Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024
Trong bối cảnh làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 đã hiện hữu tại một số địa phương, các giải pháp nêu trong Kết luận của Thủ tướng Chính phủ mang ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Thủ tướng trong vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã nhấn mạnh việc kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. “Trong điều kiện thực sự cần thiết, có thể điều hành ở mức tiệm cận nhưng không được cao hơn 4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế”- Thủ tướng yêu cầu.

Kết luận của Thủ tướng còn nhấn mạnh đến yêu cầu tổ chức thực hiện kiểm soát chặt chẽ đối với công tác kê khai giá thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành và địa phương; tránh lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Chỉ đạo này được các chuyên gia đánh giá là hết sức kịp thời nhằm ngăn chặn việc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, gây tâm lý bất ổn trên thị trường và ảnh hưởng đến điều hành của Chính phủ.

Việc điều hành giá liên quan đến một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, nước sạch sinh hoạt, vật liệu xây dựng, sách giáo khoa… đã được Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý đưa vào “tầm ngắm” nhằm có giải pháp quyết liệt và kịp thời. Riêng với một mặt hàng được xem là “ẩn số” với thị trường, có khả năng tác động trực tiếp đến chỉ số CPI cả năm là thịt lợn, Thủ tướng nêu lên những trách nhiệm có thể nói là hết sức rõ ràng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Bộ Công Thương.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tái đàn, tăng đàn, đưa ra số liệu cụ thể về lượng thịt lợn dự kiến cho từng tháng, quý để chủ động có phương án cân đối cung - cầu phù hợp; thúc đẩy nhập khẩu thịt lợn và lợn sống, từ đó giảm áp lực cho nguồn cung. Với Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm tốt khâu lưu thông, chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ đẩy mạnh xây dựng và triển khai chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn.

Đặc biệt, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ còn nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát lạm phát nhưng không thực hiện thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ. Chính sách kiểm soát lạm phát phải gắn với thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, kích thích tăng trưởng.

Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Khác với những năm trước, nhiều yếu tố trong và ngoài nước mang tính trễ có thể “dồn toa” ở hai quý còn lại của năm 2020 và tạo thêm áp lực điều hành lạm phát. Trong bối cảnh đó, việc điều hành giá cần bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay “độ trễ” cho lạm phát của những năm sau.

Theo Quang Lộc/Báo Công Thương Điện Tử

Link gốc : https://congthuong.vn/kien-dinh-nhung-giai-phap-dieu-hanh-gia-141503.html

Bạn đang đọc bài viết Kiên định những giải pháp điều hành giá tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường