Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

BOT giao thông thua lỗ - Cần đánh giá khách quan và tháo gỡ về chính sách

DTVN 10:19 18/12/2020

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dự án giao thông BOT đang đứng trước nguy cơ “sập sàn” vì thua lỗ. Nợ xấu trong các dự án BOT, BT trong lĩnh vực giao thông liên tục tăng nhanh.

Đó là nhận định của các đại biểu tại Tọa đàm “Khơi nguồn và sử dụng hiệu quả tín dụng BOT giao thông” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 17/12/2020 tại Hà Nội.

BOT góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi- Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông luôn giữ vai trò quan trọng và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, không đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, việc đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội là cần thiết.

Tọa đàm “Khơi nguồn và sử dụng hiệu quả tín dụng BOT giao thông”: Cần có quy hoạch rõ ràng, phải có cơ chế chia sẻ rủi ro của Nhà nước với nhà đầu tư

Hình thức đầu tư đối tác công tư, trong đó có hình thức hợp đồng BOT (xây dựng-điều hành-chuyển giao) đã tạo điều kiện, cơ hội cho thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đại dịch Covid-19 một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều này có nghĩa, việc khơi thông được dòng vốn cho dự án BOT giao thông có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng của nước ta.

Kể từ dự án BOT đầu tiên là cầu Cỏ May trên quốc lội 51 thực hiện năm 1999 đến nay, sau 21 năm, cả nước mới có 62 dự án BOT giao thông với tổng mức đầu tư gần 190.000 tỷ đồng.

Riêng trong giai đoạn 2011-2016 đã triển khai 59 dự án BOT với số vốn là 154.481 tỷ đồng bằng 90,2% vốn đầu tư cho các dự án giao thông đường bộ.

Và theo báo cáo của 43 tỉnh thành phố cho biết đã huy động hơn 80.000 tỷ đồng cho các dự án BOT, như vậy bình quân mỗi tỉnh huy động được 2.000 tỷ đồng đầu tư BOT giao thông.

Tại Toạ đàm, Chuyên gia, đại biểu Quốc hội và các doanh nghiệp đã đầu tư vào BOT đều khẳng định, các dự án BOT giao thông góp phần làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông Việt Nam, đặc biệt là hệ thống đường, cầu có sự chuyển biến rõ rệt, tạo điểm nhấn cho sự phát triển hạ tầng; tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, và trực tiếp giúp tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Khơi dòng vốn tư nhân đầu tư vào giao thông

BOT đã mang lại những lợi ích tốt đẹp, nhưng từ năm 2016 đến nay, không có dự án BOT nào được triển khai. Tại toạ đàm, các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào BOT giao thông chia sẻ, nhà đầu tư đang nhụt chí với BOT, không ít dự án đang thua lỗ nặng vì tiền phí thu về khác xa với phương án tài chính ban đầu. Nợ xấu trong các dự án BOT, BT trong lĩnh vực giao thông liên tục tăng nhanh. Phía ngân hàng cũng ngày càng dè dặt với các dự án BOT.

Đề cập tới bất cập của các dự án BOT giao thông, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ Giao thông vận tải cho biết, có bất cập về vị trí đặt trạm BOT. Trên tổng thể các dự án của ngành giao thông thì có khoảng 20 dự án bất cập trong vị trí đặt trạm. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục bất cập tại các trạm BOT trên các tuyến quốc lộ.

Đến nay, 14/20 trạm đã được khắc phục, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đã ổn định. Đối với 6 trạm bất cập còn lại, do tính chất đặc thù nên việc triển khai các giải pháp xử lý gặp nhiều vướng mắc. “6 trạm BOT này không có doanh thu và doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Bộ GTVT đang cùng Chính phủ nỗ lực giải quyết vấn đề này"- ông Lê Kim Thành cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thu hút tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông thời gian qua là chủ trương đúng, đã đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện có vấn đề, gây mất niềm tin của nhà đầu tư. Cụ thể, tín dụng cho các dự án hạ tầng giao thông BOT rất đặc thù. Thời gian hoàn vốn kéo dài nhiều năm tiềm ẩn rủi ro về thu phí hoàn vốn, "thu không đủ chi" phương án tài chính bị vỡ, khiến nợ xấu từ các dự án này tăng cao, dẫn tới việc huy động vốn tư nhân gặp nhiều khó khăn.

Để thu hút được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia đầu tư các dự án giao thông mới, bên cạnh hoàn thiện khung pháp lý, các ý kiến đề xuất cần sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đã, đang triển khai các dự án BOT; xem xét hướng dẫn cơ chế hỗ trợ, chia sẻ rủi ro.

Các ý kiến tại Tọa đàm cùng thống nhất khẳng định, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp không đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thì cần phải thu hút được mạnh mẽ vốn đầu tư tư nhân cho các dự án giao thông và BOT là một phương thức. Nhưng để nhà đầu tư không nản chí thì phải hoàn thiện khung pháp lý và sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đã, đang triển khai các dự án BOT. Đặc biệt là phải có quy hoạch giao thông rành mạch, trong đó xác định rõ tuyến nào đoạn nào đầu tư công, tuyến nào đoạn nào là BOT cũng như quy hoạch vị trí đặt trạm thu phí cho khoa học, hợp lý.

Đặc biệt là phải có cơ chế chia sẻ rủi ro của Nhà nước với nhà đầu tư và cần định giá phí giao thông sao cho hợp lý để người dân được hưởng lợi, nhà đầu tư có lãi và nhà nước có lợi.

Theo Chất lượng Việt Nam online

Link gốc : http://vietq.vn/bot-giao-thong-thua-lo--can-danh-gia-khach-quan-va-thao-go-ve-chinh-sach-d181868.html

Bạn đang đọc bài viết BOT giao thông thua lỗ - Cần đánh giá khách quan và tháo gỡ về chính sách tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh
Gia đình tôi có dự định thành lập hợp tác xã. Vậy, tôi muốn hỏi những điều kiện pháp lý và thủ tục cần thiết để thành lập hợp tác xã là gì? Cần có bao nhiêu người thì mới có thể thành lập được hợp tác