/XNQC-ATTP, dạ dày Mộc Thảo chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm acid dịch vị, hỗ trợ bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ giảm nguy cơ viêm loét dạ dày, chứ không phải thuốc và không có tác dụng chữa dứt điểm bệnh dạ dày hay diệt vi khuẩn HP.
Dạ dày Mộc Thảo được cơ quan chức năng khuyến cáo không sử dụng cho người mẫn cảm, kiêng kỵ với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm, không dùng cho phụ nữ có thai, người tỳ vị hư nhược, đại tiện táo, người đang sử dụng thuốc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Qua những nội dung nêu trên, người tiêu dùng nên cẩn trọng, tìm hiểu trước khi chi tiền mua sản phẩm dạ dày Mộc Thảo, tránh trường hợp “tiền mất tật mang”. Đồng thời, theo các chuyên gia y tế, các bệnh thường liên quan đến dạ dày như: Viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, viêm hang vị dạ dày, nhiễm khuẩn HP dạ dày, ung thư dạ dày... Để điều trị bệnh, người bệnh phải đến các cơ sở y tế khám và chụp chiếu để chẩn đoán đúng tình trạng bệnh và điều trị theo phương pháp của bác sĩ. Không tự ý mua và sử dụng các loại thuốc trôi nổi, kém chất lượng quảng cáo trên mạng mà bỏ qua cơ hội vàng điều trị khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích, đối với các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo thực phẩm, quảng cáo TPCN sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP và Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, như sau:
Trường hợp quảng cáo TPCN và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc, người vi phạm bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng theo quy định tại Khoản 4 Điều 68. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin và tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo.
Nếu quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định thì bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 67 Nghị định 158/2013, được sửa đổi tại Nghị định 28/2017.
Đối với hành vi quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng theo quy định Khoản 4, Điều 70 Nghị định 158/2013, được sửa đổi tại Nghị định 28/2017
Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin