Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Gần 170 tỷ đồng của Tập đoàn Bảo Việt ‘ngủ đông’ cùng dự án Tháp tài chính Quốc tế (IFT)

DTVN 13:45 28/06/2024

Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) của Tập đoàn Bảo Việt đã được cấp phép từ năm 2013, thế nhưng, đến nay dự án này vẫn không có dấu hiệu triển khai dù Tập đoàn Bảo Việt đã “rót” vào đó 170 tỷ đồng.

Ngày 26/6, Tập đoàn Bảo Việt sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024. Tại phiên họp này, Tập đoàn Bảo Việt sẽ thảo luận và thông qua báo cáo của Tổng giám đốc về Kết quả kinh doanh năm 2023 và kế hoạch kinh doanh năm 2024; Tờ trình thông qua BCTC hợp nhất và BCTC năm 2023 đã được kiểm toán của Tập đoàn; Báo cáo hoạt động của Tập đoàn Bảo Việt...

Ngoài ra, Đại hội cũng sẽ thảo luận tờ trình về việc phương án phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2023 và kế hoạch sử dụng lợi nhuận sau thuế năm 2024.

Cụ thể, Tập đoàn dự kiến sẽ dành 745 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 10,037%. Phần lợi nhuận còn lại sẽ dùng để bổ sung vào nguồn chia cổ tức năm sau.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của CTCP Tập đoàn Bảo Viêt (MCK: BVH) cho thấy, tính đến ngày 31/3/2024, BVH có 2.818 tỷ đồng đầu tư vào 6 công ty liên doanh liên kết và 1.227 tỷ đồng góp vốn vào 6 đơn vị khác. Trong số này, Bảo Việt "rót" 169,6 tỷ đồng vào Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) địa chỉ tại 220 Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội).

gan-170-ty-dong-cua-tap-doan-bao-viet-ngu-dong-cung-du-an-thap-tai-chinh-quoc-te-ift-antt-1719318942.png

Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận khoản đầu tư gần 170 tỷ đồng vào Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT). Ảnh chụp màn hình.

Liên quan đến dự án này, được biết, ngày 29/12/2005, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định 8506/QĐ-UB phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao khu đất này cho Công ty Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở.

Để thực hiện dự án, năm 2009, Bảo Việt Nhân thọ liên doanh cùng Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thành lập Công ty TNHH đầu tư SCIC – Bảo Viêt (nay là Công ty TNHH Bảo Việt – SCIC) với tỷ lệ vốn của Tập đoàn Bảo Việt và SCIC là 50 : 50.

Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2009 của Tập đoàn Bảo Việt, tại ngày 31/12/2009, Tập đoàn Bảo Việt bắt đầu ghi nhận khoản đầu tư vào Công ty TNHH đầu tư Bảo Việt – SCIC 45 tỷ đồng. Tại Báo cáo tài chính quý I/2024, khoản góp vốn của Tập đoàn Bảo Việt vào công ty liên doanh này là 70 tỷ đồng.

Năm 2013, dự án này được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư là Công ty TNHH đầu tư Bảo Việt - SCIC. Công trình được cấp phép cao 34 tầng và chiều cao tối đa 150m với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại.

Dự án có quy mô hơn 13.000 m2, với tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Thời điểm ra mắt, dự án được kỳ vọng là tòa văn phòng hạng A, tiêu chuẩn quốc tế, biểu tượng của quận Cầu Giấy.

Sở hữu vị trí đẹp ngay mặt đường Trần Duy Hưng, ngay gần Vành đai 3 và xung quanh là các trung tâm thương mại lớn, thế nhưng, hàng thập kỷ qua dự án Tháp Tài chính IFT của Bảo Việt đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống để cỏ dại mọc. Tuy Tập đoàn Bảo Việt đã “rót” gần 170 tỷ đồng vào dự án này nhưng đến nay vẫn đang "ngủ đông" mà chưa hẹn ngày triển khai.

Trong khi đó, đối tác của Bảo Việt tại dự án Tháp Tài chính IFT là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC trong nhiều năm qua đã liệt kê Công ty TNHH đầu tư Bảo Việt – SCIC vào danh sách doanh nghiệp cần bán vốn nhưng vẫn chưa xong.

Theo BCTC năm 2023 của SCIC, Tổng công ty vẫn đang nắm giữ 50% vốn tại Công ty TNHH đầu tư Bảo Việt – SCIC.

Kém duyên mảng bất động sản

Tập đoàn Bảo Việt trước đây là một doanh nghiệp nhà nước, sau đó đã được cổ phần hóa và trở thành doanh nghiệp cổ phần từ năm 2007. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn là cổ đông lớn sở hữu 65% vốn tại Tập đoàn này.

Trước đây, khi nhắc đến Tập đoàn Bảo Việt, người ta nghĩ ngay đến một tập đoàn bảo hiểm hàng đầu Việt Nam nhưng nhiều năm gần đây, Tập đoàn này đã mở rộng đầu tư đa ngành với các dịch vụ tài chính như ngân hàng, đầu tư, môi giới, quản lý quỹ, bất động sản… và mảng chính bảo hiểm không còn chiếm “ngôi vương”.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, kết thúc 3 tháng đầu năm, BVH ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm đạt 10.322,7 tỷ đồng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, BVH lỗ gộp 488,8 tỷ đồng.

Khác với hoạt động kinh doanh cốt lõi, hoạt động tài chính của BVH có phần tươi sáng hơn khi doanh thu đem về hơn 3.258,5 tỷ đồng, tăng gần 134 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu từ lãi đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu... Lợi nhuận tài chính sau khi trừ đi chi phí đạt hơn 2.861,2 tỷ đồng, tăng 14,7%.

Khoản lợi nhuận này tiếp tục giúp BVH chuyển từ lỗ thành lãi sau thuế gần 742 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng mảng bất động sản dường như kém duyên với Tập đoàn Bảo Việt khi các dự án có sự tham gia của BVH đều chậm tiến độ và vướng nhiều lùm xùm.

Ngoài dự án Tháp Tài chính IFT đã nói ở trên thì dự án Seven Star trên khu đất vàng D27 Cầu Giấy cũng nằm đắp chiếu hơn chục năm qua.

Một dự án khác có sự tham gia của Tập đoàn Bảo Việt là dự án Khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Đơn vị thực hiện dự án là CTCP đầu tư xây dựng Long Việt được thành lập từ năm 2008, trong đó, Tập đoàn Bảo Việt nắm 45% vốn điều lệ. Dự án này từng bị Thanh tra Chính phủ điểm tên vì nhiều sai phạm

Link gốc : https://antt.nguoiduatin.vn/gan-170-ty-dong-cua-tap-doan-bao-viet-ngu-dong-cung-du-an-thap-tai-chinh-quoc-te-ift-16803.html

Bạn đang đọc bài viết Gần 170 tỷ đồng của Tập đoàn Bảo Việt ‘ngủ đông’ cùng dự án Tháp tài chính Quốc tế (IFT) tại chuyên mục Hợp tác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hợp tác