Cách đây không lâu, hình ảnh một thanh niên Vĩnh Phúc đeo khẩu trang, giơ lên tấm biển “Tôi là người Vĩnh Phúc. Chúng tôi là con người. Chúng tôi không phải là virus. Đừng kỳ thị chúng tôi!” khiến nhiều người nhức nhối, đau lòng. |
Kể từ khi có dịch, chuyện kỳ thị người Trung Quốc và những người ở vùng có dịch không phải là hiếm. Cứ nghĩ chuyện xa xôi ở nước bạn, nhưng ngay ở Việt Nam, nhiều người từ vùng dịch trở về hay những người tiếp xúc với người nhiễm/nghi nhiễm virus Sars-Cov-2 cũng bị chính người trên đất nước mình kỳ thị.
Hình ảnh một thanh niên Vĩnh Phúc đeo khẩu trang, giơ lên tấm biển “Tôi là người Vĩnh Phúc. Chúng tôi là con người. Chúng tôi không phải là virus. Đừng kỳ thị chúng tôi!” khiến nhiều người nhức nhối
Rồi mới đây là câu chuyện của nhiều người, trong đó có các sinh viên Việt Nam học ở Hàn Quốc khi về nước, họ bị kỳ thị ngay trên quê hương mình khi họ được cách ly theo quy định để kiểm soát dịch bệnh. Điển hình như câu chuyện của anh K.H.C, quê ở TP.Thái Bình, sinh viên năm thứ 2, khoa Công nghệ ô tô Trường ĐH Hosan (TP.Daegu, Hàn Quốc). Khi anh về nước vì nhà trường được nghỉ học thêm 2 tuần và được cách ly theo quy định là người về từ vùng dịch.
Thông tin anh bị cách ly được phát tán trên mạng, đã không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của anh và người thân trong gia đình. Theo chia sẻ của anh C, gia đình anh ở nhà khốn khổ, bị mọi người xa lánh, mỉa mai, miệt thị. Gia đình anh kinh doanh vật liệu xây dựng cũng phải đóng cửa vì không ai muốn quan hệ làm ăn, buôn bán.
Anh C chỉ là một trong nhiều người bị cách ly rơi vào hoàn cảnh tương tự. Họ sợ hãi khi thông tin mình bị cách ly hay có chút liên quan đến dịch bệnh bị lộ ra, không chỉ bản thân họ và cả người thân cũng bị mọi người miệt thị, xa lánh.
Việc kỳ thị những người bị cách ly, những người đến từ vùng dịch nhức nhối đến nỗi khiến trong một số cuộc họp, lãnh đạo tỉnh đã phải đề nghị truyền thông tuyên truyền để không kỳ thị người dân Vĩnh Phúc cũng như những người liên quan đến dịch.
Rồi chính các bác sỹ trực tiếp chữa trị cho các bệnh nhân bị nhiễm virus Sars-Cov-2 cũng tâm sự rằng, dù họ có khó khăn vất vả đến đâu, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng cũng không ngại, nhưng điều họ lo ngại là sự kỳ thị của cộng đồng đối với họ và gia đình, người thân. Thật đáng buồn, đáng lẽ ra, những bác sỹ và gia đình họ xứng đáng là những “anh hùng” trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh dịch, thì họ lại phải đi xin một điều nhỏ nhoi “đừng kỳ thị”.
Dẫu ai cũng biết rằng, trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới với cả trăm người chết, hàng ngàn người bị nhiễm virus Sars-Cov-2 thì tâm lý lo lắng, e dè với dịch bệnh cũng là phản xạ tự nhiên của con người. Nhưng hãy tỉnh táo để không để tâm lý lo sợ lấn át, điều khiển chúng ta sang một trạng thái tâm lý tiêu cực là kỳ thị, miệt thị người có liên quan đến dịch, từ bệnh nhân, bác sỹ, đến người trở về từ vùng dịch, người bị cách ly… thậm chí kỳ thị cả gia đình, người thân của họ.
Chúng ta cũng đã biết, khi bản thân mình hoặc ai đó bị kỳ thị, miệt thị, rất hiếm người có suy nghĩ tích cực mà đa số sẽ nảy sinh tâm lý tiêu cực. Những bài học trong thực tế về phòng chống dịch và các chuyên gia đã chứng minh điều này. Kỳ thị sẽ là rào cản trong việc hợp tác điều trị, cách ly hoặc phòng tránh cho cộng đồng.
Thực tế, những người bị cách ly hoặc tự giác khai báo y tế đang làm những việc hết sức văn minh, góp phần kiểm soát dịch bệnh, tránh dịch lây lan ra cộng đồng. Họ và gia đình họ phải nhận được sự ủng hộ, động viên, chia sẻ của mọi người xung quanh vì những hành động đẹp đẽ này.
Nhưng thật đáng buồn, vẫn có những người có cách nhìn sai lệch coi họ như kẻ “tội đồ” đáng sợ, gieo rắc dịch bệnh, đáng bị miệt thị. Không những thế, những người này còn tung tin, thêu dệt nhiều chuyện khiến liên luỵ tới cả người thân của những người đang làm những việc có ích cho cộng đồng. Thái độ kỳ thị đang đi ngược lại nỗ lực trong việc kiểm soát, phòng tránh dịch bệnh lây lan, khiến cho công tác này càng thêm khó khăn.
Trong diễn biến khó lường của dịch Covid-19 và của nhiều loại bệnh khác, ai dám chắc rằng “hoạ” sẽ không rơi vào mình và gia đình mình. Đó là chưa kể những diễn biến bất thường của thiên tai, địch hoạ, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Hôm nay tránh được dịch bệnh, ngày mai chúng ta có thể tránh được động đất, núi lửa, sóng thần...
Quả những lời người xưa dạy vẫn còn nguyên giá trị “không ai có thể nắm tay từ sáng đến tối”, “hôm nay cười người, ngày mai người cười”… Vì thế, chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, để biết cảm thông, chia sẻ thay vì có hành động kỳ thị, miệt thị họ.
Chỉ có như thế, dịch bệnh và những khó khăn mới được đẩy lùi. Điều đó cũng chính là đang mang lại lợi ích cho bản thân mình và cộng đồng.
Theo ANTT