Gói thầu số 16 thuộc Dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín, TP. Hà Nội (giai đoạn 1) sử dụng ngân sách TP. Hà Nội, giá gói thầu gần 382 tỷ đồng. Ảnh: Phan Hưng |
Gói thầu nêu trên sử dụng ngân sách TP. Hà Nội, giá gói thầu gần 382 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng, theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ; thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ 17 giờ 51 ngày 21/11 đến 18 giờ ngày 11/12/2020; thời gian thực hiện hợp đồng là 600 ngày.
HSMT yêu cầu nhà thầu phải có tối thiểu 1 hợp đồng tương tự có đầy đủ các hạng mục xây lắp, lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy, hệ thống khí y tế, hệ thống điều hòa, thông gió, hệ thống khí sạch, hệ thống điện nhẹ... Hợp đồng tương tự này phải thực hiện trên địa bàn đô thị.
TS. Nguyễn Việt Hùng - chuyên gia về đấu thầu cho biết, yêu cầu về hợp đồng tương tự thực hiện trên địa bàn đô thị là tiêu chí hạn chế sự tham gia của nhiều nhà thầu, không đúng với tinh thần của pháp luật về đấu thầu, Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhà thầu phản ánh cho biết thêm, HSMT yêu cầu, nếu là nhà thầu liên danh thì ít nhất một thành viên của liên danh phải có một hợp đồng tương tự về tất cả hạng mục từ chính yếu đến chi tiết. Quy định này không tạo điều kiện cho các nhà thầu mạnh trong từng lĩnh vực (xây lắp, cung cấp, lắp đặt các loại thiết bị) liên danh với nhau để dự thầu.
Tại tiêu chí uy tín của nhà thầu bộc lộ bất cập về thang điểm, HSMT đưa ra thang điểm tối đa là 5, điểm tối thiểu là 3,75 với yêu cầu nhà thầu có số lượng hợp đồng tương tự là 2 hoặc khác 2, trong đó có ít nhất 1 hợp đồng có giá trị 267,3 tỷ đồng và tổng giá trị hợp đồng từ 534,6 tỷ đồng (nhà thầu có 1 hợp đồng tương tự được 1 điểm), lịch sử thực hiện hợp đồng tối đa được 0,75 điểm, lịch sử kiện tụng trước đây điểm tối đa 1,5 điểm. Điều bất cập là, với trường hợp nhà thầu có 1 hợp đồng tương tự có giá trị hợp đồng từ 534,6 tỷ đồng trở lên, được chấm điểm tối đa đối với phần lịch sử thực hiện hợp đồng và lịch sử kiện tụng thì tổng điểm tối đa mới đạt được 3,25 điểm, thấp hơn điểm tối thiểu theo quy định của HSMT là 3,75 điểm.
Bên cạnh đó, HSMT còn yêu cầu nhà thầu phải có kỹ sư chuyên ngành có chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo lắp đặt thiết bị điều hòa, khí y tế, thang máy của hãng sản xuất mà nhà thầu lựa chọn; nhà thầu phải cung cấp bằng cấp, chứng chỉ có liên quan... Nhà thầu cho rằng, những yêu cầu này là không đúng quy định pháp luật về đấu thầu, hạn chế sự tham gia của nhà thầu.
Ngoài ra, HSMT yêu cầu một số thiết bị có các thông số kỹ thuật mà chỉ có 1 hãng sản xuất mới đáp ứng được như: các thông số kỹ thuật của bồn chứa oxy lỏng (hạng mục khí y tế) chỉ có Model C6 của hãng Cryolor của Pháp đáp ứng được; yêu cầu về thiết bị chuyển mạch (switch mạng) chỉ có hãng Extreme của Mỹ đáp ứng, yêu cầu về firewall (hệ thống mạng máy tính và wifi) chỉ có hãng Gajshield của Ấn Độ đáp ứng được; thiết bị đầu cuối hội nghị truyền hình, hạng mục hệ thống AV phòng họp 18 chỗ tầng 4 chỉ có hãng Polycom của Mỹ mới đáp ứng được...
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa xã hội thành phố Hà Nội cho biết, hiện tại, có 2 nhà thầu có ý kiến làm rõ một số tiêu chí của HSMT. Do Ban không có chuyên môn về đấu thầu nên đã thuê đơn vị tư vấn là Công ty CP Tư vấn H.I.C lập HSMT, đơn vị thẩm định HSMT là Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng và Thương mại GP. Hiện Ban đang tập hợp ý kiến của các nhà thầu để đơn vị tư vấn lập HSMT làm rõ.
Theo Báo Đấu thầu