Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Giày Thượng Đình - Thương hiệu 'vang bóng một thời' bị cưỡng chế nợ thuế

Mai Hương(T/H) 16:52 06/08/2020

Nguyên nhân cưỡng chế do Giày Thượng Đình có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

Theo tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 31/7, Cục Thuế TP.Hà Nội quyết định áp dụng cưỡng chế bằng cách ngừng sử dụng hóa đơn để thi hành thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp của Chi cục Thuế Quận Thanh Xuân đối với Công ty cổ phần Giày Thượng Đình (mã GTD).

Nguyên nhân cưỡng chế do Giày Thượng Đình có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

Quyết định của Cục Thuế Hà Nội có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 31/7/2020 đến 30/7/2021 hoặc chấm dứt khi GTD nộp đủ tiền vào ngân sách nhà nước.

Giày Thượng Đình là một trong những thương hiệu lâu đời nhất tại Việt Nam, tiền thân là Xí nghiệp X30, được thành lập vào tháng 1/1957. Đến nay, hãng giày này đã có trên 63 năm hoạt động và cung cấp các sản phẩm giày dép cho thị trường trong nước. Công ty cũng từng rất thành công trong việc xuất khẩu.

Thời hoàng kim của Giày Thượng Đình chỉ kéo dài đến những năm đầu thế kỷ 21. Các hiệp định mậu dịch tự do giữa các nước ASEAN (AFTA), gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) khiến mặt hàng giày dép của các nước lân cận và những thương hiệu lớn như Nike hay Adidas… tràn ngập Việt Nam, đẩy Giày Thượng Đình vào khốn khó.

Giống nhiều thương hiệu vang bóng một thời của Việt Nam, Giày Thượng Đình cũng gặp rất nhiều khó khăn vì dây chuyền sản xuất cũ và không kịp sự thay đổi theo thị yếu người dùng.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiệm trọng tới tình hình sản xuất kinh doanh. GTD cho biết một số đơn hàng đã ký, đã sản xuất nhưng vẫn chưa được xuất hàng. Các mẫu giày cần sản xuất để chào hàng cũng bị gián đoạn nên khả năng nhận đơn hàng xuất khẩu gặp khó khăn.

Lượng hàng tiêu thụ trong nước cũng sụt giảm đáng kể do giãn cách xã hội, nhu cầu người dân đi xuống. Năm 2020 dự báo tiếp tục là một năm sản xuất kinh doanh không dễ dàng đối với hãng giày dép này.

Ban lãnh đạo cho biết lượng khách hàng xuất khẩu, đơn hàng xuất khẩu gặp khó do thông tin phải di dời nhà máy ảnh hưởng rất nhiều đến việc hợp tác kinh doanh. Các đơn hàng thường rất nhỏ lẻ, ngắn hạn, nhiều khách hàng đã dừng hẳn việc phát triển mẫu mã với Công ty. Các sản phẩm của công ty này cũng bị chê là kém thẩm mỹ và không được đầu tư bài bản.

Trong khi Nhà máy Thượng Đình đã rất cũ, không được xây mới và cải tạo, khó đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, các chi phí bình quân tăng do chi phí cố định hầu như không thay đổi dù sản lượng giảm sút.

Về con người, nguồn lao động dự báo sẽ biến động theo hướng giảm mạnh, đặc biệt là công nhân sản xuất trực tiếp. Điều này là do công việc không ổn định, tâm lý của người lao động không yên tâm làm việc lâu dài (ảnh hưởng bởi việc di dời nhà máy). GTD cũng gặp khó trong việc giải quyết chế độ đối với người lao động do tài chính.

Ngoài ra, Công ty cũng đang nan giải với việc thu hồi công nợ, đặc biệt là khoản nợ khó đòi rất lớn. Giữa bối cảnh đó, GTD dự kiến lỗ sau thuế 13 tỷ đồng trong năm 2020, kế hoạch kinh doanh cụ thể như sau:

Lãnh đạo công ty cũng thừa nhận 2019 là giai đoạn hãng gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là khi có thông tin nhà máy phải di dời khỏi địa chỉ 277 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), dẫn đến việc giảm lượng khách hàng xuất khẩu, đồng thời công nhân nghỉ việc rất nhiều. Đến cuối năm 2019, công ty vẫn chưa trích trước trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Cụ thể, năm 2019, Giày Thượng Đình đặt mục tiêu doanh thu đạt 175 tỷ đồng, tăng nhẹ so với doanh số đạt được trong năm 2018 trước đó. Tuy nhiên, mục tiêu lãi ròng dự kiến công ty thu về lại chỉ vỏn vẹn 50 triệu đồng.

Nếu không tính 2 năm gần nhất lỗ ròng, đây là mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn nhất mà hãng giày này từng đặt ra. Trong năm kinh doanh trước đó, ban lãnh đạo Giày Thượng Đình cho biết công ty đã trải qua năm sản xuất kinh doanh với rất nhiều khó khăn.

Tính đến cuối năm 2018, lỗ lũy kế công ty đã là 17 tỷ đồng, nợ khó đòi xấp xỉ 12 tỷ đồng, trong khi lỗ tại nhà máy tại Hà Nam trước năm 2014 cũng đã xấp xỉ 3,6 tỷ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tài chính và phát sinh lãi ngân hàng.

Ngoài ra, theo số liệu từ ban giám đốc, riêng danh mục chi phí của công ty đã tăng liên tục từ năm 2015 đến nay. Trong đó, khấu hao tài sản đã tăng gần 3 lần (từ 2,5 tỷ lên 7,2 tỷ); tiền thuê đất tăng từ 4,1 tỷ lên 6,8 tỷ đồng

Ban lãnh đạo công ty cho rằng nếu tiếp tục kinh doanh như hiện nay, với các chi phí như trên thì rất khó có thể có lãi, nguy cơ lỗ cao.

Sau 2 năm liền thua lỗ (2017-2018), giá cổ phiếu Giày Thượng Đình giảm liên tục hiện chỉ còn 4.300 đồng/cổ phiếu và không có thanh khoản.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/giay-thuong-dinh--thuong-hieu-vang-bong-mot-thoi-bi-cuong-che-no-thue-d80303.html

Bạn đang đọc bài viết Giày Thượng Đình - Thương hiệu 'vang bóng một thời' bị cưỡng chế nợ thuế tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp