Gần 2 năm qua, bà Mai Thị Lượm cùng nhiều hộ thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hòa (Thạnh Lợi, Bến Lức, Long An) tiến hành chuyển đổi các diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng rau má theo tiêu chuẩn VietGAP. Có những ngày, bà Lượm thu vài triệu đồng.
Hình thành chuỗi liên kết
“Sau thời gian dài gắn bó với các cây trồng truyền thống như chanh, ổi, nhưng thị trường bấp bênh, thu nhập thiếu ổn định, những năm qua, chúng tôi được HTX định hướng chuyển đổi sang trồng rau má VietGAP, thu nhập ngày càng được nâng lên”, bà Lượm chia sẻ.
Đại diện HTX Thạnh Hòa cho hay để phát triển mô hình theo hướng bền vững, HTX chủ động liên kết trồng rau má với Công ty Cổ phần Xúc tiến thương mại CCV Group với tổng diện tích 35ha, 100% sản phẩm được ký hợp đồng bao tiêu đầu ra với giá bán 10.000-17.000 đồng/kg.
Hiện, bình quân mỗi ngày, HTX giao cho doanh nghiệp 15-20 tấn rau má. Nhờ cây rau má mà các thành viên HTX có việc làm và thu nhập ổn định. Theo tính toán, trung bình 1 ha rau má sẽ cho năng suất 7-9 tấn/lần thu hoạch. Một năm có thể thu hoạch 10 - 12 lần.
Theo lãnh đạo UBND huyện Bến Lức, bên cạnh 2 cây trồng chủ lực là lúa và chanh, mô hình trồng rau má đang cho thấy tiềm năng phát triển rất mạnh trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác loại cây này để người dân, HTX sản xuất hiệu quả.
Tương tự, cây rau má cũng đang được định hướng trở thành cây trồng chủ lực ở xã Hoằng Đông (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Cuối năm 2022, HTX xã Hoằng Đông hình thành liên kết với Công ty Liên minh Hợp tác xã nông lâm sản Thanh Hoá, thuê đất của nông dân địa phương để xây dựng cánh đồng lớn trồng rau má trên diện tích hơn 2ha.
100% diện tích trồng rau má mới được HTX Hoằng Đông tổ chức sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGap, tập trung chủ yếu tại thôn Quang Trung và thôn Phú Xuân. Sản phẩm sau thu hoạch được doanh nghiệp liên kết với HTX bao tiêu với giá bình quân 15 nghìn đồng/kg.
“Trong quá trình sản xuất, các hộ dân liên kết với HTX được tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật đến khi thu hoạch, tất cả đều theo tiêu chuẩn VietGAP”, đại diện HTX Hoằng Đông cho hay.
Nâng cao giá trị gia tăng
Với vai trò tổ chức sản xuất của HTX cùng sự đồng hành của địa phương và doanh nghiệp, mô hình trồng rau má đang kỳ vọng sẽ đem lại thu nhập cao cho nông dân.
Anh Lê Xuân Thắng, thành viên liên kết của HTX Hoằng Đông, cho biết khi trồng cây ra má chỉ đầu tư 1 lần với chi phí là 8 triệu đồng/sào. Sau trồng 3 tháng, rau má bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Sau thu hoạch, các hộ sản xuất tiến hành chăm sóc và sau đó theo chu kỳ, khoảng 20-25 ngày sau lại thu hoạch 1 đợt… Cứ như vậy, cây rau má cho thu hoạch sản phẩm rau má tươi quanh năm và kéo dài liên tục trong 8-10 năm.
“Trung bình 1 sào canh tác sẽ cho thu hoạch 300 -350kg rau má tươi, trừ chi phí mang lại thu nhập trên dưới 3,5 triệu đồng/sào hoặc cao hơn nếu chăm sóc tốt”, anh Thắng nói.
Với những thành công ban đầu, xã Hoằng Đông dự kiến sẽ đưa cây rau má trở thành cây trồng thế mạnh, mang lại nguồn thu nhập cao, mở ra hướng sản xuất mới cho ngành nông nghiệp của xã nhà, từng bước tạo nên phong trào sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, hình thành chặt chẽ mối liên kết “4 nhà”.
Cây rau má hiện cũng đang là câu xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho nhiều nông dân trên địa bàn xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Đại diện UBND xã Hòa Khánh Tây cho biết, mô hình trồng rau má chỉ thực sự phát triển mạnh tại địa phương từ năm 2018. So với cây lúa truyền thống, rau má đang cho lợi nhuận cao hơn gấp 5 - 7 lần, giá trị bình quân đạt 150 - 200 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, trong thời gian qua, với sự tham gia của một số HTX, tổ hợp tác, các hộ trồng rau má trên địa bàn xã đã chủ động ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, tình trạng lạm dụng hóa chất độc hại dần được loại bỏ, các loại phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học được ưu tiên sử dụng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Việc sản xuất sạch cũng đang giúp sản phẩm rau má Hòa Khánh Tây nâng cao chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng. Hiện, hầu hết sản phẩm được thương lái đến tận ruộng thu mua, giá ổn định ở mức 18 - 25 nghìn đồng/kg.
Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng rau má theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích cũng sẽ được kiểm soát để tránh tình trạng “vỡ quy hoạch”, dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm sút.
Để phát triển bền vững, xã sẽ vận động người dân thành lập, tham gia các HTX, tổ hợp tác, để nâng cao nội lực, hình thành chuỗi giá trị, thu hút các bạn hàng lớn, có uy tín như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, từ đó đảm bảo thị trường tiêu thụ, ổn định giá bán.
Thành công của những mô hình trồng rau má điển hình từ Nam ra Bắc cho thấy sản xuất hữu cơ, thân thiện môi là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị nâng cao giá trị gia tăng là chìa khóa thành công.