Vải thiều là một trong những loại trái cây phổ biến nhất trong mùa hè ở miền nam Trung Quốc. Nó được trồng ở một số tỉnh như Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam và một số tỉnh khác với sản lượng ít hơn như Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam. Trong đó, Quảng Tây là một trong những địa điểm trồng vải nổi tiếng nhất. Hàng năm, sản lượng vải thiều của Trung Quốc trung bình đạt tới hơn 1 triệu tấn.
Trung Quốc thường sử dụng vải tươi làm thức ăn tráng miệng và một phần được sấy khô làm mứt, bánh kẹo, vị thuốc, nước ép giải khát và lên men ủ rượu. Tuy nhiên hàng năm, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu vải tươi từ Việt Nam và Thái Lan.
Nhưng tại đất nước này, thời gian gần đây nhiều người đang đổ xô đến xem cây vải thiều 1.500 năm tuổi, có giá lên tới 240 nghìn/ 1 quả. Cây vải này có gì đặc biệt?
Cây vải nghìn năm này nằm ở huyện Linh Sơn, thành phố Khâm Châu, tỉnh Quảng Tây, nơi được mệnh danh là quê hương của vải thiều.
Trong huyện Linh Sơn có rất nhiều loại vải ngon khác nhau nhưng cây vải của ông Huang nhận được sự chú ý nhiều nhất. Nhờ sự phát triển của mạng xã hội, ngày càng có nhiều người biết đến nó hơn và muốn đến xem tận mắt, biến nơi đây thành một địa điểm du lịch.
Người dân tìm đến nơi có cây vải 1.500 tuổi. |
Người hiện sở hữu cây vải đặc biệt này là ông Huang. Theo tiết lộ của người này, giá vải thiều thông thường trên thị trường là khoảng 8 nhân dân tệ (gần 29 nghìn đồng)/catty (catty là một đơn vị đo lường của Trung Quốc, tương đương 0,6 kg). Nhưng quả cây vải thiều nghìn năm đang được ông rao bán với giá 888 nhân dân tệ (gần 3,2 triệu đồng)/catty. Đồng nghĩa với việc mỗi quả vải này có giá trị 68 nhân dân tệ (gần 245 nghìn đồng).
Được biết, cây vải thiều nghìn năm của ông Huang được coi là một di tích lịch sử tại huyện Linh Sơn với kích thước rất lớn, thân cây to và cổ.
Năm ngoái, cây vải 1.500 năm tuổi cho ra tới 1.100 kg quả và bán hết chỉ trong vòng 15 ngày. Nhưng năm nay nó cho thu hoạch chỉ được khoảng 400 kg.
Ông Huang cho biết sở dĩ loại vải này có giá đắt đỏ bởi nguồn gốc lâu đời lên đến 1.500 tuổi. Chưa kể, vị của nó còn rất ngon, thịt quả giòn, rất ngọt và không có vị hơi chát như vải thông thường.
"Rất nhiều người dân địa phương đã đặt mua vải, nhiều người từ nơi khác lái xe đến mua. Có những người ở cách xa hàng trăm km cũng muốn đến chiêm ngưỡng cây vải này và ăn thử 1 quả, có người còn thích thú muốn mang hạt về trồng. Tuy nhiên, do số lượng có hạn nên phải đặt trước mới được mua với số lượng lớn" ông Huang chia sẻ
Do tuổi đời cao, cây vải có nhiều cành bị mục ruỗng. Để gia cố cây, ông Huang phải sử dụng cọc để chống đỡ và nhiều biện pháp khác để chăm sóc cây.
Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm tham gia gìn giữ, bảo vệ cây cổ này. Giới thiệu về niên sử của cây vải thiều cổ thụ, tài khoản mạng xã hội WeChat của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Linh Sơn cho hay, vào năm 1963, giáo sư sinh vật học nổi tiếng Pu Dinglong đã dẫn các chuyên gia của Viện nghiên cứu cây ăn quả đến huyện Linh Sơn kiểm tra. Sau nhiều lần so sánh và tính toán, người ta ước tính cây vải cổ thụ này đã có niên đại khoảng 1460 tuổi. Như vậy cho đến nay, nó đã trên 1.500 tuổi.
Cây vải thuộc sở hữu của 7-8 hộ trong vùng và cứ mỗi năm hoa nở sẽ có người đến kiểm tra, sau đó đấu giá để được sở hữu nó. Bí thư huyện Linh Sơn thông tin thêm, cây vải cổ thụ này được ký hợp đồng thông qua đấu giá hàng năm, lần đấu giá cao nhất lên tới 148.000 nhân dân tệ (hơn 532 triệu đồng).
Chính quyền địa phương tin rằng giá quả vải dù cao ngất ngưởng nhưng là hợp lý so với giá trị của cây vải.
Theo Người đưa tin pháp luật